Răng thẩm mỹ: Không nên lạm dụng



Chỉnh hình nha là những kỹ thuật can thiệp để sắp xếp các răng lệch lạc nhằm đạt thẩm mỹ mà vẫn bảo đảm chức năng nhai tốt

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình răng mặt (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương), chỉnh nha là kỹ thuật can thiệp để sắp xếp các răng lệch lạc lại cho ngay ngắn, đạt thẩm mỹ mà vẫn bảo đảm chức năng nhai tốt.

Nên chỉnh nha ở độ tuổi nào?

Quá trình can thiệp thực sự đạt hiệu quả khi bệnh nhân có độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi. Tức là khi hàm răng đã thay xong và đạt được độ ổn định. Thời gian điều trị diễn ra liên tục 2-3 tuần/lần, diễn ra trong vòng 6 tháng đến 2-3 năm, tùy thuộc thời điểm can thiệp, loại lệch lạc và ý thức của bệnh nhân.

Hiện nay, bệnh răng miệng rất phổ biến ở nước ta.

Thông thường, lúc nhỏ mọi người ít chú ý đến vấn đề này, chỉ khi lớn lên, ý thức được vẻ đẹp của nụ cười mới đua nhau đi chỉnh nha. Theo số liệu thống kê, chỉ riêng tháng 11-2008 tại Viện Răng Hàm Mặt Trung ương tiếp nhận đến 2.907 người bệnh về răng miệng.

  • Để có thể "chung sống" với răng thẩm mỹ.- Theo bác sĩ Hồng Quốc Khanh, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, mọi người bình thường khi giắt một chút thức ăn thừa trong răng đã thấy khó chịu. Khi chỉnh hình thẩm mỹ, răng bị tác động ngoại lực mạnh, chịu một lực ép để làm thay đổi những khiếm khuyết ban đầu và đưa những chiếc răng bị xô lệch vào hàng với dụng cụ hỗ trợ nên người làm chỉnh hình răng phải đối diện tình trạng buốt, khó chịu... Các cảm giác này sẽ giảm dần theo thời gian điều trị.

Thực tế, để "chung sống hòa bình" với răng thẩm mỹ rất nhiêu khê. Người làm răng phải từ bỏ những thói quen bình thường như cắn đồ ăn cứng, phải cắt nhỏ đồ ăn...

  • Một khuyến cáo được các bác sĩ nha đưa ra là không nên lạm dụng "thẩm mỹ răng". Nếu làm răng thẩm mỹ vì bệnh lý thì cũng nên cân nhắc các khả năng ngoài ý muốn có thể xảy ra. Đó là các thao tác kỹ thuật của nha sĩ không chuẩn xác, sự chăm sóc "hậu thẩm mỹ" không đúng sẽ khiến các bệnh lý về răng có nguy cơ phát triển, làm cho răng thẩm mỹ nhanh chóng trở lại tình trạng ban đầu, thậm chí còn tệ hơn...
  • Vì vậy, trước khi có ý định làm răng thẩm mỹ, cần phải cân nhắc và chọn lựa kỹ càng. Nên đến những bệnh viện chuyên khoa có uy tín hoặc các phòng nha chất lượng, bởi một thực tế là trên thị trường hiện nay phòng nha mọc lên như nấm sau mưa nhưng không phải nơi nào cũng có được bác sĩ chuyên ngành lành nghề.

"Trâu lành thành trâu què"

  • Và thực tế, không ít bệnh nhân của các phòng mạch tư kém chất lượng đã trở thành nạn nhân. Như trường hợp của chị Ng.Th.V, nhà ở phường 12, quận Tân Bình - TPHCM. Chị đã không cưỡng lại trước chiêu tiếp thị hấp dẫn của một phòng nha "chất lượng cao" ở quận 3 nên đồng ý bỏ ra trên 1.000 USD để "bọc sứ" hàm răng với hy vọng có được nụ cười đẹp hơn.

Sau chuỗi ngày lui tới, cuối cùng hàm răng của chị Ng. Th.V trắng bong, sáng bóng. Nhưng mấy ngày tiếp theo ê ẩm vì "hậu thẩm mỹ", nỗi vui mừng của chị chỉ thoáng chốc khi tình trạng hàm răng ngày một tệ hơn. Quay trở lại phòng nha, bác sĩ khám phán với chị một câu trời giáng: "Hở mão". Sự cố này khiến thức ăn và dịch lọt vào gây nên hiện tượng viêm nhiễm.

Không còn cách nào khác, chị Ng.Th.V phải "tháo mão" điều trị tình trạng viêm nhiễm và chờ để các bác sĩ thao tác lại từ đầu. Bực bội vì tiền mất tật mang, chị Ng.Th.V đòi lại chi phí. Lúc này người phụ trách phòng nha giở bài cùn đưa bản ký ước thỏa thuận.Theo đó, không có chuyện trả lại chi phí mà chỉ có thể làm lại! Không đủ tin tưởng và cũng không muốn trở thành nạn nhân phòng nha đó một lần nữa, sau một thời gian mệt mỏi đi lại khiếu nại, chị tìm đến một bệnh viện chuyên khoa răng để chữa trị.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lệ, chúng tôi được biết có không ít bệnh nhân khi đến điều trị tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã phải chịu đựng vì biến chứng do kỹ thuật thao tác của nha sĩ không đúng.

Kien Huy
(Theo NLĐ)