Một số bệnh về răng thường gặp ở trẻ em


Tbenh-ve-rang-o-treheo các bác sĩ nha khoa ở TP HCM, các bệnh về răng ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có tỷ lệ bệnh này cao nhất thế giới. Vì vậy, việc cha mẹ tự trang bị những kiến thức cơ bản về chăm sóc răng miệng cho trẻ là rất quan trọng. (Ảnh là một trường hợp viêm lợi do mọc răng sữa. )

Các loại bệnh răng miệng phổ biến ở trẻ:

Viêm lợi

  • Trẻ bị viêm lợi sẽ có những triệu chứng như lợi sưng đỏ, đau, chảy máu, hôi miệng... Có 3 thể viêm thường gặp:

- Viêm lợi do mọc răng.

- Viêm lợi hoại tử lở loét cấp tính: Là một nhiễm trùng cấp tính, thường do stress hay giảm sức đề kháng. Bệnh nhân đau liên tục và dữ dội, hôi miệng, có các sang thương trên lợi. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm và hoại tử sẽ lan rộng đến mào xương ổ, dẫn đến bệnh nha chu, hoại tử, làm xương tiêu nhanh và tụt lợi.

- Viêm lợi do vệ sinh răng miệng kém.

Chấn thương răng

  • Thường gặp ở các bé trai. Nguyên nhân gây chấn thương răng thường là ngã đập mặt xuống đất; đánh lộn, tai nạn giao thông... Tùy mức độ chấn thương, các bác sĩ sẽ có cách xử lý riêng. Đối với trường hợp răng đã rơi ra, nếu có những bước xử lý khẩn cấp, thích hợp thì có thể cắm lại răng. Thời gian răng ở ngoài càng lâu, tiên lượng càng xấu. Do vậy, khi răng bị rớt ra khỏi ổ, cần nhặt lên ngay (cầm lấy phần thân, tránh chạm vào phần chân răng) rồi dùng nước sạch rửa nhẹ. Tốt nhất là đặt răng trở lại vị trí cũ trong xương ổ răng. Nếu không làm được, phải ngâm răng trong sữa tươi tiệt trùng hoặc cho trẻ ngậm trong miệng và đưa đến bệnh viện ngay. Trong trường hợp răng bị chấn thương là răng sữa (gặp ở trẻ 2-5 tuổi), tai nạn có thể sẽ ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn đang phát triển, gây thiểu sản men (thiếu chất men) hoặc làm biến đổi chiều hướng mọc của răng vĩnh viễn.

Biến chứng răng khôn

  • Bác sĩ Hứa Thị Xuân Hòa, Trưởng khoa Phẫu thuật trong miệng Bệnh viện Răng hàm mặt TP HCM, cho biết, mỗi năm khoa tiếp nhận điều trị cho hơn 2.000 ca biến chứng về răng khôn (như răng không đủ chỗ mọc, răng ngang, răng dị dạng, răng mọc ngầm trong xương...).

Biến chứng về răng khôn nếu được phát hiện sớm lúc chân răng mọc chưa hoàn chỉnh (trẻ 14-16 tuổi) thì các bác sĩ có thể nhổ răng nhanh, trẻ ít phải chịu đau, tiên lượng tốt. Ngược lại, bệnh nhân sẽ bị viêm xương hàm, viêm mô tế bào nhiều lần, gây biến dạng gương mặt... Tiến sĩ Phạm Xuân Sáng, người đã làm luận án về răng khôn, cho biết, theo quan điểm hiện đại, người ta nhổ răng khôn rất sớm, từ khi còn là mầm răng (14-16 tuổi). Điều này giúp phòng ngừa nhiều biến chứng mà không ảnh hưởng đến chức năng nhai vì răng khôn nằm trong kẹt, sức nhai không đáng kể.

Để phòng tránh các bệnh về răng, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách chải răng đúng phương pháp, đưa trẻ đi lấy cao răng nếu có và khám răng định kỳ 6 tháng/lần.

Lúc phát hiện trẻ bị sâu răng sữa, cần đưa đi khám và điều trị để không ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn. Nhiều mà mẹ cho rằng việc răng sữa bị sâu không có gì đáng lo cả vì sẽ có răng vĩnh viễn mọc thay thế. Họ không nhắc nhở con vệ sinh răng miệng cho đến khi trẻ đã bị sâu gần hết hai hàm răng sữa. Những chiếc răng bị sâu đến tủy hoặc phải nhổ đều ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này.

Với những trường hợp trẻ có răng sâu đến tủy, các bác sĩ thường đề nghị chữa tủy để giữ lại răng với mục đích dành chỗ cho răng vĩnh viễn mọc; nhưng không ít phụ huynh lại đòi nhổ. Họ không biết rằng từ 6-7 tuổi, trẻ mới bắt đầu thay răng và trong lúc đợi răng vĩnh viễn mọc, phải tạo khoảng trống để giữ chỗ. Nếu nhổ răng sữa sớm, khoảng trống cho răng vĩnh viễn sẽ không còn, dẫn tới tình trạng răng vĩnh viễn bị xô lệch sau này. Hơn nữa, việc nhổ răng sữa sớm còn làm nướu dày hơn, cản trở quá trình mọc răng vĩnh viễn.

Chiếc răng cối đầu tiên (răng số 6) là răng vĩnh viễn, mọc khi trẻ được 6 tuổi. Do răng này mọc sớm nên nhiều bà mẹ tưởng đây là răng sữa và chủ quan trong việc vệ sinh răng, không đưa trẻ đi điều trị sớm khi răng chớm sâu. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng vì răng số 6 là răng chủ lực trong việc ăn nhai, lại có tác dụng hướng dẫn cho các răng cối khác mọc đúng vị trí.

(Theo Người Lao Động)