Chăm sóc răng miệng khẩn cấp cho bé




H: Tôi nên làm gì khi răng sữa của con tôi bị rớt ra ngoài?
TL: Liên hệ nha sĩ trẻ em càng sớm càng tốt.

H: Tôi nên làm gì khi răng vĩnh viễn của con tôi bị rớt ra ngoài?
TL: Tìm chiếc răng và rửa sạch nhẹ nhàng bằng nước lạnh. (Không chà xát hay rửa bằng xà phòng - chỉ dùng nước sạch!) Nếu có thể, đặt chiếc răng vào trong ổ răng và giữ răng ở đó bằng gạc hay vải sạch. Nếu bạn không thể đặt chiếc răng vào trong ổ răng lại thì đặt răng trong hộp sạch; ngâm trong sữa, nước bọt hay nước. Đưa bé đến phòng nha ngay lập tức. Bạn xử trí càng nhanh thì càng có cơ hội cứu được chiếc răng đó.

H: Nếu một chiếc răng bị mẻ hay gãy thì sao?
TL: Liên hệ nha sĩ trẻ em ngay lập tức. Hành động nhanh sẽ cứu được răng, ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm những điều trị phức tạp. Cho súc miệng với nước sạch và đặt một miếng gạc lạnh lên để giảm sưng. Nếu bạn tìm thấy mảnh răng gãy thì mang theo đến nha sĩ.

H: Khi trẻ bị đập mạnh vào đầu hoặc gãy hàm thì sao?
TL: Ngay lập tức đi đến phòng cấp cứu của bệnh viện khu vực. Bị đập mạnh vào đầu có thể nguy hiểm đến tính mạng.

H: Nếu con tôi bị đau răng thì sao?
TL: Gọi điện cho nha sĩ trẻ em và đi khám ngay. Để giúp trẻ dễ chịu, cho súc miệng với nước. Đặt lên răng một miếng gạc lạnh hay đá bọc trong vải. Đừng đặt vật nóng hay aspirin lên vùng bị đau.

H: Chấn thương răng có thể ngừa được không?
TL: Hoàn toàn được! Đầu tiên, giảm chấn thương răng miệng khi chơi thể thao bằng cách mang khí cụ bảo vệ miệng. Thứ hai, luôn luôn cho trẻ nhỏ ngồi trong ghế trẻ em khi đi xe hơi và yêu cầu tất cả mọi người gài dây an toàn trong xe hơi. Thứ ba, dùng các dụng cụ bảo vệ trẻ em trong nhà để ngăn không cho trẻ té ngã, tiếp xúc điện, hay bị nghẹt thở vì nuốt những vật nhỏ. Thứ tư, bảo vệ con bạn không bị đau răng bằng cách đi khám răng định kỳ và chăm sóc phòng ngừa.