Bệnh Do Răng Miệng Mà Ra

benh-do-miengY văn xưa nhắc nhở “Bệnh tùng khẩu nhập” là có ý nói đến sự ăn uống không đúng cách sẽ đưa tới một số bệnh. Chẳng hạn ăn nhiều hơn với nhu cầu sẽ bị bệnh mập phì. Tiêu thụ quá nhiều chất béo động vật sẽ bị bệnh tim mạch. Thức ăn không rửa sạch, nấu chín nhiễm vi khuẩn, siêu vi gây ra ngộ độc thực phẩm, uống nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá tăng rủi ro ung thư miệng…

Nhưng đâu có ai ngờ nhiều bệnh hiểm nghèo cũng có thể bắt nguồn từ răng miệng. Chẳng hạn bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh loãng xương, bệnh thận, bệnh thấp cấp tình, mẹ sanh non, con thiếu ký…
Miệng

  • Miệng là cửa mở phía trên của bộ máy tiêu hóa, bắt đầu từ cặp môi rồi tới răng, lợi, lưỡi và họng. Miệng có vai trò quan trọng trong sự tiêu hóa thực phẩm. Thức ăn được răng nghiền nát, trộn với nước miếng, thành một khối nho nhỏ, mềm mềm để đưa xuống dạ dày. Ăn chậm, nhai kỹ giúp sự tiêu hóa dễ dàng.

Cũng từ miệng, diêu tố amylase bắt đầu phân hóa ra đường các chất tinh bột trong cơm, trong hạt đậu. Cho nên nhai cơm lâu ta thấy có vị ngọt ngọt ở lưỡi.
Mới sanh, xoang miệng với các mô mềm như môi, lưỡi, vòm miệng, hai bên má đều không có vi khuẩn. Sinh ra, nằm trong lòng mẹ, ngậm núm vú bú những giọt sữa đầu tiên là lúc vi khuẩn bắt đầu xâm nhập vào miệng, nếu mẹ không lau sạch nhũ hoa. Rồi từ đó, với sự ăn uống, chung đụng, vi sinh vật trong miệng tăng dần.
Nhiều người vẫn đinh ninh là miệng mình là nơi vô trùng, sạch sẽ, thơm tho, nhất là sau khi đánh răng, xúc miệng vài lần trong ngày. Nhưng tưởng vậy mà không phải vậy.
Vì rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng trong miệng của ta có cả vài ba trăm loại vi sinh vật thường trực trú ngụ, vãng lai. Có người ví miệng như một cánh rừng già với lúc nhúc cả nhiều trăm tỷ vi khuẩn. Nếu không giữ gìn vệ sinh răng miệng, thì số vi khuẩn trong miệng lên tới cả ngàn tỷ, nhiều hơn ở bất cứ nơi nào trong cơ thể, so với một diện tích nhỏ bé chỉ chứa được nắm tay trung bình.
Vậy thì làm sao mà chúng lại “xâm nhập xoang miệng bất hợp pháp” được như vậy?
Vi khuẩn, virus có khắp mọi nơi chung quanh ta: trong không khí, trong nước uống, trong rau thịt trái cây, trên da, trong cặn bã tiêu hóa. Một số gây ra bệnh, một số khác lành tính, hữu ích. Chúng vào miệng khi ta hé môi hít thở, khi ta ăn uống, khi miệng ngậm ngón tay dơ, hôn người có bệnh.
Thực tâm mà nói, không phải tất cả các vi khuẩn trong miệng đều gây ra bệnh mà chỉ có một số loại. Đó là các vi khuẩn nhuộm mầu dương tính (Gram-positive) Lactobaccillus, Streptococcus mutans, Streptococcus sanguis, Staphylococci, Actinomyces và nhiều vi khuẩn yếm khí, đặc biệt là loại gram-negative bacteroid và xoắn khuẩn spirochet.
Vào tới miệng, chúng chia nhau ẩn náu khắp nơi: khe kẽ răng, nướu, mặt lưỡi, họng. Có loại bám vào răng, có loại bám vào các phần mềm và tồn tại mãi mãi. Chúng sinh sống bằng những chất tiết ở miệng, những sợi thịt cá, những mảnh rau, trái cây nhất là chất tinh bột và đường, vướng mắc ở răng, ở lợi. Chỉ nửa giờ sau khi ăn mà những vụn thực phẩm này không được loại bỏ thì vi khuẩn sẽ bu vào, nhậu nhẹt. Và gây ra tai họa, bệnh tật.
Vi sinh vật nguy hại có thể gây ra bệnh tại chỗ, cho răng miệng hoặc xa hơn, tới các vùng khác của cơ thể, với các nguyên lý khác nhau. Theo nhiều nghiên cứu, các vi khuẩn này sản xuất ra 3 loại độc tố: ngoại độc tố đạm chất hòa tan trong nước có tác dụng như một loại enzym; nội độc tố, một thứ đường-đa polysaccharides nằm trong màng bọc vi khuẩn; và các phế phẩm do vi khuẩn chuyển hóa mà thành, như hợp chất bay hơi sulfur, các chất acid béo acid propionic, acid butyric, acid lactic…
Bệnh ở miệng

  • Bệnh tại chỗ thường thấy là những bựa răng (plaques), sâu răng (cavities), viêm nướu (gingivitis), viêm nha chu (periodontis).

a-Bựa Răng

  • Bựa là những màng sinh học phủ trên răng và gồm có cả triệu con vi khuẩn, hợp chất cao phân tử của nước miếng, các phế phẩm của vi sinh vật. Nếu không được lấy đi, các màng này càng ngày càng dày lên và trở thành cao răng (tartar), một lớp cặn vôi khá cứng và là nơi trú ẩn của rất nhiều vi khuẩn Streptococcus sanguis và Streptococcus mutans.

b-Sâu Răng

  • Trẻ em vẫn thường được cha mẹ nhắc nhở là ăn nhiều kẹo, nhiều đường sẽ bị sâu răng, sún răng. Nhưng thực ra đường không phải là thủ phạm, mà là tác nhân, tòng phạm hỗ trợ cho cho những thủ phạm vi khuẩn. Vi khuẩn tiêu thụ đường (nhất là sucrose) và tạo ra acit lactic và nhiều phế phẩm có độ acit khá cao. Các phế phẩm này ăn mòn men răng. Răng mất dần khoáng chất, trở thành lỗ chỗ. Thêm vào đó, cặn vôi càng dày thì nước miếng không lọt được vào để trung hòa chất chua, bảo vệ răng, răng càng hư hao thêm.

Cũng nên lưu ý là uống nước ngọt sủi bọt (sugared soda pop) lại càng làm răng mau hư hơn. Số là trong nước uống này vừa có nhiều chất ngọt lại có nhiều acid phosphoric, cho nên chất chua tai hại cho răng ở trong miệng gia tăng.
Vi khuẩn Streptococcus mutans là thủ phạm chính của sâu răng, rồi đến Lactobaccilli, Actinomyces và một số vi khuẩn biến hóa chất đạm khác (proteolytic bacteria)
c-Viêm nướu và nha chu

  • Nướu là lớp mô liên kết đặc và niêm mạc bao quanh chân và cổ răng.

Viêm nướu thường là do các mảng bựa ở mặt răng kích thích, làm cho sưng lên, đỏ, chảy máu và đau. Chữa ngay, bệnh sẽ hết nhưng nếu để lâu, sẽ đưa tới viêm nha chu với hư hao xương ổ răng và răng.
Hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, tuổi cao, kém vệ sinh răng miệng, kém dinh dưỡng, khô miệng …là những rủi ro làm nướu bị viêm nhiều hơn.
Nha chu là các mô nâng đỡ, bảo vệ và nuôi dưỡng răng. Đó là xương răng (cementum), một lớp mô mỏng trên mặt chân răng; xương ổ răng (alveolair bone) và xương hàm; màng nha chu (periodontal membrane) và nướu.
Trong bệnh nha chu, các thành phần này đều bị vi khuẩn tấn công, làm hư hao. Bệnh thông thường nhất là viêm nha chu mãn tính ở lớp người trên 35 tuổi. Nướu răng sưng, đỏ chẩy máu, tách xa răng, mủ thành hình ở giữa răng và nướu, miệng có mùi hôi.
Biến chứng của viêm nha chu gồm có răng rụng. bệnh động mạch tim, bệnh tiểu đường, sinh con thiếu ký, tai biến não, bệnh hô hấp…
Bệnh xa miệng

  • Xoang miệng có liên hệ tới toàn bộ cơ thể. Do đó các bệnh của răng miệng có thể là biểu hiện của các bệnh tổng quát, đồng thời cũng có thể là nguồn gây ra một số bệnh của cơ thể.

Người bị viêm gan do virus thường có các màng trắng nhỏ trong miệng. Bệnh nhân liệt kháng HIV/AIDS hay bị nấm candida trong miệng. Bệnh nhân tiểu đường thường hay bị viêm nướu… Ngược lại, vi khuẩn gây bệnh răng miệng có thể ảnh hưởng vào các bộ phận khác qua sự lây lan vi khuẩn trong dòng máu và độc tố của chúng.
a-Bệnh Động mạch tim

  • Ngoài các nguy cơ cổ điển thường thấy như cao huyết áp, cao cholesterol, hậu quả của hút thuốc lá, bệnh động mạch tim còn do một số nguy cơ khác gây ra, trong đó có bệnh nha chu.

Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, người có bệnh nha chu đều bị bệnh tim mạch nhiều gấp đôi người bình thường.
Có nhiều lý thuyết để giải thich sự liên hệ này.
Một giải thích cho là vi khuẩn từ miệng lan vào dòng máu, bám vào các mảng chất béo ở động mạch tim, tạo ra máu cục, ngăn cản máu nuôi tế bào tim và đưa tới cơn suy tim.
Giải thích khác nói là những tạo phẩm của viêm nha chu có tác dụng trực tiếp lên lớp tế bào lót động mạch, gây ra sự xơ vữa động mạch này.
Một giải thích nữa căn cứ vào việc người bị nhiễm trùng miệng thường hay bị rụng răng. Không có răng, họ thường tránh những món ăn khó nhai và tiêu thụ món ăn có nhiều năng lượng và chất béo. Mà nhiều chất béo là rủi ro đưa tới bệnh tim mạch.
b-Viêm nhiễm trùng nội mạc tim

  • Bệnh xảy ra khi vi khuẩn trong máu bám vào van tim bất bình thường hoặc mô tim đã bị tổn thương. Tuy rất hiểm nghèo, nhưng may mắn là bệnh ít khi xảy ra ở người có trái tim lành mạnh. Nhiễm huyết thường là do các vi khuẩn mà cơ thể tiếp xúc trong sinh hoạt thường lệ, đôi khi cũng do vi khuẩn sau các phẫu thuật ở miệng, ruột, cơ quan hô hấp, cơ quan bài tiết nước tiểu.

Việc dùng kháng sinh để phòng bệnh trước khi nhổ răng, cạo bựa răng chỉ áp dụng khi bệnh nhân có các rủi ro về cấu tạo tim, như là có tiền sử viêm nội mạc tim, thay van tim nhân tạo, bệnh tim bẩm sinh.
Hội Tim Mạch Hoa Kỳ đề nghị là để tránh viêm nhiễm nội mạc tim do vi khuẩn từ miệng, cần giữ vệ sinh răng miệng và đi khám nha sĩ đều đặn theo định kỳ.
c-Bệnh phổi

  • Vi khuẩn trong miệng có thể được hít vào phổi rồi gây ra các bệnh hô hấp như sưng phổi, đặc biệt là người đang bị viêm nhiễm nướu. Sưng phổi là bệnh hiểm nghèo, nhất là ở người tuổi cao và người mà sức đề kháng suy yếu. Vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pneumonia, Mycoplama pneumona và Hemophillus influenza, đôi khi các vi khuẩn yếm khí thuộc nhóm Actinomyces.

Bệnh nhân tiểu đường, người nghiện rượu thường bị viêm nướu với các vi khuẩn này rồi hít vi khuẩn vào phổi.
Bác sĩ Nha khoa, Hardy Limeback, Đại học Toronto, nhận thấy rằng người ở viện dưỡng lão ít đi khám nha sĩ bị tử vong nhiều hơn vì sưng phổi.
d-Bệnh tiểu đường

  • Kết quả nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy bệnh nhân tiểu đường loại 1 thường hay bị viêm nhiễm nha chu hơn là người bình thường vì cơ thể của họ dễ bị nhiễm trùng. Viêm nha chu cũng là một trong nhiều biến chứng của tiểu đường.

Ngược lại bệnh nha chu làm tăng đường huyết và tăng hậu quả xấu của bệnh chuyển hóa này.
e-Sanh non, con thiếu ký

  • Trong thời kỳ mang thai, có nhiều thay đổi hormon ở người mẹ. Các thay đổi này có thể đưa tới viêm nướu răng mà không cần phải có các mảng bựa răng.

Theo viện Nha Khoa Hoa Kỳ, phụ nữ mang thai mà bị viêm nha chu sẽ sanh con sớm hoặc con thiếu cân bẩy lần nhiều hơn
Bác sĩ Dasanavake AP , Đại học Nha Alabama cho hay, kém vệ sinh răng miệng ở phụ nữ mang thai là một rủi ro độc lập đưa tới sanh non và con thiếu cân, dưới 2500 gr.
Bác sĩ Steven Offenbacher, Trường Nha, đại học North Carolina tại Chapel Hill kết luận là 18,2% các trường hợp sanh non, thiếu ký có nguyên nhân từ các bệnh răng. Do đó hội Nha Chu Hoa Kỳ khuyên phụ nữ dự định có thai nên đi khám răng miệng đều đặn.
g-Bệnh loãng xương

  • Kết quả nghiên cứu công bố trong Journal of Periodontology tháng 6 năm 2007 cho hay, phụ nữ bị viêm nhiễm nha chu có nhiều khả năng hư hao xương ở xoang miệng, đưa tới rụng răng, nếu không điều trị.Tác giả nghiên cứu, bác sĩ Renee M. Brennan, Đại học Buffalo, đề nghị bổ sung estrogen để giảm rủi ro này.

Trong khi đó thì nghiên cứu do bác sĩ Brian H. Mullally, Đại học Queens, Bắc Aí Nhĩ Lan, cho hay nha chu của đa số phụ nữ đang dùng thuốc viên ngừa thai đều không được lành mạnh.
Kết luận

  • Từ năm 1998, Viện Nha Chu Hoa Kỳ đã phát động một chương trình hướng dẫn cho quần chúng về sự liên hệ giữa nhiễm trùng răng miệng với các bệnh viêm mãn tính như tiểu đường, tim mạch, sưng phổi…Do đó, điều trị viêm miệng không những giải quyết các bệnh tại chỗ mà còn giúp điều trị các bệnh liên hệ khác.

Đồng thời, giữ gìn vệ sinh răng miệng cũng rất quan hệ.
Hội Nha Hoa Kỳ nghị những biện pháp giản dị như sau:
- Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày với kem có chất fluoride
- Thay bàn chải mỗi 3-4 tháng hoặc khi thấy đầu bàn chải tòe ra.
- Dùng sợi chỉ lau sạch kẽ răng để loại bỏ mảng bựa vi khuẩn dính ở đây, mà bàn chải không tới được. Nhiều giới chức y tế coi việc dùng chỉ răng quan trọng hơn là đánh răng với bàn chải.
- Dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ. Giới hạn việc ăn vặt.
- Thăm nha sĩ theo định kỳ để khám rửa răng.
Ngoài ra để tránh vi sinh vật xâm nhập xoang miệng, nên rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống, không nên đưa tay dơ vô miệng
Những lời khuyên xem ra cũng dễ làm và cũng không tốn kém gì cho lắm. Thực hiện được, không những tránh được bệnh tật mà còn có hàm răng trắng đẹp, giúp cho nụ cười tươi tỉnh, gương mặt bớt hom hem, dọng nói ít phì phò.
Đúng như các cụ ta vẫn nói: “Cái răng cái tóc là góc con người” vậy.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, Texas-Hoa Kỳ
nguyenyduc.com