Rối loạn thái dương hàm
Mở đầu
- Con người chúng ta có thể thực hiện được những vận động chức năng như ăn, nhai, nuốt, nói... nhờ vào sự phối hợp của nhiều thành phần khác nhau, bao gồm: răng, nha chu, xương hàm, khớp thái dương hàm, cơ hàm, hệ thống môi - má lưỡi, tuyến nước bọt, hệ thống mạch máu và thần kinh nuôi dưỡng, chi phối các cơ quan đó. Tất cả các thành phần này hoạt động chức năng như một thể thống nhất (trong sự thống nhất chung của cơ thể), được gọi là hệ thống nhai.
Các thành phần thuộc hệ thống nhai có mối liên hệ mật thiết với nhau, phối hợp hoạt động một cách chặt chẽ với nhau trong trạng thái cân bằng động. Do vậy, khi có sự bất thường hay bệnh lý ở một thành phần này có thể gây nên những bất thường hay bệnh lý ở những thành phần khác. Hay nói cách khác, một sự rối loạn hay bệnh lý ở bất kỳ một thành phần nào của hệ thống nhai đều có thể dẫn đến rối loạn hay bệnh lý ở một hoặc nhiều thành phần khác trong hệ thống.
Bài này đề cập đến những vấn đề về rối loạn ở hệ thống nhai mà chủ yếu là rối loạn ở cơ và khớp thái dương hàm, thường được gọi là "RỐI LOẠN THÁI DƯƠNG HÀM".
Một vài thuật ngữ khác cũng được sử dụng để chỉ rối loạn thái dương hàm:
- Rối loạn hàm sọ.
- Hội chứng đau - loạn năng khớp thái dương hàm.
- Hội chứng đau - loạn năng cân cơ.
- Hội chứng đau - loạn năng hệ thống nhai (Hội chứng SADAM).
* Rối loạn thái dương hàm (RLTDH) ngày càng trở thành một vấn đề được chú ý ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong một hai thập niên trở lại đây, các nghiên cứu cho thấy RLTDH chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng.
- Tại Mỹ (1993): 22% dân số có ít nhất một trong những triệu chứng RLTDH.
- Một nghiên cứu trên cộng đồng người trưởng thành ở Canada (1995) cho thấy: 30% có một hoặc nhiều triệu chứng của RLTDH.
- Ở Thụy điển, một nghiên cứu dịch tể về dấu hiệu lâm sàng của RLTDH cho kết quả là 19% vào năm 1991.
- Tại Nhật, năm 1996, một báo cáo về dịch tễ của RLTDH là 46%.
- Tại Ả Rập Saudi, nghiên cứu về RLTDH ở thanh niên năm 1995 báo cáo 30% có rối loạn nhẹ và 6% có biểu hiện trầm trọng.
- Ở Việt Nam:
. Nghiên cứu của Võ Đắc Tuyến (1991) trên 40 bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y dược TPHCM cho thấy dấu hiệu chiếm tỷ lệ cao nhất là tiếng kêu ở khớp chiếm 75%, đau cơ chiếm 50%, các biểu hiện khác như đau trong tai chiếm 5%, ù tai - 12,5%, ù tai kèm giảm thính lực - 2,5% và rối loạn thăng bằng - 10%.
Nghiên cứu của Hồ Thị Ngọc Linh (2003) trên 1020 công nhân của Công ty dệt Phong Phú cho thấy: số người có biểu hiện RLTDH chiếm tỉ lệ rất cao: 60,5%. Dấu hiệu được phát hiện nhiều nhất là tiếng kêu khớp - 39,1%, đau đầu và đau vùng cổ vai chiếm 9,4%.
1. Định nghĩa rối loạn thái dương hàm:
- Rối loạn thái dương hàm là một thuật ngữ chung để chỉ những rối loạn liên quan đến các cơ nhai, đến khớp thái dương hàm hoặc cả hai.
- Theo Hiệp Hội Nha khoa Hoa kỳ (ADA), RLTDH bao gồm nhiều thể bệnh trên lâm sàng liên quan đến hệ thống các cơ nhai và khớp thái dương hàm. RLTDH là một phân nhóm của rối loạn hệ thống cơ xương khớp đối với cơ thể.
- Những nghiên cứu gần đây xem RLTDH là một tập hợp các rối loạn của hệ thống nhai với nhiều đặc điểm chung. Triệu chứng chung phổ bếin nhất là đau, thường đau ở cơ nhai, ở vùng trước tai hay ở khớp thái dương hàm, hoặc cả hai. Đau thường tăng lên khi ăn nhai hoặc khi vận động hàm. Bệnh nhân có thể bị đau đầu, đau tai, đau hàm và đau mặt. Các triệu chứng khác có thể đi kèm như giới hạn vận động hàm, tiếng kêu ở khớp thái dương hàm khi há ngậm miệng...
- Trong nhiều trường hợp, các rối loạn này có thể nhẹ, thoáng qua và tự khỏi mà không cần điều trị. Trong những trường hợp khác, các biểu hiện trên ngày càng trầm trọng nếu không được điều trị một cách thích hợp.
2. Triệu chứng của rối loạn thái dương hàm: Triệu chứng chủ yếu là đau và loạn năng.
2.1. Đau:
Đau có thể xuất hiện ở thái dương hàm, ở các cơ nhai và cũng có thể ở những nơi khác xa hơn vùng hàm mặt như ở cổ, vai...
- Đau ở khớp thái dương hàm:
. Đau khớp thái dương hàm thường được cảm nhận là đau ở vùng trước tai (ngay vị trí của khớp). Thường đau ở một bên, có thể đau cả hai bên.
. Đau có liên quan trực tiếp đến vận động của khớp, tức vận động của hàm dưới. Khi hàm dưới vận động, đau tăng lên. Khi hàm dưới được nghỉ ngơi, cơn đau nhanh chóng giảm hoặc biến mất.
. Khi có sự phá hủy bề mặt các diện khớp (như trong viêm xương khớp thoái hóa) làm biến đổi cấu trúc bình thường của khớp thái dương hàm, đau có nguồn gốc thực sự từ mô xương bên dưới, có thể đau liên tục, đau ngay cả khi không vận động hàm, và tăng lên khi có vận động hàm.
- Đau ở cơ
Triệu chứng biểu hiện ở cơ có nhiều mức độ, thay đổi từ cảm giác khó chịu, căng cơ, mỏi cơ cho đến cảm giác đau thật sự. Đôi khi trong một thời gian dài chỉ có biểu hiện của sự căng hay mỏi cơ mà không có đau.
. Vị trí đau thuộc vào vị trí của cơ
. Đau thường ở một bên, ít khi đau cả hai bên.
. Có thể đau ở một hoặc nhiều cơ.
. Đau có thể tự phát hoặc liên quan đến hoạt động chức năng (như khi ăn nhai), hoặc chỉ đau khi há lớn.
. Đôi khi đau nhiều vào buổi sáng khi thức dậy, kèm theo há miệng hạn chế, đặc biệt xuất hiện ở những người có nghiến răng về đêm.
. Đôi khi bệnh nhân có cảm giác mỏi và đau ở vùng vai gáy (thường một bên) do co thắt cơ thang. Đau khu trú ở vùng cổ sau, vùng cổ bên và ở sau vai. Đau cũng có thể lan đến mặt sau hoặc mặt trước cánh tay.
2.2. Loạn năng:
Loạn năng là sự rối loạn vận động chức năng của khớp thái dương hàm hay của các cơ hàm được thể hiện qua các dấu hiệu: tiếng kêu ở khớp, giới hạn vận động hàm dưới, lệch hàm khi há miệng. Có thể có sai khớp cắn cấp tính do hậu quả của rối loạn cơ. Có một số bệnh nhân có biểu hiện loạn năng nhưng không đau. Loạn năng liên quan trực tiếp đến vận động hàm dưới.
. Tiếng kêu ở khớp thái dương hàm
Có nhiều loại tiếng kêu khác nhau được ghi nhận tại khớp:
. Tiếng lụp cụp: chỉ gồm một tiếng kêu ngắn gọn. Cường độ có thể thay đổi từ mức độ kêu nhỏ (chỉ cảm nhận được bằng tay hơn là nghe thấy) cho đến tiếng kêu "pop" hay "cắc" rất lớn có thể nghe thấy được từ xa.
. Tiếng lạo xạo: gồm nhiều tiếng kêu nhỏ, kéo dài trong suốt vận động, thường được mô tả như tiếng bước chân đi trên sỏi.
. Giới hạn vận động hàm
Bệnh nhân cảm thấy khó khăn trong khi thực hiện các vận động bình thường của hàm dưới như há, đưa hàm sang bên (trong khi nhai) hoặc đưa hàm ra trước (để cắn xé thức ăn).
Biên độ vận động của hàm dưới bị giới hạn.
. Lệch hàm khi há miệng
Có hai kiểu lệch hàm:
1. Há miệng zig zag: có sự lệch hàm dưới sang một bên khi há, nhưng khi tiếp tục há cho đến khi há tối đa, há dưới trở về lại đường giữa.
2. Há miệng lệch hẳn về một bên: hàm dưới lệch hẳn về một bên khi há và càng há càng lệch.
2.3. Các biểu hiện khác: ở tai như đau trong tai, ù tai, giảm thính lực, rối loạn thăng bằng; ở tuyến nước bọt như tuyến nước bọt dưới hàm có thể sung một bên; ở mũi - hầu như cảm giác nóng bỏng, châm chích...; biểu hiện ở mắt như chảy nước mắt, đau sau hốc mắt... Các biểu hiện này thường thấy ở những bệnh nhân có vấn đề về tâm lý nhiều hơn (như lo âu, xúc cảm, thần kinh không ổn định, rối loạn thần kinh thực vật...).
3. Nguyên nhân của rối loạn thái dương hàm:
Các nguyên nhân của RLTDH có thể được phân loại như sau:
. Chấn thương
. Vi chấn thương mãn tính.
. Khiếm khuyết cấu trúc.
. Các bệnh lý của khớp như Viêm đa khớp dạng thấp...
. Bệnh toàn thân do miễn dịch, tâm sinh hay do cơ chế sinh học thần kinh chưa hiểu rõ.
3.1. Chấn thương:
- Một tác động lực trực tiếp gây chấn thương từ bên ngoài (ví dụ do tai nạn, do ấu đả), há hàm dưới quá mức trong một thời gian dài trong các thủ thuật phẫu thuật răng miệng hoặc gây mê nội khí quản.
3.2. Vi chấn thương mãn tính:
Một nguồn gây chấn thương với mức độ thấp nhưng trong một thời gian dài và được lặp đi lặp lại, ví dụ như nghiến răng, cắn/siết chặt răng, mất nâng đỡ phía sau cung răng do mất các răng hàm.
3.3. Các khiếm khuyết cấu trúc:
- Khiếm khuyết cấu trúc khớp thái dương hàm như thiểu sản hay quá sản lồi cầu, sự bất đối xứng khung xương mặt. Các xáo trộn dinh dưỡng và nội tiết cũng như u bướu ngay tại khớp đều ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm và dẫn đến sự phá vỡ chức năng bình thường của khớp.
* Ngoài ra, một số yếu tố được cho là có ảnh hưởng góp phần đưa đến rối loạn thái dương hàm như Stress và các cản trở cắn khớp.
4. Điều trị:
- Điều trị rối loạn thái dương hàm gồm điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân. Hiện nay, hầu hết các chuyên gia trên thế giới đều đồng ý công việc điều trị gồm hai loại: điều trị không can thiệp thực thể và thực hiện các can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai.
- Điều trị không can thiệp thực thể bao gồm:
. Thuốc: Kháng viêm - Giảm đau
Dãn cơ - An thần
. Tâm lý trị liệu: xoa nắn, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tập vận động hàm dưới...
. Máng nhai (*)
- Các can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai:
Thực hiện những can thiệp tác động trực tiếp lên bộ răng hay cấu trúc khớp thái dương hàm, bao gồm:
1. Mài điều chỉnh khớp cắn: Khi hai hàm răng có sự tiếp xúc không hài hòa, có những điểm vướg cộm gây cản trở trong quá trình ăn nhai, nuốt..., người thầy thuốc cần phải thực hiện động tác mài điều chỉnh để làm cho sự tiếp xúc răng được đều và tốt hơn, làm cho vận động hàm dưới được trơn tru, dễ dàng hơn.
2. Nhổ răng
3. Phục hình
4. Chỉnh hình
5. Phẫu thuật.
(*) Máng nhai: là một khí cụ được đặt giữa hai cung răng, thường được làm bằng nhựa trong suốt và có thể tháo lắp được. Máng nhai được làm riêng cho từng người. Tùy theo tình trạng bệnh mà bệnh nhân đeo máng vào ban ngày hoặc ban đêm. Máng nhai có tác dụng làm dãn co, giảm đau, hết mỏi cơ; giúp giảm áp lực trên khớp thái dương hàm cũng như giúp bảo vệ các răng. Nói chung, máng nhai giúp cân bằng lại hệ thống nhai. Máng nhai phải được thực hiện bởi bác sĩ răng hàm mặt và được kiểm tra, theo dõi định kỳ vài tuần hay vài tháng.
(Nguyễn Phúc Diên Thảo-Nguyễn Thị Kim Anh-Hoàng Tử Hùng)