Bệnh quai bị
- Bệnh quai bị là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi-rút gây nên. Bệnh có đặc điểm là sưng to các tuyến nước bọt vùng góc hàm. Bệnh dễ phát triển thành dịch, thường xảy ra vào mùa đông xuân.
Nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh lây lan bằng cách nào?
- Bệnh quai bị do vi-rút có tên là Myxo virus gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh được văng ra khi người bệnh ho hoặc nhảy mũi.
Một người bị quai bị có khả năng lây truyền vi-rút 3 ngày trước khi có biểu hiện bệnh (trước khi tuyến nước bọt bị sưng) và 9 ngày sau khi khởi phát bệnh.
Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh đến khi khởi phát bệnh) là 12 đến 25 ngày.
Những đối tượng nào dễ bị bệnh quai bị?
- Tất cả những ai chưa từng bị quai bị lúc còn bé hoặc chưa được tiêm phòng vắc-xin ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh.
Đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em trong lứa tuổi đi học và tuổi vị thành niên (thường là trẻ em nam).
Các biểu hiện của bệnh:
- Dấu hiệu nhiễm trùng: Sốt cao, có thể lên đến 400C, khô miệng, nuốt đau, nhức đầu.
- Sưng to tuyến nước bọt vùng dưới hàm ở 1 bên hoặc cả 2 bên.
- Ở các trẻ vị thành niên có thể có sưng căng và đau tinh hoàn 1 bên hoặc 2 bên.
Bệnh tiến triển và tự khỏi trong vòng 10 ngày (nếu không có biến chứng).
Bệnh có biến chứng gì nguy hiểm không?
- Đa số các trường hợp quai bị đều tự hồi phục không có biến chứng. Tuy nhiên vẫn có một số rất ít trường hợp có những biến chứng như: sẩy thai tự nhiên (nhất là ở giai đoạn đầu của thai kỳ), điếc, sưng phù nề tinh hoàn, buồng trứng v.v... Các biến chứng này thường gặp ở người lớn trẻ tuổi.
Điều trị bệnh như thế nào ?
- Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với quai bị. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng bệnh nhân.
- Cho bệnh nhân nằm nghỉ tuyệt đối (nhất là khi có biến chứng sưng tinh hoàn)
- Dùng thuốc hạ sốt giảm đau như Paracetamol, Aspirine.
- Súc miệng nước muối
- Cho bệnh nhân ăn chế độ ăn lỏng và nhẹ, uống nhiều nước, tránh sử dụng các thức ăn, nước uống có vị chua.
- Chườm ấm hoặc chườm mát vùng góc hàm để giảm đau và giảm sưng tuyến nước bọt. Có thể dùng bài thuốc nam sau đây để bôi tại chỗ: hạt gấc đập bỏ vỏ ngoài, giã nhuyễn, ngâm với rượu trắng bôi tại vùng má bị sưng 4 - 5 lần/ngày.
Vì quai bị là một bệnh nhiễm vi-rút nên không có chỉ định dùng kháng sinh nếu không có ý kiến của thầy thuốc.
Làm thế nào để dự phòng bệnh tốt?
- Quai bị là một bệnh nhiễm trùng dễ lây, vì thể để dự phòng bệnh tốt cần phát hiện bệnh sớm, thực hiện cách ly bệnh nhân đúng cách bằng cách để bệnh nhân nghỉ ngơi tại phòng riêng từ 10 - 15 ngày. Trẻ em phải được nghỉ học, người lớn phải nghỉ làm trong thời gian kể trên để tránh lây lan bệnh.
- Không sử dụng chung các dụng cụ ăn uống (muỗng, nĩa, ly, chén, dĩa v.v...)
- Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế, rửa sạch các đồ chơi của trẻ.
- Rửa tay nhiều lần bằng xà phòng trong ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó phải rửa tay ngay bằng xà phòng.
- Thực hiện tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh.
Đối tượng nào được tiêm chủng? Tiêm chủng ở đâu?
- Các trẻ em trên 15 tháng có thể tiêm chủng phòng ngừa quai bị bằng vắc-xin MMR lần thứ nhất. Lần tiêm thứ hai được nhắc lại khi trẻ được 5 tuổi.
- Trẻ em trên 5 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm ngừa một mũi duy nhất.
- Sau khi tiêm bệnh nhân sẽ được miễn dịch vĩnh viễn (suốt đời) với bệnh.
- Địa điểm tiêm ngừa: Các Trung tâm Y tế dự phòng tại các Quận/Huyện, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh.