Nước bọt vũ khí chống sâu răng

nuoc-bot-ngua-sau-rangNước bọt là dịch tự nhiên của cơ thể, gồm các chất lỏng có nguồn gốc từ các tuyến nước bọt chính (tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi), từ các tuyến nước bọt phụ rải rác ở niêm mạc khẩu cái, môi, má và một ít từ dịch nướu.

  • Nước bọt hình thành một lớp nhầy bảo vệ trên bề mặt răng và niêm mạc, có tác dụng (1) bôi trơn, chống khô, bảo vệ, cảm nhận vị giác, góp phần vào quá trình tiêu hóa; (2) làm sạch cơ học bằng cách loại bỏ các mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn; (3) điều hòa pH môi trường miệng; (4) duy trì sự toàn vẹn của răng, giúp tái khoáng mô răng, tăng khả năng đề kháng của men răng chống lại các tác nhân acid và (5) có hoạt tính kháng khuẩn và kháng virus do có chứa các thành phần enzyme và immunoglobulin miễn dịch.
  • Theo Hefti (1969)[21], tất cả những thay đổi của môi trường nước bọt (độ pH, khả năng đệm của nước bọt, độ nhớt của nước bọt, lưu lượng và chất lượng nước bọt) đều có thể dẫn đến thay đổi sự nhạy cảm đối với sâu răng ở mỗi cá thể. Chẳng hạn như tính chất nước bọt lỏng hay quánh sẽ ảnh hưởng đến bệnh sâu răng, nước bọt càng quánh thì sâu răng càng cao.
  • Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, với cùng mức độ giữ vệ sinh răng miệng như nhau, các bệnh nhân có nước bọt đặc, quánh thường có tình trạng vệ sinh răng miệng kém hơn, các răng đọng nhiều mảng bám và có tỷ lệ sâu răng từ mức độ trên trung bình đến cao.

Nước bọt do các tuyến nước bọt tiết ra. Khi các tuyến nước bọt bị hư hại hoặc khiếm khuyết trong dẫn truyền thần kinh có thể làm giảm tổng hợp nước bọt, những tình trạng đó có thể gây ra giảm chức năng tuyến nước bọt. Theo Sreebny và Dawes (1996), bình thường lưu lượng nước bọt khi không kích thích khoảng 0,3ml/phút, còn khi có kích thích khoảng 1-2ml/phút. Khi lưu lượng nước bọt không kích thích giảm đi 50% giá trị bình thường thì sẽ có biểu hiện khô miệng.

  • Khi có tình trạng khô miệng, những thay đổi cả về số lượng và thành phần vi khuẩn trong mảng bám sẽ xảy ra. Người ta nhận thấy sau khi chiếu tia các tuyến nước bọt chính, Streptococcus mutans, Lactobacilli, nấm (đặc biệt là Candida albicans), Actinomyces và Staphylococcus tăng lên trong mảng bám. Những thay đổi rõ rệt nhất thường xảy ra rõ rệt nhất trong thời gian 3 tháng đầu tiên sau chiếu tia và biến đổi này trong hệ vi sinh mảng bám có thể là nguyên nhân sâu răng phát triển. Bệnh nhân mắc hội chứng Sjogren thì tỉ lệ C.albicans cũng tăng đáng kể. Hệ vi sinh thường trú ở miệng thay đổi phản ánh pH môi trường thấp hơn bình thường vì khả năng đệm của nước bọt giảm và điều đó tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm ưa acid tăng trưởng.

Trong những thập niên gần đây, ở Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa nước bọt và sâu răng, điều này càng chứng minh vai trò của nước bọt trong việc giảm nguy cơ sâu răng[1],[5].

Bs.Phạm Thị Mai Khanh
benhvienthammy.com.vn
*Tài liệu tham khảo từ:
1.    M. Lenander-Lumikari, V. Loimaranta, “Saliva and Dental Caries”, Adv Dent Res 14:40-47, December, 2000.
2.    Naseem Shah, “Oral and dental diseases: Causes, prevention and treatment strategies”, NCMH Background Papers - Burden of Disease in India.
3.    Panu Rantonen (2003), “ Salivary flow and composition in healthy and diseased adults”