Những điều cần biết khi muốn cai thuốc lá
Trong khói thuốc lá có 43 chất gây ung thư. Khói thuốc lá không chỉ độc hại cho người hút mà còn độc hại cho người bên cạnh, nhất là khi hút thuốc trong nhà, khói thuốc còn tồn đọng rất lâu trong phòng kín. Những người ở nhà cả ngày là người già, trẻ em sẽ tiếp tục hít thở với loại khói độc hại này. Người hít phải khói thuốc này gọi là người hút thuốc lá thụ động. Những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ bị ung thư phổi và nhiều bệnh mạn tính khác giống như người hút TL. Phụ nữ hút thuốc lúc mang thai hay không hút mà hít khói thuốc cũng dễ làm sẩy thai hay sinh non.
Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới, mỗi năm trên thế giới có 5 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (TL), nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông giao thông, lao và HIV/AIDS cộng lại. Nhiều người biết rõ tác hại của lá, nhưng cai nhiều lần mà vẫn thất bại, tại sao vậy? Dưới đây là những nguyên tắc mà người cai thuốc lá cần ghi nhớ:
1/ Phải có động cơ cai TL rõ ràng:
- Khi động cơ cai nghiện TL càng cao thì quyết tâm càng lớn và tỉ lệ thành công càng cao. Có nghĩa là người hút thuốc phải luôn nhắc mình cai thuốc lá vì lý do gì: vì không muốn thường xuyên ghé thăm bác sĩ như hiện nay Vì hút thuốc sẽ là tấm gương xấu cho con mình. Hình ảnh lá phổi bị nám hay bị ung thư luôn ám ảnh bạn... Càng luôn nhắc mình về những tác hại của TL, ca1`I được cái mất sẽ giúp người hút thuốc có quyết tâm bỏ TL hơn
2/ Hiểu rõ các phương pháp cai:
- Áp dụng phương pháp nào,bỏ từ từ, bỏ ngang hay bỏ với sự hổ trợ bằng thuốc? Điều này tùy thuộc vào thời gian hút thuốc, liều lượng, đã có vấn đề gì về sức khoẻ hay không?. Tuy nhiên phương pháp bỏ ngang được khuyến khích hơn giảm liều, vì bỏ từ từ trong thời gian dài dễ thất bại. Thời gian lý tưởng để ngưng hoàn toàn chỉ nên trong vòng 5 - 7 ngày
3/ Chọn thời điểm để bắt đầu cai TL:
- Chọn thời điểm cai TL rất quan trọng. Nên bắt đầu cai thuốc lá khi không phải làm việc căng thẳng, không bận học thi, chọn lúc nghỉ phép hay đi du lịch hoặc khi có chuyện vui. Nếu chọn thời điểm bỏ TL vào lúc học thi, phải hoàn thành công việc cho kịp kế hoạch hay tiến độ thì rất dễ hút trở lại vì những lúc này do bị trầm cảm, thiếu tập trung
4/ Nhận biết những khó chịu sẽ đến trong thời gian đầu ngưng thuốc và cách đối phó như thế nào.
- Những triệu chứng khó chịu như nhức đầu, lo âu, căng thẳng, thiếu tập trung, trầm cảm, ho .... sẽ xuất hiện sau khi ngưng hút vài giờ và kéo dài đến vài tuần. Ngoài ra người cai thuốc sẽ bị tăng cân vì các khứu giác và vị giác được khục hồi sau khi bỏ thuốc lá giúp ăn ngon miệng hơn dễ dẫn tới tăng cân. Để khắc phục điều này cần giảm bớt chất béo, đường, bột, tăng cường rau xanh và trái cây ít đường. Ngoài ra còn các yếu tố tâm lý khác sẽ khiến dễ hút trở lại đó là những môi trường quyến rũ cũ như gặp bạn bè hút thuốc, nhất là loại thuốc mà mình thích, vào quán uống cà phê v.v... nói chung là những lúc, những nơi mà trước đây người hút thuốc cảm thấy rất thú vị khi hút thuốc. Do đó trong thời gian đầu cai thuốc cần cảnh giác tránh các yếu tố gợi nhớ này. Ngoài ra những thói quen mồi thuốc, rít thuốc, nhả khói, gõ gõ vào gạt tàn... dễ khiến đi đến thoả hiệp là hút lại một điếu thôi và rồi sau đó là điếu thứ 2 thứ 3... Để tập quên dần những thói quen này có thể thay bằng cầm một gì đó trong tay như hộp kẹo the có nắp mở giống cái bật lửa chẳng hạn hoặc nhai chewing gum thay thế... Nên có cuốn sổ để ghi chép những tình huống và cách mình đã đối phó những trở ngại đó.
5/ Tìm "đồng minh" đó là sự ủng hộ, khuyến khích của người chung quanh:
- Nên thông báo cho mọi người biết việc cai thuốc để mọi người không mời thuốc hay hút thuốc trước mặt mình. Được sự hỗ trợ của người xung quanh sẽ giúp việc bỏ TL cũng thuận lợi hơn.
Tóm lại, trước khi bắt đầu bỏ thuốc lá, cần chuẩn bị tinh thần, thu thập đủ thông tin, lên kế hoạch cụ thể các bước để bỏ thuốc lá. Ngoài ra cũng cần có sẵn vài địa chỉ tư vấn hay website về cai thuốc lá để được hổ trợ khi cần thiết.
Việc cai TL không dễ dàng gì, nhưng nếu có QUYẾT TÂM + sự hiểu biết + sự hỗ trợ thì việc cai thuốc lá sẽ dễ thành công hơn.
LÊ DUNG (Phòng Tham vấn T4G TP.HCM).-medinet