Chương trình fluor hóa nước để làm giảm sâu răng như thế nào?


Chương trình fluor hóa nước (fluoridation program) là chương trình châm sodium fluoride vào nguồn nước máy của TP, với nồng độ 0,5ppm (ppm là phần triệu trong 1lít nước).

  • Fluor sẽ ngấm vào men răng của em bé từ lúc còn là bào thai đến lúc trưởng thành (15 tuổi), fluor kết hợp với phosphate calcium của men răng tạo thành fluoro apatit là một chất khoáng cứng kháng lại axit, làm cho men răng cứng chắc khó bị sâu răng.

Kể từ năm 1930 khi BS Nha Khoa, BS Dean người Mỹ khám phá ra chất fluoride có trong nước với nồng độ là 1ppm (1mg/1lít nước) sẽ làm răng cứng chắc và chống lại sâu răng. Đến năm 1940, nhiều thành phố lớn của Hoa Kỳ đã tiến hành chương trình fluor hóa nước để phòng chống sâu răng. Sau đó nhiều nước trên thế giới cũng đã tiến hành châm fluor vào nước để giảm sâu răng.

Sau 45 năm thực hiện chương trình fluor hóa nước, Tổ chức sức khoẻ thế giới (WHO) năm 1985 đã tổng kết chương trình nầy, cho thấy ở những thành phố nào có chương trình fluor hóa nước đã giảm được từ 50%-60% sâu răng và chương trình mang đến lợi ích gấp 20 lần nghĩa là 1 đồng phí tổn bỏ ra cho việc châm fluor sẽ mang lại lợi ích 20 đồng.

Chương trình fluor hoá nước tuy tốn kém do phải mua hoá chất sodium fluoride để châm vào từ đầu nguồn của nhà máy nước, nhưng lợi ích rất lớn là giảm tỷ lệ sâu răng rất nhiều trong nhân dân. Sâu răng giảm sẽ làm giảm tất cả các chi phí mà nhà nước phải gánh cho việc điều trị rất tốn kém, từ chi phí đào tạo bác sĩ, y sĩ, đến thuốc men và trang thiết bị dành cho việc điều trị, phục hồi răng và làm răng giả do bị mất răng.

 

  • TP.HỒ CHÍ MINH đã có chương trình fluor hóa nước từ năm 1989, trong nước máy của TP luôn có nồng độ fluor là 0,5ppm và tỷ lệ sâu răng ở trẻ em 12 tuổi của TP.HỒ CHÍ MINH đã giảm rất nhiều từ 87% xuống 65% và hiện nay trung bình mỗi em chỉ có 2 răng sâu.

Các Nha sĩ hành nghề ở thập niên của thế kỷ trước, 1980-1990 đã thấy rằng: trẻ em đến các phòng răng của Nha sĩ lúc đó rất nhiều và luôn luôn đến vì sâu răng, đau răng phải trám và nhổ. Do đó trẻ rất sợ khi đến phòng Nha.

Nhưng sau một thời gian 10 năm và hiện nay sau 20 năm, nhờ có chương trình Nha Học Đường và fluor hóa nước, chúng ta thấy rất ít khi phải trám hay nhổ một răng sữa sâu vì đa số trẻ em bây giờ có răng tốt hơn bố mẹ.

Cũng nhờ biết cách phòng bệnh, giữ gìn răng miệng từ lúc trẻ mới vào mẫu giáo nên răng của bé rất tốt. Hiện nay trẻ em đến phòng nha khoa là để nhổ răng sữa lung lay và trám răng phòng ngừa. Nhờ vậy mà trẻ sẽ dạn dĩ hơn, tự tin hơn vì khi đến phòng Nha trẻ em không còn sợ đau nữa