Viêm gan siêu vi C – căn bệnh thầm lặng

Bệnh viêm gan siêu vi C là gì?

 

 

Trước thập niên 90, người ta chỉ mới biết có bệnh viêm gan siêu vi A và B. Sau đó có những trường hợp viêm gan nhưng không tìm thấy siêu vi A hoặc B nên người ta gọi đó là viêm gan không phải A không phải B. Vào năm 1989, siêu vi C đã được tìm ra nhưng phải chờ đến năm 1992 xét nghiệm chẩn đoán siêu vi C mới ra đời. Khi thực hiện xét nghiệm đó cho những bệnh nhân bị viêm gan không phải A không phải B thì phát hiện đa số những bệnh nhân này có sự hiện diện của siêu vi C. Hiện nay, có khoảng 4% dân số Việt Nam (vào khoảng 4 triệu ngươi so với dân số chung là 100 triệu người) được nghĩ là đang mang siêu vi C trong cơ thể và con số này còn đang có khuynh hướng gia tăng.

Vì sao viêm gan siêu vi C được gọi là căn bệnh thầm lặng?

  • Người ta thường gọi bệnh viêm gan siêu vi C  là một bệnh dịch thầm lặng bởi vì phần lớn những người bị nhiễm siêu vi C không có triệu chứng gì. Do vậy những người này không biết điều gì đang xảy ra cho họ trong suốt một thời gian dài.

Sau khi siêu vi C xâm nhập cơ thể chứng sẽ đi đến gan và tại đó siêu vi bắt đầu sinh sôi nẩy nở. Diễn tiến của bệnh thường là một lộ trình đi từ cấp tính (thời gian bệnh ngắn hơn 6 tháng) đến mạn tính (bệnh kéo dài trên 6 tháng). Những trường hợp mạn tính là do đa số bệnh nhân không có khả năng tự loại trừ siêu vi ra khỏi cơ thể. Người ta ước lượng có đến 80% những người bị nhiễm siêu vi C (nghĩa là khoảng 1,2 triệu người trong số 1,5 triệu người bị nhiễm) thì bệnh sẽ tiếp tục phát triển sang tình trạng mang siêu vi C mạn tính và ít nhất có 20% của nhóm người này (nghĩa là khoảng 240.000 người) bệnh sẽ tiếp tục chuyển sang xơ gan sau 20 năm nhiễm bệnh.

Xơ gan là 1 bệnh lý rất nặng nề của gan nhưng bệnh nhân vẫn có thể không cảm thấy bị đau đớn gì trong thời kỳ đầu. Người ta gọi đó  là xơ gan không triệu chứng. Khi bệnh nhân thấy mình có những dấu hiệu của bệnh gan như chán ăn mệt mỏi, bụng báng ngày càng to do ứ nước, phù chân, vàng da vàng mắt, chảy máu răng, chảy máu cam… đó là lúc bệnh đã tiến vào giai đoạn cuối. Tiếp theo đó, xơ gan là điều kiện cần thiết để gây ra ung thư gan cho người bị nhiễm siêu vi C. Có khoảng 3% người xơ gan không triệu chứng tiến triển sang ung thư gan mỗi năm. Siêu vi C là thủ phạm đứng hàng thứ 3 gây ra căn bệnh hiểm nghèo này, chỉ sau siêu vi B và rượu nhưng hiện nay chỉ có một số ít người được chẩn đoán căn bệnh này trong giai đoạn sớm. Sự thầm lặng này cần phải trở thành một tiếng chuông cảnh báo cho tất cả mọi người.

Bệnh viêm gan siêu vi C lây nhiễm bằng cách nào?

  • Siêu vi C được tìm thấy ở trong máu. Vì vậy, vì bất kỳ lý do gì mà chúng ta tiếp xúc với máu của những người bị nhiễm siêu vi C thì đều có khả năng mắc bệnh này. Một bệnh nhân bị nhiễm siêu vi C trung bình có khoảng 2 triệu siêu vi trong một ml máu. Vì vậy chỉ cần một vết máu nhỏ còn dính trên đầu một cây kim chích cũng có thể chứa một lượng siêu vi lên đến khoảng 2.000 con. Siêu vi C có thể lây lan qua nhiều cách.

Dùng chung kim và ống chích

  • Đường truyền bệnh khá quan trọng hiện nay là qua việc dùng chung kim và ống chích. Đây không chỉ là mối nguy cơ cho lây nhiễm siêu vi C mà còn cho nhiều bệnh khác như siêu vi B, HIV… Ở những người tiêm chích ma túy, 60-90% những người này sẽ bị nhiễm siêu vi C trong 1 năm đầu tiên. Mặc dù những người nghiện ma túy nặng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn nhưng cần nhớ rằng chúng ta có thể bị nhiễm siêu vi C chỉ cần sau một lần chích thử. Hiện nay, dù đã có các biện pháp khuyên sử dụng bơm kim tiêm một lần rồi bỏ nhưng nguy cơ lây nhiễm qua đường này dường như không giảm mà vẫn tiếp tục gia tăng. Vì trong cơn ảo giác do ma túy gây ra, người ta thường không còn đủ tỉnh táo để phòng ngừa và vẫn dùng chung ống tiêm. Ngay cả khi dùng kim và ống chích riêng, những người chích ma túy vẫn có thể bị nhiễm bệnh là do họ vẫn dùng chung những vật dụng để chuẩn bị cho mũi chích như muỗng, màng lọc…

Những người không chích ma túy mà chỉ hít cocain vẫn có khả năng nhiễm siêu vi C. Cocain gây co thắt mạch máu ở niêm mạc mũi, làm niêm mạc mũi bị rách và tạo ra các vết loét. Những người hít cocain mà không chích vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm siêu vi C do họ thường chia xẻ các mẫu thuốc hít và siêu vi C có thể lan qua những vết thương này.

Truyền máu và các sản phẩm của máu

Là đường lây bệnh chính của siêu vi C trước năm 1992. Cứ 100 người được truyền máu thì có khoảng 10 người bị lây nhiễm siêu vi C. Hiện nay nhờ có xét nghiệm giúp phát hiện siêu vi C ở người cho máu nên nguy cơ nhiễm siêu vi C sau truyền máu đã giảm đi đáng kể. Ở các nước phát triển, nguy cơ này chỉ còn vào khoảng 1 trong 200.000 đơn vị máu truyền. Ở nước ta hiện nay, tại các bệnh viện và các trung tâm y tế lớn, người ta cũng đã đặc biệt chú ý đến việc loại bỏ các mẫu máu bị nhiễm siêu vi B, siêu vi C, HIV… Cho đến  nay người ta vẫn chưa thống kê được số người bị nhiễm siêu vi C do truyền máu trước năm 1992 tại Việt Nam.

Lây nhiễm trong bệnh viện

  • Thường khó thống kê vì bệnh nhân có thể không nhớ là họ đã được truyền máu khi mổ xẻ. Bên cạnh đó những dụng cụ không được khử trùng đúng cách như qua các máy lọc thận cho bệnh nhân bị suy thận, máy nội soi đường tiêu hóa, dụng cụ chữa răng…

Từ mẹ sang con

  • Những bà mẹ bị nhiễm siêu vi C đang mang thai thường lo lắng về nguy cơ lây truyền của siêu vi C sang em bé. Thời điểm xảy ra việc lây nhiễm là vào lúc chuyển dạ sanh vì khi đó máu của người mẹ và em bé hòa lẫn vào nhau. Tuy vậy khả năng lây lan từ mẹ bị nhiễm siêu vi C sang con thấp hơn siêu vi B nhiều lần, chỉ vào khoảng 3%. Nguy cơ này sẽ tăng cao đến 20-30% nếu mẹ bị nhiễm thêm HIV. Hiện không có bằng chứng cho thấy siêu vi C có thể lây lan qua sữa mẹ.

Đường tình dục

  • Việc lây nhiễm siêu vi C trong quan hệ vợ chồng tương đối thấp nhưng nguy cơ lây lan sẽ gia tăng nếu quan hệ tình dục bừa bãi.

Các đường lây truyền khác

Tương tự như siêu vi B, siêu vi C còn có thể lây qua việc dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kim châm cứu, kim xâm mình, dụng cụ xỏ lỗ tai với người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên có đến 20-40% số người bị nhiễm siêu vi C mà không tìm được nguồn lây rõ ràng.

Bạn có phải là người có nguy cơ bị nhiễm siêu vi C không?

Hãy xem xét những câu hỏi dưới đây. Nếu câu trả lời là có cho một trong những câu hỏi đó thì bạn sẽ là người có nguy cơ bị nhiễm siêu vi C.

-          Bạn có phải là người bị chứng bệnh ưa chảy máu hoặc có bất cứ những chứng bệnh gì khác và đã từng được truyền máu vào trước năm 1992 không?

-          Bạn từng có những cuộc mổ xẻ lớn, thí dụ như do chấn thương trước năm 1992 và có khả năng bạn đã quên rằng mình được truyền máu không?

-          Bạn có bị suy thận và được lọc máu không?

-          Bạn có đang hoặc đã từng chích ma túy trong quá khứ dù chỉ một lần duy nhất không?

-          Bạn có chia xẻ mẩu thuốc hít cocain không?

-          Bạn có được ghép các cơ quan nội tạng không?

-          Bạn có phải là con của những người mẹ bị nhiễm siêu vi C không?

-          Bạn có quan hệ tình dục với nhiều người mà không dùng biện pháp bảo vệ không?

-          Nếu bạn là người sống chung hoặc là vợ hay chồng của người bị nhiễm siêu vi C, bạn có dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kềm cắt móng tay chung với họ không?

-          Bạn có đi xâm mình, xỏ lỗ tai, châm cứu… ở những nơi mà điều kiện vô trùng kém không?

Đã có thuốc để điều trị bệnh viêm gan siêu vi C chưa?

  • Loại thuốc đầu tiên đươc Hiệp Hội Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (viết tắt là FDA - Food and DrugAdministration) công nhận có tác dụng trong điều trị bệnh viêm gan siêu vi C là Interferon. Thật ra interferon là một chất tự nhiên do cơ thể tiết ra để chống lại siêu vi xâm nhập. Đôi khi cơ thể không tạo đủ interferon để loại trừ siêu vi nên cần cho thêm thuốc interferon vào để giúp cơ thể có nhiều cơ hội chiến thắng bệnh tật. Thuốc này ban đầu được dùng một mình và tỷ lệ thành công chỉ vào khoảng 15-20%  trong số bệnh nhân được điều trị.

Đến năm 1998, nhiều thử nghiệm đã chứng minh rằng việc phối hợp interferon với một loại thuốc dạng viên khác có tên là Ribavirine (ribazole) đã nâng tỷ lệ thành công điều trị  lên gấp đôi (khoảng 40%).

Khi gắn kết interferon với một hay nhiều chuỗi PolyEthylene Glycol (PEG) người ta tạo được một loại interferon có tác dụng dài (PEGASYS). Thuốc chỉ cần chích một lần mỗi tuần thay vì phải chích 3 lần mỗi tuần như interferon thông thường. Khi dùng phối hợp với Ribavirine, tỷ lệ thành công đã tăng lên 60% - 80% tùy theo kiểu gien của siêu vi mà chúng ta đang nhiễm.

Người bị nhiễm siêu vi C cần sinh hoạt kiêng cữ ra sao?

  • Có đến 85% số người bị nhiễm siêu vi C sẽ diễn tiến sang viêm gan siêu vi C mạn tính. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ tiến triển của bệnh, trong đó chế độ ăn uống có một vai trò quan trọng vì tất cả thức ăn và nước uống đều được chuyển hóa ở gan.

Rượu và viêm gan siêu vi C

  • Rượu, bia là chất độc cho gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu những người bị nhiễm siêu vi C uống rượu sẽ làm cho siêu vi C phát triển nhanh chóng, gan hư hại nhiều hơn và xơ hóa nhanh hơn. Vì thế bệnh nhân sẽ giảm tuổi thọ nhiều hơn và nhanh hơn so với người cũng bị nhiễm siêu vi C mà không uống rượu. Nếu có uống rượu, không được quá một ly nhỏ mỗi ngày. Tốt hơn hết là nên tránh hoàn toàn rượu, bia.

Viêm gan siêu vi C và chất sắt

  • Trong cơ thể gan là cơ quan chứa nhiều chất sắt. Gan của người bị nhiễm siêu vi C có khuynh hướng giữ chất sắt nhiều hơn và điều này sẽ làm gan bị hư hại. Nếu thử máu phát hiện chất sắt bị dư thì cần phải hạn chế những thức ăn giàu chất sắt như các loại thịt có màu đỏ, gan động vật, những ngũ cốc giàu chất sắt, các loại vitamine có chứa chất sắt. Nên tránh dùng nồi niêu bằng sắt hoặc lót với chất sắt để nấu ăn. Việc chất sắt tăng cao cũng làm cho việc điều trị bằng interferon kém hiệu quả. Do vậy, đôi khi các bác sĩ có thể đề nghị rút bớt máu bỏ đi để làm giảm chất sắt.

Chất mỡ

  • Những người thừa cân, béo phì có thể làm gan bị nhiễm mỡ và gan có thể bị viêm do chất mỡ. Do vậy bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C được khuyên là nên duy trì cân nặng trung bình. Cần áp dụng chế độ ăn giảm mỡ, giảm cân nặng cho bệnh nhân bị thừa cân, béo phì.

Chất đạm

  • Người bị nhiễm siêu vi C cần ăn uống đầy đủ chất đạm mỗi ngày để giúp tế bào gan tăng trưởng và hồi phục.

Chất muối

  • Gan khi bị xơ có thể dẫn đến tình trạng nước bị ứ lại trong ổ bụng gọi là báng bụng. Những bệnh nhân này thường phải hạn chế lượng muối ăn vào. Những loại thịt có màu đỏ thường có hàm lượng muối cao vì vậy nên giảm ăn thịt và nên thay bằng đạm thực vật. Ngay cả những người bị nhiễm siêu vi C mà không bị báng bụng cũng được khuyên không nên ăn nhiều muối.

Hút thuốc lá

  • Hút thuốc lá làm gia tăng khả năng xơ gan ở bệnh nhân 

\hiễm siêu vi C.

Thuốc men

  • Cần thận trọng khi dùng bất cứ loại thuốc nào vì thuốc cũng được chuyển hóa ở gan. Đọc kỹ những tờ giấy hướng dẫn cách dùng thuốc và nếu có thắc mắc nên hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ.

Có hay không có thức ăn và cỏ cây chữa bệnh viêm gan siêu vi?

  • Người mình thường quan niệm ăn gì bổ nấy. “An gan bổ gan, ăn óc bổ óc”. Tiếc thay câu nói này lại không được đúng cho lắm. Ăn nhiều gan có thể làm gan hư hại nhanh hơn. Dân gian còn có khuynh hướng phân biệt thực phẩm thành thức ăn “nóng” và thức ăn “mát”. Khi bị “nóng gan” dùng thức ăn “mát” sẽ giúp gan bớt bệnh hơn. Điển hình cho loại thực phẩm mang tính “mát” có rất nhiều loại cây cỏ như Atisô, trà khổ qua, nấm Linh Chi... Một số dược thảo hiện đang được dùng rộng rãi trong điều trị viêm gan: cây chó đẻ răng cưa (phylantus amarus), cây kế (silymarin), tỏi, rễ cam thảo (chứa Glycyrrhizine), chất BDD (chất tổng hợp tương tự như Schisandrin C của cây Ngũ vị tử)…

Ngoài những loại thuốc trên, người ta còn đề cập đến nhiều loại cây, cỏ, củ, hạt với nhiều tên khác nhau. Từ sâm cao ly, cao hổ cốt, mật gấu, nấm Shitake, viên nghệ, trái nhầu... đến sụn cá mập, dầu cá thượng đẳng. Và như thế mỗi năm chúng ta đã chi một số tiền không nhỏ cho các loại thuốc thiên nhiên này. Có lẽ tất cả những chất trên đều có khả năng bồi bổ cơ thể, giải độc tố hoặc tăng cường hoạt động lục phủ ngũ tạng. Tuy nhiên những chất này có công hiệu đủ để chữa bệnh viêm gan hay không thì cần được chứng minh rõ ràng hơn.

Tóm lại, viêm gan siêu vi C là một căn bệnh thầm lặng và rất nguy hiểm. Việc khám sức khỏe tìm ra bệnh là rất cần thiết để phát hiện bệnh sớm. Bên cạnh đó, khả năng điều trị bệnh thành công ngày càng cao. Người nhiễm siêu vi C cần chú ý đến chế độ ăn để bảo vệ lá gan của mình và góp phần tích cực trong quá trình điều trị. Các loại thuốc dân gian đều có tác dụng đối với cơ thể nhưng tác dụng tới đâu, như thế nào trong điều trị bệnh viêm gan thì cần phải được chứng minh rõ ràng hơn.

ThS.BS Đinh Dạ Lý Hương

Trường Đại học Y dược TP.HCM-medinet