Răng hỗn hợp
(TNTS) Răng hỗn hợp là giai đoạn thay dần các răng sữa bằng răng vĩnh viễn ở trẻ từ 6 đến 11 tuổi. Trong giai đoạn này, trên cung răng của trẻ sẽ tồn tại cả răng sữa và răng vĩnh viễn mới mọc. Dưới đây là những điều cần lưu ý về vai trò của bộ răng sữa, những diễn biến trong quá trình thay răng của trẻ, và những quan tâm cần thiết để giúp trẻ có được bộ răng vĩnh viễn hoàn hảo về sau.
Đừng tưởng răng sữa không quan trọng
- Khoảng thời gian này kéo dài từ 5-6 năm, diễn ra khá nhiều sự thay đổi ở bộ răng của trẻ. Thường các bà mẹ có những thắc mắc về vai trò của bộ răng sữa, cũng như sự ảnh hưởng thẩm mỹ của nụ cười và khuôn mặt khi trẻ thay thế dần các răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Bộ răng sữa không chỉ đem lại nụ cười và thẩm mỹ cho khuôn mặt trẻ, mà còn giúp trẻ thực hiện việc nhai và nghiền nát thức ăn, tham gia tích cực vào bộ máy tiêu hóa. Vì thế, bộ răng sữa nếu được duy trì tốt sẽ giúp trẻ có bộ máy nhai khỏe khoắn, đảm bảo việc tiêu hóa thức ăn. Ngược lại, nếu trẻ nhai kém do sâu răng hoặc mất sớm răng sữa, sẽ dẫn đến việc trẻ biếng ăn và có thể gây suy dinh dưỡng. Tuy là hệ răng sẽ được thay thế, nhưng khi tồn tại, răng sữa có vai trò quan trọng trong việc kích thích sự tăng trưởng của xương hàm giúp phát triển chiều cao cung răng, xương hàm giúp các răng vĩnh viễn sau này mọc lên đúng vị trí. Trong những trường hợp mất răng sữa sớm, có thể dẫn đến việc mọc răng vĩnh viễn không đúng thời điểm, hoặc răng mọc lên sẽ bị xô lệch, chen chúc do thiếu chỗ. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp của những lệch lạc về răng. Vì tất cả những lý do trên, bộ răng sữa đóng một vai trò quan trọng trong tuổi ấu thơ của trẻ, cần được quan tâm và chăm sóc như bộ răng vĩnh viễn ở người trưởng thành.
Khe hở răng
- Nhiều bậc phụ huynh thường lo lắng khi quan sát thấy những khe hở tự nhiên xuất hiện giữa các răng sữa. Đây chính là những khe hở nguyên thủy, là hiện tượng bình thường trong giai đoạn răng sữa. Ngược lại, những đứa trẻ có các răng sữa mọc khít sát với nhau, hoàn toàn không có khe hở giữa các răng thì sau này cung răng sẽ bị thiếu chỗ khi thay răng vĩnh viễn. Trong thời kỳ đầu của giai đoạn răng hỗn hợp (thường từ 6 - 9 tuổi), các răng cửa giữa và răng cửa bên mọc lên nhưng răng nanh vẫn chưa mọc. Khi đó, thường xuất hiện khe hở giữa hai răng cửa, các răng cửa đang mọc thường trông "xấu xí", sắp xếp không đều đặn và có vẻ hơi "xòe" ra. Tuy nhiên, đây không phải là sự lệch lạc hay chen chúc răng của bé, mà chỉ là một biểu hiện bình thường của các răng cửa trong khi chờ đợi răng nanh mọc xuống. Thường cuối giai đoạn này, khi các răng nanh đã mọc xuống hoàn tất, các răng sẽ tự sắp xếp đều đặn lại mà không cần sự can thiệp của bác sĩ.
Những dấu hiệu về các lệch lạc liên quan đến chỉnh hình răng mặt như hô, móm, răng chen chúc... cũng thường bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này. Nguyên nhân của những bất thường này có thể do di truyền từ gia đình, hoặc do các thói quen xấu như mút tay, cắn bút, thở mũi - miệng... Các thói quen có hại này cần phải được loại bỏ để không gây những tác hại trầm trọng cho sự phát triển răng mặt của trẻ. Đặc biệt, những bất thường về xương khi đã được bác sĩ khám và dự báo có nguy cơ phát triển thành những lệch lạc răng mặt nghiêm trọng nên được tiến hành điều trị càng sớm càng tốt để có thể đạt được kết quả tốt nhất, hạn chế nhổ răng và điều trị với kinh phí tiết kiệm nhất.
Tóm lại, để có một hàm răng khỏe mạnh và một nụ cười xinh tươi khi trưởng thành, trong giai đoạn răng hỗn hợp, trẻ nên được bác sĩ nha khoa theo dõi và can thiệp khi cần để có thể giúp trẻ thay răng đúng trình tự, hướng dẫn các răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí, đồng thời phát hiện sớm những bất thường hoặc những thói quen xấu, từ đó có những can thiệp đúng đắn và kịp thời.
BS Đỗ Quỳnh Như