Hàm giả và những thắc mắc thường gặp

Xin cho biết sự khác nhau giữa một hàm giả thông thường và một hàm giả lắp liền?
  • Hàm giả được gọi là hàm giả thông thường hay hàm giả lắp liền tùy thuộc vào thời gian từ khi nhổ răng đến khi lắp hàm giả. Hàm giả được lắp ngay sau khi nhổ răng gọi là hàm giả lắp liền còn hàm giả thông thường được thực hiện sau nhổ răng một tháng rưỡi đến hai tháng. Thông thường sau khi nhổ răng, phải chờ khoảng thời gian một tháng rưỡi đến hai tháng mới làm hàm được vì trong thời gian này xương hàm và nướu răng sẽ teo rất nhanh và hàm giả sẽ lỏng. Tuy nhiên có những người không chấp nhận tình trạng mất răng sau nhổ răng một thời gian như vậy, do đó hàm giả lắp liền là một nhu cầu thực tế.

Để làm hàm giả lắp liền, bác sĩ nha khoa sẽ lấy dấu trước khi nhổ răng, sau đó trên mẫu hàm thạch cao, những răng dự định nhổ được cắt bỏ và thực hiện một hàm giả. Khi đã hoàn tất bác sĩ sẽ hẹn ngày nhổ răng và gắn hàm ngay. Như vậy, bạn sẽ không trải qua một ngày nào trống răng cả. Nhược điểm của hàm giả lắp liền là tình trạng teo xương và nướu răng trong giai đoạn hai tháng đầu tiên. Bạn phải quay lại bác sĩ để được đệm hàm cho khít khao hoặc thay nền hàm hoặc làm lạm một hàm giả mới. Khi mang hàm lắp liền bạn phải quay lại bác sĩ thường xuyên mỗi hai tuần trong hai tháng đầu để đệm hàm vì xương và nướu sẽ teo rất nhanh nếu không đệm hàm kịp thời.

Làm thế nào để giúp tôi không bị "trống răng" trong khi chờ làm răng giả?

Nếu sợ "trống răng", bạn có thể làm hàm giả lắp liền. Để làm hàm giả lắp liền, bác sĩ nha khoa sẽ lấy dấu trước khi nhổ răng, sau đó trên mẫu hàm thạch cao, những răng dự định nhổ được cắt bỏ và thực hiện một hàm giả. Khi đã hoàn tất, bác sĩ sẽ hẹn ngày nhổ răng và gắn hàm ngay. Như vậy, bạn sẽ không trải qua một ngày nào trống răng cả. Nhược điểm của hàm giả lắp liền là tình trạng teo xương và nướu răng trong giai đoạn hai tháng đầu tiên. Bạn phải quay lại bác sĩ để được đệm hàm cho khít khao hoặc thay nền hàm hoặc làm lạm một hàm giả mới. Khi mang hàm lắp liền bạn phải quay lại bác sĩ thường xuyên mỗi hai tuần trong hai tháng đầu để đệm hàm vì xương và nướu sẽ teo rất nhanh nếu không đệm hàm kịp thời.

Hàm giả phủ là gì?

Khi làm hàm giả, nếu bên dưới nền hàm còn răng hoặc có đặt implant để nâng đỡ thì gọi là hàm giả phủ. Trong một số trường hợp, còn một số răng còn tốt, những răng này được giữ lại, lấy tủy bọc một mão đặc biệt (không có múi rãnh như mão thông thường) để nâng đỡ hàm giả hoặc trong trường hợp mất hết răng, nhưng cấy ghép vài implant xương hàm để nâng đỡ hàm giả bên trên được gọi là hàm giả phủ.

So với hàm giả thông thường, hàm giả phủ sẽ bám dính tốt hơn, ổn định hơn, ít tiêu xương hơn. Tuy nhiên chi phí cho hàm giả phủ sẽ cao hơn so với hàm giả thông thường, đặc biệt trường hợp phải cấy ghép implant. Nếu bạn có điều kiện về tài chính hàm giả phủ sẽ là một lựa chọn thích hợp cho cả vấn đề thẩm mỹ và chức năng.

Khi mang hàm giả sẽ có cảm giác ra sao?

Khi mang hàm giả lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy vướng cộm, khó chịu rồi nước bọt tiết ra liên tục, phát âm khó khăn và đặc biệt là có thể đau niêm mạc bị sang chấn do hàm giả. Ngoài ra, một số người còn buồn nôn hoặc cảm giác căng thẳng, đau cơ, đau khớp. Những cảm giác vướng cộm, tăng tiết nước bọt hay rối loạn phát âm sẽ giảm dần sau một vài tuần. Tuy nhiên những cảm giác đau niêm mạc do sang chấn hàm giả, đau cơ, đau khớp phải được bác sĩ khám và điều chỉnh.

Nói chung khi mang hàm giả bạn phải chấp nhận những khó chịu ban đầu trong vòng một vài tuần. Tuy nhiên nếu những cảm giác này kéo dài nghĩa hàm giả của bạn có vấn đề cần phải được điều chỉnh. Đừng e ngại mà phải báo cho bác sĩ của bạn tất cả những khó chịu mà bạn cảm thấy. Bác sĩ của bạn sẽ có lời khuyên và giải pháp thích hợp cho trường hợp của bạn.

Hàm giả bán hàm là gì? đặc điểm ra sao?

Khi mất răng bạn phải làm răng giả. Nếu răng giả được gắn vào một nền hàm và bạn có thể tự tháo ra và lắp vào được gọi là hàm giả bán hàm. Hàm giả bán hàm có hai loại: bán hàm nền nhựa và hàm khung.

Bán hàm nền nhựa có phần nền hoàn toàn bằng nhựa, trên đó có những móc kim loại để giữ hàm thông qua những răng thật còn lại. Khi nhai trên hàm giả bán hàm nền nhựa, toàn bộ lực nhai không truyền qua các răng thật còn lại mà sẽ truyền qua niêm mạc và xương hàm vùng mất răng bên dưới.

Hàm khung sẽ có nền là một khung kim loại cùng với những móc đúc liền khung nền hàm. Răng giả sẽ dính vào khung này nhờ vào phần nhựa màu hồng (giống như màu nướu). Hàm khung có ưu điểm gọn, nhỏ nên rất dễ chịu so với bán hàm nền nhựa. Ngoài ra, các móc trong hàm khung giúp truyền lực nhai qua các răng thật còn lại nên chức năng nhai sẽ tốt hơn. Hàm khung có hai loại móc: loại thông thường hay còn gọi là móc nổi và loại thẩm mỹ, gọi là móc chìm (attachement) hay móc ngầm. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ, móc chìm sẽ là lựa chọn khi phải đặt móc các răng phía trước dù chúng khá đắt so với móc thông thường.

Thông thường mang hàm bao lâu mới thấy quen, thấy thoải mái?

Vấn đề quen với hàm giả tùy thuộc từng người. Có người cảm thấy quen ngay trong tuần lễ đầu nhưng cũng có người mất hàng tháng mới quen được. Tuy nhiên thời gian trong bình là 2 - 3 tuần để quan với hàm giả. Khi đã quen với hàm giả, bạn sẽ thấy khó chịu khi không mang hàm.

Cách sử dụng hàm giả như thế nào là đúng?

Đầu tiên, bạn nên mang hàm cả ngày lẫn đêm trong 3 ngày đầu. Thời gian này giúp bạn quen dần với hàm giả nhanh hơn. Trong thời gian này chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khó chịu và ngoài ra có thể đau do sang chấn niêm mạc. Nếu không đau quá hãy cố gắng mang hàm để phát hiện chính xác vùng đau và báo cho bác sĩ để mài chỉnh. Những ngày kế tiếp, bạn không nên mang hàm khi ngủ. Trước khi ngủ, bạn hãy tháo hàm, chải rửa sạch và ngâm vào một ly nước sạch hoặc thuốc ngâm hàm (hãy hỏi bác sĩ của bạn). Nếu bạn mang hàm khi ngủ, những răng còn lại sẽ rất dễ bị sâu (nếu bạn mang bán hàm nền nhựa), xương hàm sẽ bị tiêu nhanh hơn, đặc biệt khi bạn mang hàm giả toàn bộ. Ngoài ra, bạn có thể bị nhiễm nấm miệng do mang hàm giả liên tục.

Khi tháo và lắp hàm phải cẩn thận, theo đúng các mà bác sĩ đã hướng dẫn cho bạn. Nếu bạn tháo và lắp dễ dàng, thoải mái nghĩa là bạn đã làm đúng. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy rất khó khăn khi tháo hàm và lắp hàm, hãy quay trở lại bác sĩ của bạn để được hướng dẫn. Đừng nên tự ý chỉnh sửa các móc để dễ dàng tháo lắp hàm.

Ngoài ra, bạn cần phải cẩn thận khi chải rửa hàm, đừng để bị văng hàm; vì có thể gãy hàm hoặc biến dạng các móc.

Giữ gìn hàm giả thế nào cho đúng cách?

Hàm tháo ra rồi, nên đặt vào trong môt chiếc khăn nhỏ, gấp lại hay ngâm trong ly nước, phòng khi rơi hàm, không bị gãy, vỡ. Mỗi ngày, chải rửa hàm để lấy sạch bựa thức ăn, và tránh cho hàm bị nhiễm màu.

Đầu tiên rửa trôi các thức ăn dính trên hàm giả, sau đó mới dùng bàn chải để chải rửa hàm. Thấm ướt lông bàn chải, lấy một ít thuốc hoặc xà phòng rửa tay, chải nhẹ nhàng khắp hàm giả. Khi chải rửa nên sử dụng loại bàn chải lông mềm, để không làm trầy xước hàm. Lưu ý không sử dụng các chất có tính ăn mòn mạnh, sẽ làm hư hàm giả.

Khi không mang hàm giả phải ngâm vào trong nước vì hàm giả có thể bị vênh nếu để khô.

Tôi sẽ ăn uống như thế nào khi mang hàm giả?

Khi bạn mang hàm giả loại hàm khung, việc ăn uống gần như là bình thường. Bạn chỉ cần lưu ý đừng ăn thức ăn quá dẻo và quá cứng.

Ngược lại, khi mang hàm giả nền nhựa hay hàm giả toàn bộ, bạn phải bỏ chút công sức để tập ăn. Sau giai đoạn quen với hàm giả, bạn bắt đầu tập ăn với thức ăn mềm, nhai đều hai bên (lưu ý không nhai phía trước) và nhai chậm. Dần dần, bạn sẽ ăn được thức ăn bình thường. Và bạn cũng phải lưu ý đừng ăn thức ăn quá dẻo và quá cứng.

Khi ăn nhai bình thường, nếu bạn thấy không nhai thức ăn nhuyễn được hoặc hàm giả bị bật khi ăn phải báo cho bác sĩ của bạn biết để điều chỉnh.

Mang hàm giả có ảnh hưởng gì đến phát âm?

Một hàm giả tốt phải đảm bảo không ảnh hưởng phát âm, ngoại trừ giai đoạn đầu chưa quen với hàm giả. Trong giai đoạn này có vài từ cần phải tập phát âm. Từ nào khó nói, thì bạn đọc lớn lên và lặp đi lặp lại cho quen. Khi nói mà hàm bật ra, thì tập nói chậm lại. Đôi khi cười lớn, ho thậm chí chỉ cười mỉm thôi cũng làm xê dịch hàm. Khi đó, hãy cắn nhẹ hai hàm lại rồi nuốt một cái, hàm sẽ vào lại đúng vị trí.

Khi đã quen với hàm giả mà bạn còn phát âm khó khăn, khả năng hàm giả của bạn có vấn đề cần phải chỉnh sửa. Trường hợp này hãy quay trở lại bác sĩ làm hàm giả cho bạn để kiểm tra lại hàm giả. Nếu bác sĩ của bạn không thể giải quyết được hãy tìm một bác sĩ chuyên khoa phục hình, bác sĩ này có thể sẽ giúp bạn giải quyết được tình trạng của bạn.

Mang hàm lâu ngày có gì xảy ra không, khi đó tôi phải làm gì?

Với thời gian, các cấu trúc trong miệng bạn sẽ thay đổi và ảnh hưởng đến hàm giả của bạn. Ảnh hưởng phổ biến nhất là tình trạng lỏng hàm do tiêu xương bên dưới nền hàm. Hàm lỏng sẽ dẫn đến ăn nhai mất ngon, phát âm kém, cảm giác không tự tin, khó chịu, đau, thậm chí gây loét hay nhiễm trùng... Một khi hàm giả lỏng, tình trạng tiêu xương sẽ diễn ra nhanh hơn nếu không điều chỉnh hàm giả kịp thời.

Tôi có thể tự chỉnh sửa hàm giả không?

Hoàn toàn không nên. Nhiều khả năng bạn sẽ hư hàm giả vì chỉnh sửa không đúng cách và không thể sửa chữa được. Khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra như lỏng hàm, sút răng, gãy hàm... hãy đến bác sĩ của bạn để được chỉnh sửa. Trường hợp đơn giản có thể sửa chữa trong ngày và trường hợp phức tạp có thể phải đợi vài ngày hoặc phải làm lại hàm giả mới.

Khi mang hàm giả, chăm sóc răng miệng có gì đặc biệt không?

Khi mang hàm giả, việc chăm sóc răng miệng đòi hỏi phải kỹ hơn so với bình thường đặc biệt là các răng mang móc. Những răng này dễ bị nhét thức ăn hơn, do đó nguy cơ sâu răng và bệnh nha chu ở những răng này cũng cao hơn. Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý cũng góp phần làm cho răng nướu khỏe mạnh.

Tôi có nên sử dụng keo dán hàm không?

Trong một số trường hợp, dù hàm giả khít sát nhưng vẫn không dính được do những yếu tố khách quan như nước bọt của bạn quá loãng, diện tích nền hàm nhỏ... keo dán hàm giúp cải thiện khả năng dính của hàm giả. Lưu ý rằng keo dán hàm không phải là giải pháp cho trường hợp hàm giả cũ, lỏng. Khi hàm giả lỏng không còn dính bạn phải đến bác sĩ để kiểm tra và có giải pháp phù hợp cho bạn. Không nên tự động mua keo dán để giúp hàm dính vì hàm lỏng sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề tiêu xương.

Khi nào tôi nên thay hàm giả mới

Thông thường sau một thời gian (3 - 5 năm) mang hàm giả, hàm sẽ bị lỏng do xương bị tiêu, hàm có thể gãy, vỡ, các răng có thể bị mòn... Bạn nên khám để bác sĩ quyết định cách giải quyết vấn đề của bạn. Nếu hàm lỏng nhưng các răng còn tốt, không bị mòn, có thể bác sĩ chỉ đệm hàm hoặc thay nền hàm là đủ. Trường hợp hàm giả lỏng và các răng mòn nhiều cách tốt nhất là làm lại hàm giả mới.

Nếu tiếp tục sử dụng với hàm giả đã bị lỏng, việc ăn nhai sẽ mất ngon, khả năng phát âm cũng bị ảnh hưởng. Hàm giả lỏng còn gây đau và có thể gây loét làm bạn rất khó chịu.

Khi mang hàm giả toàn bộ, tôi có cần phải chăm sóc miệng nữa không?

Tất nhiên là có. Vào buổi sáng, hoặc sau khi ăn, hay trước khi đi ngủ, tháo hàm giả ra, dùng bàn chải lông mềm, chải nhẹ nhàng lên nướu, lưỡi, vòm miệng (lưu ý đùng thọc sâu bàn chải vào họng, coi chừng bị nôn đấy nhé!). Sau đó súc miệng, vệ sinh hàm giả cho sạch, rồi mang trở lai, hoặc cất đúng chỗ (nếu đi ngủ). Việc chải nướu, lưỡi, vòm họng giúp chải sạch bựa thức ăn, làm máu lưu thông, nhờ đó mà nướu, miệng được khỏe mạnh.

Tôi có cần phải khám răng miệng định kỳ khi không còn răng hay không?

Dù bạn không còn răng và mang hàm giả toàn bộ việc khám răng miệng định kỳ cũng rất quan trọng. Mỗi lần khám, bác sĩ sẽ kiểm tra hàm giả có còn tốt hay không: độ khít sát của hàm, độ mòn của răng...Bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát và phát hiện sớm các bệnh lý miệng, xương hàm và các cấu trúc liên quan, đặc biệt là bệnh ung thư. Biết khám răng miệng đều đặn với một thái độ tích cực, thì dù có mang hàm giả bạn vẫn có thể lạc quan yêu đời và rất tự tin với nụ cười luôn nở trên môi.

(nhasisaigon)