Ra rìa vì chồng quá yêu mẹ
Thấy hơi chạnh lòng vì mình cũng chẳng được chồng thể hiện tình cảm như vậy bao giờ nhưng Nhung vẫn tỏ ra vui vẻ và nghĩ anh người tình cảm, lại con út, được mẹ chiều chuộng nên quấn quýt với mẹ như vậy là chuyện thường.
Thế nhưng, từ khi Nhung có con, mẹ chồng ra chăm cháu giúp thì cô thực sự stress. Bà mẹ cưng con trai, chẳng để anh đụng đến bất cứ việc gì trong nhà, nhắc nhở từ việc ăn uống, tắm gội... Chồng Nhung thương mẹ, lúc nào cũng lo mẹ buồn, không bao giờ dám thể hiện tình cảm với vợ trước mặt mẹ. "Nhiều khi mình có cảm giác như người thừa trong nhà", Nhung tâm sự.
Cũng mang tâm trạng này, Hải Trà, ở Từ Liêm, Hà Nội đã bao lần giận dỗi chồng bởi anh quá quan tâm, chăm sóc mẹ mà quên cả vợ.
Gia đình chồng Trà khá đặc biệt. Bố chồng cô đã bỏ vợ con đi theo người đàn bà khác, một mình mẹ tần tảo nuôi các con ăn học. Bởi thế, chồng Trà và hai đứa em ai cũng hết mực yêu thương mẹ và mong bù đắp cho quãng thời gian cơ cực, đau khổ của bà.
Trà cũng cho đó là điều phải đạo nhưng càng ngày cô càng cảm thấy chồng quá thiên vị mẹ mà bất công với mình.
Về đến nhà là anh hỏi mẹ, rồi mua hết sữa nọ đến thuốc kia để tẩm bổ cho bà. Chưa hết, tối nào anh cũng đấm lưng, xoa bóp cho mẹ rồi thủ thỉ với bà xong mới đi ngủ. Trong bất kỳ một mâu thuẫn nào giữa Trà và mẹ chồng, dù chưa biết rõ sự tình ra sao, anh đã lập tức mắng vợ.
"Chúng mình sống với nhau còn dài, thể hiện lúc nào chả được, mẹ còn được mấy đâu. Mẹ vất vả nhiều rồi, anh chỉ muốn bù đắp cho mẹ thôi, thế mà em cũng so đo", là điệp khúc Trà thường được nghe từ chồng mỗi lần cô giận dỗi.
"Hình như anh ấy lấy mình cũng chỉ để làm tròn chữ hiếu, cho mẹ vui thôi hay sao ấy", Trà nói.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chạnh lòng, tủi thân, thậm chí bất bình là tâm lý của rất nhiều người vợ khi thấy chồng có cách thể hiện tình cảm quá thân mật với mẹ. Điều này cũng dễ hiểu bởi phụ nữ ai cũng muốn mình phải chiếm vị trí số một đối với chồng.
Tuy nhiên, theo bà, chị em không nên quá căng thẳng vấn đề này. Thay vì phản ứng tiêu cực như giận dỗi chồng, hay chống đối mẹ chồng thì chị em nên tìm cách lôi kéo tình cảm của ông xã bằng sự quan tâm hơn đến anh và gia đình chồng, nhất là mẹ chồng. Trong những lúc vui vẻ, bạn có thể nhỏ to tâm sự với chồng về cảm xúc của mình như: "Thấy anh tình cảm, chăm sóc cho mẹ mà em cũng ham. Em ước gì mình cũng được như thế"...
Bà Hà cho rằng, mỗi người có một cách thể hiện tình cảm với mẹ riêng, đàn ông cũng vậy. Có người bộc lộ bằng thái độ kính trọng, sự hỏi han, quan tâm đến tâm tư, sức khỏe, có người lại bày tỏ bằng những hành động gần gũi như ôm, hôn... Điều này có thể do thói quen sử xự trong gia đình và là điều bình thường, cần được tôn trọng.
Tuy nhiên, nếu những hành vi ấy lại thái quá thì đôi khi sẽ gây phản cảm thực sự.
Chị Thành (Bắc Ninh) than thở trên một diễn đàn rằng chị cảm thấy không thể chịu nổi sự thân mật giữa mẹ chồng và chồng.
Chị kể, cứ đi làm về, ăn cơm tối xong là chồng chị ngồi tâm sự với mẹ tới khuya, chẳng để ý gì đến vợ. Tất cả những chuyện về kế hoạch làm ăn hay những khó khăn trong công việc của chồng, chị Thành đều chỉ biết khi mẹ chồng kể lại cho nghe.
Điều khiến chị "chướng" nhất là cảnh cứ tối đến, khi cả nhà ngồi xem TV thì chồng nằm gối đầu lên đùi mẹ, rồi nắn tay, nắn chân bà, còn mẹ chồng thì hết xoa đầu lại gãi lưng, bóp vai cho con. Không những thế, mỗi khi đi tắm mà quên mang đồ dùng cá nhân là chồng chị lại gọi mẹ mang đến chứ không nhờ vợ. Rồi anh có thể tự nhiên thay đồ trước mặt mẹ và mẹ cũng vô tư làm vậy trước mặt con trai.
Hễ lúc nào bố mẹ chồng mâu thuẫn với nhau là chồng chị thể nào cũng bênh mẹ chằm chặp, phản đối bố ra mặt, chẳng cần biết ai đúng, ai sai.
Dù mẹ chồng cũng là người hiền lành, biết điều và đối xử rất tốt với con dâu nhưng chị Thành ngày càng ác cảm với bà và nhiều khi đi làm xong, chị chẳng muốn về nhà nữa.
Nhà tâm lý Hồng Hà cho rằng, trong gia đình, dù gắn bó, tự nhiên đến đâu, nhưng khi con cái đã trưởng thành, cần có khoảng cách nhất định giữa mẹ và con trai cũng như bố và con gái trong sinh hoạt hằng ngày. Đây là trách nhiệm thuộc về các bậc phụ huynh trong việc giáo dục về ý thức giới tính cho con từ khi còn nhỏ.
Với người vợ, trong trường hợp này, bạn không nên tỏ vẻ bất bình ra mặt hay hướng mũi công kích về phía mẹ chồng mà chỉ nên "chỉnh" chính ông xã của mình. Những nhắc nhở kiểu vô tư như: "Anh kỳ thế, lớn rồi mà còn nhõng nhẽo với mẹ, sau có con nó cười cho", hay "Em không thích anh 'thiên nhiên' trước mặt bất kỳ ai khác, ngoài em, kể cả mẹ. Anh đừng làm vậy nữa, coi kỳ lắm."... Có thể ban đầu chồng bạn sẽ chống đối nhưng dần dần anh ấy sẽ hiểu và biết cần phải thay đổi những thói quen "trẻ con" của mình.
Tuy nhiên, theo bà, quan trọng nhất là người chồng phải ý thức rõ vai trò của mình: là người con, nhưng cũng là chồng, là cha, đồng thời, làm nối tình cảm giữa hai người phụ nữ là mẹ và vợ mình. Cách thể hiện tình cảm của đấng mày râu với hai người phụ nữ này cần hết sức tế nhị và công bằng. Và mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, nếu anh chồng biết giúp vợ gần gũi với mẹ và biến việc chăm sóc, thể hiện sự hiếu thảo là chuyện của cả hai vợ chồng, làm sao để người vợ không có cảm giác mình không bị "bỏ quên".
Theo VnExpress