Ung thư miệng
- Một số người cứ nghĩ mình bị nhiệt miệng và không đi chữa, cuối cùng được chẩn đoán là ung thư miệng.
Ung thư khoang miệng là một trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Hằng năm, số lượng bệnh nhân mới ung thư khoang miệng tới 20.000, chiếm từ 6%-15% tổng số các loại ung thư.
Tuy là loại ung thư dễ dàng quan sát được nhưng phần lớn bệnh nhân ung thư khoang miệng lại đến khám ở giai đoạn muộn, khi tổn thương ung thư đã lan rộng. Bệnh dễ bị bỏ qua bởi những tổn thương khiến người bệnh lầm tưởng họ chỉ bị những viêm nhiễm vùng miệng đơn giản.
Các yếu tố nguy cơ
- Rượu, thuốc lá, ăn trầu được xem là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư khoang miệng. Khi uống rượu, nhất là các loại rượu mạnh có thể gây bỏng niêm mạc miệng. Các tổn thương này tiến triển đến một mức độ nào đó thì sẽ trở thành ung thư. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém cũng được coi là nguyên nhân gây loại ung thư này.
Một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus gây mụn giộp (Herpes), virus gây u sùi (HPV), thiếu máu Fanconi... cũng được cho là có liên quan đến ung thư khoang miệng.
Ung thư khoang miệng thường gặp hơn cả là ung thư lưỡi, ung thư niêm mạc má và ung thư môi.
Bệnh dễ bị bỏ qua
- Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư miệng không có cảm giác đau ở giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường chủ quan và không đi khám.
Có nhiều triệu chứng để nhận biết ung thư khoang miệng trong đó thường gặp nhất là những vết loét không liền ở lưỡi, sàn miệng hoặc niêm mạc má. Các vết loét này có thể đau, chảy máu nhưng có trường hợp lại không gây khó chịu gì.
Khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như nuốt đau, tai đau, thay đổi giọng nói, không phối hợp được động tác nuốt hoặc xuất hiện hạch cổ. Người bệnh có những tổn thương bị tái phát nhiều lần trong miệng, xuất hiện một điểm sưng tấy hoặc nổi một u ở bất kỳ điểm nào trong miệng hoặc ở cổ.
Vì thế khi phát hiện một vết loét ở trong miệng dù cho có liên quan với chấn thương hay bệnh viêm loét miệng nếu sau 3 tuần không khỏi, nên tìm đến bác sĩ để khám xác định bệnh. Ung thư khoang miệng khi được phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao.
Khi nào cần đi khám bệnh
Hãy đến gặp bác sĩ nếu có:
* Vết loét trong miệng không liền
* Có khối hoặc những mảng trắng, đỏ hoặc đen trong miệng
* Cảm thấy đau kéo dài hoặc mất cảm giác bên trong miệng
* Chảy máu trong miệng lặp lại nhiều lần
* Bất kỳ sự thay đổi nào khi quan sát hoặc thay đổi cảm giác của mô mềm trong miệng
Điều trị
- Kết hợp phẫu thuật và tia xạ để điều trị ung thư miệng và họng ở giai đoạn sớm. Với ung thư ở giai đoạn tiến triển muộn, bác sĩ dùng phẫu thuật kết hợp với xạ trị hoặc xạ trị kết hợp với hoá trị.
Phẫu thuật: Phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Có thể cắt bỏ u mà không tác động tới các mô xung quanh. Tuy nhiên, nếu u đã xâm lấn mô xung quanh thì phẫu thuật mở rộng với nhiều sự bổ sung phức tạp.
Xạ trị: Để tiêu diệt tế bào ung thư, có khi kết hợp với hoá chất để điều trị u lớn.
Hoá trị: Dùng thuốc để phá huỷ tế bào ung thư, qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống.
Thuốc ức chế sự hình thành mạch: Thuốc ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới cần cho sự phát triển của ung thư.
Phẫu thuật tái tạo lại cấu trúc: Tái tạo lại cấu trúc miệng, điều chỉnh những khó khăn về vấn đề nhai, nuốt, nói và thở.
Phục hồi chức năng: Việc điều chỉnh sau phẫu thuật giúp vượt qua những khó khăn về nói và nuốt.
BS Đào Xuân Dũng