Sự ra đời của răng sứ!
Từ “ceramic” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là “keramos”, nghĩa là thợ gốm, đồ gốm. Nói cách khác, Keramos lien quan đến tiếng Phạn cổ còn có nghĩa là “đốt cháy”. Theo Gilman (1967), sứ là vật liệu nguồn gốc từ đất thường được định nghĩa là sự kết hợp của một hay nhiều kim loại cùng một yếu tố phi kim thường là oxy. Hiệp hội sứ Hoa Kỳ đã định nghĩa: sứ là vật liệu vô cơ, phi kim loại, thường được kết tinh một cách đặc thù trong tự nhiên; là hợp chất được tạo thành giữa những yếu tố kim loại và phi kim như là: nhôm và oxy (nhôm oxit- Al2O3), Canxi và oxy (canxi oxit- CaO), silic và nitơ (nitride- Si3N4).
- Trong khoa học Nha khoa, sứ thường được xem như là cấu trúc phi kim, vô cơ chứa đựng chủ yếu là hỗn hợp các oxit của các yếu tố kim loại, phi kim như: nhôm, canxi, liti, magie, phosphor, kali, silic, natri, ziriconi và titan, hình thành nên các liên kết cộng hoá trị hay liên kết ion.
- Cấu trúc những vật liệu này là tinh thể, biểu hiện sự sắp xếp đều đặn có tính chu kỳ của những nguyên tử và có thể có những mối nối ion hay đồng hóa trị. Mặc dù sứ rất bền, nhưng cũng rất dòn và dễ vỡ khi có chấn động nhẹ. Vì thế, vật liệu này bền với lực nén, nhưng lại yếu với lực căng. Sứ dễ bị thất bại khi thực hiện phục hồi cầu răng nhiều đơn vị có nhịp cầu dài, bởi vì loại cầu răng này dễ bị biến dạng hoặc gãy dưới lực nén trong miệng .
- Sứ với những thành phần khác nhau đuợc sử dụng rộng rãi như các vật liệu phục hồi trong ngành nha. Nhiều phục hồi phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn để sử dụng có hiệu quả trên lâm sàng. Vật liệu phải có độ bền thích hợp để chịu đựng được những thay đổi trong xoang miệng. Lực tác động lặp đi lặp lại trong lúc nhai hay vận động cận chức năng cùng với những thay đổi nhiệt nhanh trong môi trường miệng để lại ảnh hưởng có ý nghĩa trên phục hồi đó. Cần phải có sự khít sát bờ của các phục hồi và mô răng còn lại để tránh gãy nứt và sâu răng tái phát.
- Thẩm mỹ thường là mối quan tâm của bệnh nhân và nha sĩ khi sử dụng phục hình sứ. Đây là một trong những tác động chủ yếu thúc đẩy sự ra đời nhanh chóng của những vật liệu trám thẩm mỹ nói chung và sứ nói riêng. Có lẽ sứ là vật liệu giống răng thật nhất về màu sắc và tương tác với ánh sáng. Màu sắc ở chiều sâu có thể có được bằng cách chôn vùi những phẩm màu đặc biệt trong sứ và phủ lên những lớp màu khác nhau để tạo ra vẻ tự nhiên. Ngoài độ bền, sự khít khao và thẩm mỹ thì hệ thống vật liệu này có tính tương hợp sinh học. Nhìn chung sứ là vật liệu có tính tương hợp sinh học nhiều nhất trong số những vật liệu được dùng. Sứ có độ oxy hóa cao và đề kháng lại sự mòn và nói chung ít gây dị ứng hay phản ứng độc cho cơ thể.
Tỉ lệ phần trăm cao nhất vật liệu sứ được dùng bao gồm sứ feldspathic đuợc nung với sườn kim loại bên dưới. Tuy nhiên, những ưu điểm thẩm mỹ của vật liệu toàn sứ đã làm phát triển một số những hệ thống như là In-Ceram, Ips-Empress, Optiomal Pressable Ceramic (OPC), Procera...
Chính nhờ sự đa dạng về thành phần, chủng loại, lại được cải tiến liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của con người, sứ đã và đang giữ một vai trò quan trọng trong nha khoa phục hồi và nha khoa thẩm mỹ.
Trong thời điểm hiện tại, có thể nói rằng ngoài vật liệu sứ ra thì không có loại vật liệu nào đạt được sự tương đồng về màu sắc, độ trong mờ và độ bền chắc so với răng thật được như sứ. Ngày nay, người ta giữ được răng lâu hơn so với trước đây, điều đó cũng có nghĩa là nhu cầu về những phục hồi mang tính thẩm mỹ ngày càng gia tăng. Điều này đã phản ánh được nguyên nhân của việc các nha sĩ sử dụng sứ nhiều hơn trong quá trình phục hồi răng.
Bs.Huỳnh Thị Mỹ Trang
benhvienthammy.com.vn
Tài liệu tham khảo:
1. V.G Sukumaran and Narasimha Bharadwaj, Ceramic in Dental Application, Trends in Biomaterials and Artificial Organs (2006)
2. William J. O’Brien, Dental Porcelain, Dental Materials and Their Selection 3rd edition, Quintessence Publishing Co Inc (2002), trang 210-223.