Câu chuyện về muối iod


muoi-iodTruyền nhưng chưa... thông...

Tại một buổi hội nghị về vi chất dinh dưỡng, nhiều đại biểu ngoài ngành y tế, dù có chức vụ cao và rất quan tâm đến các thông tin về sức khoẻ, nhưng chưa hề nắm được thông tin mới "muối iod có thể được nêm nếm như muối thường" chứ không phải "bắc thức ăn xuống khỏi bếp rồi mới nêm"như những năm đầu phát động chương trình "Toàn dân dùng muối iod".

Các vị hết sức băn khoăn: "Đây có phải là thông tin chính thức không? Nghe nói nếu nêm muối iod ở nhiệt độ cao sẽ mất hết iod mà?" Trên thực tế, hiện nay, kỹ thuật pha muối iod đã được cải tiến nên dù nêm nếm ở trên bếp, vẫn đảm bảo lượng iod trong thức ăn.

Cũng tại hội nghị này, nhiều đại biểu vẫn hết sức lo ngại nếu thừa iod sẽ bị cường giáp. Thực tế, lượng iod còn thừa trong cơ thể sẽ được bài tiết ra ngoài.

Trên một tờ bướm truyền thông về lợi ích của iod của một tỉnh lân cận TP.Hồ Chí Minh cho biết iod có nhiều trong hải sản và một số loại thức ăn khác, sau đó nhấn mạnh đến một số tác hại nếu thiếu iod, nhất là bướu cổ, cuối cùng kết luận: "Hãy dùng muối iod". Cách trình bày không nhất quán này có thể làm người dân thắc mắc vì chưa thấy rõ lợi ích của muối iod trong khi có thể hiểu rằng chỉ cần ăn hải sản là đủ bổ sung iod rồi! Trong khi dùng muối iod là cách bổ sung iod đơn giản, đều đặn, kinh tế nhất, vì ngày nào ta cũng ăn muối chứ đâu thể ăn hải sản hàng ngày.

Trên một tờ báo thời trang trình bày rất bắt mắt, chúng tôi tìm thấy bài viết "Iod- nữ hoàng sức khỏe" phân tích rất chi tiết nhiều lợi ích của iod, ngoài việc góp phần phát triển trí tuệ, phòng chống bệnh bướu cổ, tránh sẩy thai, suy dinh dưỡng bào thai...bài báo còn nêu rất nhiều lợi ích rất lạ của chất iod (có lẽ được dịch từ tài liệu nước ngoài), nhưng đặc biệt là bài báo không nhắc một chữ nào đến muối iod!

Tại buổi mít tinh "Hưởng ứng ngày toàn dân mua và sử dụng muối iod " ngày 14/10/2005, TS. Lương Ngọc Khuê, Phó Vụ trưởng Vụ Điều trị, Trưởng ban điều hành Dự án Phòng chống Bướu cổ Bộ Y tế cho biết, từ lâu, quan niệm thiếu iod không có ở đồng bằng đã ăn sâu vào suy nghĩ không chỉ ở người dân mà ngay cả ở một số thành viên của giới trí thức và các nhà lãnh đạo. Thật ra, lượng iod trong thức ăn hàng ngày không thể cung cấp đủ nhu cầu của chúng ta, mà cần có biện pháp bổ sung.

Nếu ở cấp ban ngành có chức năng mà thông tin về iod và muối iod còn chưa được cập nhật đầy đủ, thì có thể nhận ra người dân bình thường còn thiếu thông tin đến mức nào! Theo điều tra cho thấy, miền Đông Nam bộ ( kể cả TP.HCM) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ phủ muối iod đủ tiêu chuẩn phòng bệnh thấp nhất nước, tương ứng là 65,8% và 54,4%, dẫn đến tỷ lệ bướu cổ ở đồng bằng sông Cửu Long cao nhất nước là 10,1% so với các khu vực khác chỉ từ 4,3-5,4%.

Cung và cầu

  • Trước nay, muối iod được xem là một sản phẩm xã hội hơn là một sản phẩm thương mại. Các công ty muối than "làm muối iod không có lời, làm nhiều sẽ ... lỗ", bởi vì sức mua của người dân hầu như không tăng qua nhiều năm. Hiện nay, hoá chất pha trộn muối iod (KiO3)được cấp miễn phí, nếu trong tương lai sự trợ cấp này không còn nữa thì sẽ gây khó khăn cho chương trình. Một số địa phương miền núi, miền Trung có chính sách trợ giá muối, đây là biện pháp có thể giải quyết ngay tình hình trước mắt, nhưng về lâu dài có thể không bền vững khi không còn trợ giá.

Nắm bắt tình hình này, tháng 9/2005, Chương trình phòng chống rối loạn do thiếu iod Quốc gia đã tổ chức một lớp Tiếp thị kinh doanh dành cho các công ty muối phía Nam. Tích cực quảng bá thương hiệu là một yếu tố quan trọng "kích cầu" việc sử dụng muối iod. Thế nhưng trong nhiều năm, muối nhất là muối iod chưa được quảng bá như một mặt hàng có chất lượng cao do các công ty chưa nghĩ đến, và cũng do thiếu kinh phí.

Muối quý hơn vàng

  • Theo GS. Lê Ngọc Trọng, trước đây 10 năm, ở vùng núi có tỷ lệ trẻ em trì độn rất cao, nhưng hiện nay tỷ lệ này giảm đáng kể. Một trong những yếu tố góp phần vào kết quả này là muối iod. Người dân miền núi rất có ý thức về việc dùng muối iod. Khi mua muối, họ cẩn thận thử muối bằng cách vắt chanh vào muối, nếu muối chuyển màu xanh, nghĩa là muối iod đạt chất lượng. Chính người dân đã phát hiện và báo hiệu cho chính quyền những nơi bán muối dỏm, muối giả để kịp thời xử lý. Mặc dù gói muối vùng cao có hạt muối rất thô (theo thị hiếu người dân), có khi lẫn tạp chất, nhưng họ chỉ tin muối "Nhà nước", và không chuộng các loại muối tinh, muối sấy như vùng đồng bằng.

Một nhân viên tiếp thị ở Công ty muối Long An cho biết kinh nghiệm tiếp thị của anh tại một công ty liên doanh với Trung Quốc có 14.000 công nhân. Nhận thức đây là một khách hàng quan trọng, anh kiên nhẫn thăm dò. Bị bảo vệ đuổi ra, anh không nản mà lân la với công nhân để biết được ai là nhân viên bếp ăn tập thể, rồi từ nhân viên bếp ăn, anh tiếp xúc với được bếp trưởng người Trung Quốc. Ông bếp trưởng lấy gói mẫu hàng pha vô nước kiểm tra chất lượng, kiểm tra xem có đúng muối iod không mới bằng lòng ký hợp đồng. Qua đó, anh biết người Trung Quốc rất ý thức về việc dùng muối iod. Trung Quốc có tỷ lệ sử dụng muối iod đạt 90%.

Nhìn rộng ra, trên thế giới, các nước kiểm soát được tình trạng thiếu iod, tương ứng với việc sử dụng muối iod từ rất sớm, như Mỹ không còn tình trạng thiếu iod không còn tồn tại từ năm 1970, ở Châu Âu có 14 quốc gia như Phần Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Áo... đã kiểm soát được tình trạng thiếu iod do iod hoá toàn bộ muối ăn. Các quốc gia không tiếp tục duy trì chương trình iod hoá muối ăn như Nga bắt đầu xuất hiện lại tình trạng thiếu iod.

Giá trị của muối iod khiến sản phẩm này được đặt tên là "Liều thuốc thông minh".

Trân Châu