Viêm xoang hàm do bệnh răng
Viêm xoang hàm là tình trạng viêm niêm mạc xoang, không có tổn thương xương. Bệnh thường gặp ở người lớn do nhiễm khuẩn quanh cuống răng, nang chân răng làm mủ vỡ vào xoang, biến chứng của răng nanh hoặc răng khôn mọc ngầm, tai biến do nhổ răng...
Bệnh có thể biểu hiện dưới 3 thể.
Viêm mủ xoang hàm do răng:
- Bệnh cảnh giống viêm xoang cấp như đau mặt âm ỉ, sốt, người bệnh ngửi thấy mùi thối, chảy mủ từ lỗ mũi bên xoang bị bệnh. Niêm mạc xoang sẽ bị viêm và một thời gian sau xoang hàm có thể bị viêm mạn tính.
Viêm xoang hàm cấp:
- Nguyên nhân thường do viêm quanh răng hàm lớn có mủ, do viêm tủy răng hoại thư hoặc do tai nạn nhổ răng đẩy chân răng nhiễm khuẩn vào xoang.
Bệnh nhân thường sốt cao, nhức đầu, mất ngủ, vật vã. Đặc biệt là cơn đau, đau từng cơn lan rộng cả hàm trên, mắt, thái dương, trán. Đau tăng khi cử động mạnh hoặc khi người bệnh cúi đầu, đôi khi lan đến các răng hàm trên, chạm vào răng bệnh thấy rất đau, ấn vùng dưới ổ mắt đau tăng hơn. Dịch chảy qua lỗ mũi bên bị bệnh, lúc đầu loãng sau trở thành nhày mủ, mủ có mùi thối.
Viêm xoang hàm mạn:
- Thường do những nguyên nhân như viêm mũi xoang, viêm xoang cấp mạn tính hóa, ổ nhiễm khuẩn răng không được điều trị tốt, viêm xoang trán hay xoang sàng mạn lan xuống... Người bệnh đôi khi mệt mỏi, nhức đầu, chảy mủ màu vàng xanh bên bị bệnh, chảy nhiều vào buổi sáng sớm, ngửi thối làm cho người bệnh buồn nôn, đau ít hơn viêm xoang cấp, thường tắc mũi bên xoang bệnh. Có thể viêm thanh quản, viêm họng, tiêu chảy... do nuốt phải mủ và các biến chứng khác như viêm xoang sàng, xoang trán, áp-xe hố mắt, viêm thị thần kinh, viêm tắc tĩnh mạch xoang, đau răng.
Việc điều trị tùy theo từng thể bệnh. Đối với viêm xoang cấp, cần dùng kháng sinh, sát khuẩn mũi. Nếu sau vài ngày vẫn còn viêm xoang thì chọc rửa xoang bằng dung dịch kháng sinh. Đối với viêm xoang mạn, cần nhổ răng nguyên nhân gây viêm xoang, sau đó bơm rửa xoang qua đường mũi. Nếu sau nhiều lần bơm rửa mà bệnh vẫn không khỏi thì mổ nạo xoang triệt để.
Để dự phòng viêm xoang hàm do răng, phải kiểm tra và điều trị có hệ thống những răng hàm trên bị thương tổn và nghi ngờ. Nếu xoang bị hở khi nhổ răng, phải điều trị kháng sinh và tránh những động tác không cần thiết làm bệnh nặng thêm. Nếu một chân răng bị đẩy vào xoang, cần lấy ra ngay hoặc đục mổ xoang để lấy, phối hợp với dùng kháng sinh.
BS Trịnh Thu Hà, Sức Khỏe & Đời Sống