Dự báo bệnh trẻ em tháng 7 năm 2009


 

Muỗi Aedes agypti - thủ phạm truyền bệnh sốt xuất huyết.
"Đừng để muỗi có cơ hội sinh sản. Không có lăng quăng, không có muỗi- không có bệnh sốt xuất huyết"

 

 

 

  • Phân tích số liệu thống kê về tình hình bệnh tật trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tháng 6 năm 2009 cho thấy: các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, quai bị, trái rạ đều giảm từ 27% đến 51% so với tháng 5 năm 2009. Tuy nhiên, do đang là mùa mưa nên theo chu kỳ, bệnh sốt xuất huyết tăng 30% về số lượt khám và 67% về số trường hợp nhập viện. Trong đó, số trường hợp sốt xuất huyết có sốc tăng gấp đôi từ 33 bệnh nhân trong tháng 5 lên 67 bệnh nhân trong tháng 6. Nhằm giúp phụ huynh hiểu biết thêm thông tin về bệnh sốt xuất huyết, chúng tôi trao đổi với Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1:

Hỏi: Xin bác sĩ cho biết, khi nào nghĩ đến trẻ bị bệnh sốt xuất huyết và khi nào cần cho trẻ đi thử máu để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết ?

  • TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng: Để chẩn đoán lâm sàng bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ dựa vào các triệu chứng: (1) trẻ sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày; (2) Biểu hiện xuất huyết như chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, tiêu phân đen; (3) Dấu hiệu trụy tim mạch (sốc): một số trẻ có biểu hiện trụy tim mạch xảy ra từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh khi trẻ hết sốt và có biểu hiện li bì hoặc bứt rứt, đau bụng; tay chân lạnh, vả mồ hôi, mạch nhanh nhẹ, khó bắt, huyết áp kẹp hoặc tụt huyết áp; (4) Thử máu cho thấy dung tích hồng cầu tăng (cô đặc máu) và số lượng tiểu cầu giảm.

Vì vậy, đối với các trẻ sốt cao liên tục từ ngày thứ ba trở đi phụ huynh nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết và nên đưa các cháu đến khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi cho các cháu và bác sĩ có thể cho thử máu để xem máu có cô đặc và tiểu cầu có giảm không.

Hỏi: Tại sao phải thử máu vào ngày thứ 3 của bệnh mà không thử sớm hơn vào ngày thứ nhất hoặc ngày thứ hai?

  • TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng: Theo diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết, hiện tượng cô đặc máu và tiểu cầu giảm thường bắt đầu xảy ra từ ngày thứ ba của bệnh. Vì vậy, nếu thử máu vào ngày thứ nhất hoặc ngày thứ hai thường không phát hiện được bệnh. Tuy nhiên, tùy trường hợp bác sĩ vẫn có thể chỉ định thử máu sớm hơn để loại trừ các nguyên nhân nhiễm trùng khác gây sốt.

Hỏi: Tại sao có bệnh nhi phải thử máu ngày 2-3 lần, thưa bác sĩ?

  • TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng: Đó là trường hợp của các bệnh nhân sốt xuất huyết độ trung bình và nặng vào các ngày thứ tư, thứ năm, thứ sáu của bệnh cần theo dõi diễn biến lâm sàng và dấu hiệu cô đặc máu nhằm đưa ra các quyết định điều trị thích hợp. Chỉ định thử máu bao nhiêu lần trong ngày là tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhi mà bác sĩ điều trị quyết định. Chúng ta cần lưu ý rằng việc chăm sóc, theo dõi sát diễn tiến lâm sàng của bệnh nhân sốt xuất huyết đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi bệnh sốt xuất huyết trở nặng.

Hỏi: Thưa bác sĩ, những trẻ bệnh sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện?

  • TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng: Những trường hợp sau đây cần nhập viện để theo dõi, điều trị ngay: (1) Khi trẻ có những dấu hiệu sốc hoặc đe dọa sốc như li bì, hoặc bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, đau bụng, nôn ói nhiều; (2) Có biểu hiện xuất huyết như ói ra máu, tiêu phân đen.

Đối với những trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị bệnh diễn tiến nặng như trẻ dưới 1 tuổi; trẻ dư cân, béo phì; trè có bệnh lý khác kèm theo; trẻ nhà xa, khó khăn khi trở lại tái khám tại bệnh viện mỗi ngày cũng nên được xem xét cho nhập viện.

Thanh Nhàn