Chuẩn bị tinh thần của trẻ trước khi đi khám bệnh

be-kham-rangKhi trẻ nghe mẹ nói “đi khám bệnh”, trẻ có vẻ lo lắng và sợ hãi. Câu hỏi trẻ thường đặt ra là :”Bác sĩ có chích con không?”. Có một số phụ huynh đe dọa khi trẻ không chịu ăn :”Mẹ nói bác sĩ chích vô miệng con”, làm cho trẻ càng sợ và cảm thấy tội lỗi khi nghe nói đến bác sĩ.

Trẻ sợ điều gì khi đi khám bệnh?

  • Những điều làm cho trẻ lo lắng khi gặp bác sĩ gồm có:

Đau đớn. Trẻ có thể lo lắng vì thủ thuật y khoa gây đau đớn, nhất là bị tiêm chích ở trẻ từ 6 đến 12 tuổi.

Bác sĩ. Một số trẻ sợ phong cách của bác sĩ. Khi bác sĩ khám nhanh quá hoặc không tiếp xúc với trẻ, thì trẻ có thể hiểu lầm là bác sĩ lạnh lùng, không quan tâm đến trẻ.

Điều không biết. Trẻ không hiểu lý do cần làm xét nghiệm, phẫu thuật hoặc nằm viện, trẻ cũng sợ chết khi lâm bệnh.

Ngoài ra, trẻ có thể mang mặc cảm tội lỗi: trẻ nghĩ rằng bệnh tật là hình phạt vì trẻ đã làm điều xấu và những thủ thuật gây đau đớn cũng giống như trẻ bị cha mẹ đánh đòn.

Đối với trẻ vị thành niên có những rối loạn hành vi(bỏ học, nghiện trò chơi điện tử, đồng tính), trẻ ngại gặp chuyên viên tâm lý vì sợ bị phê phán, chỉ trích, rày la.

Làm thế nào để giúp trẻ đỡ lo lắng?

  • Nếu là dịp khám sức khỏe định kỳ của trẻ lành mạnh, thì cha mẹ giài thích đây là việc kiểm tra để xem trẻ có lớn lên tốt đẹp không và trẻ có thể đặt câu hỏi với bác sĩ về sức khỏe của trẻ.

Nếu khám bệnh để chẩn đoán và điều trị, thì cha mẹ nên giải thích là bác sĩ sẽ xem con bệnh gì và giúp con mau hết bệnh.

Khi trẻ có mặc cảm tội lỗi thì cha mẹ nên trấn an trẻ:”Bệnh này không do lỗi của con. Các bạn khác cũng mắc bệnh như thế. Chúng ta may mắn có bác sĩ để tìm nguyên nhân bệnh và giúp con khỏe hơn”.

Nếu cha mẹ cũng có bệnh giống trẻ, thì hãy giải thích cho trẻ biết để trẻ đỡ mặc cảm là do lỗi của trẻ.

Trong trường hợp tai nạn xảy ra do trẻ không tuân thủ luật an toàn, thì cha mẹ vẫn có thể trấn an trẻ:”Con không hiểu sự nguy hiểm nên tai nạn đã xảy ra, bây giờ mẹ tin là con đã hiểu và sẽ không để tai nạn xảy ra nữa”.

Đối với trẻ vị thành niên có rối loạn hành vi, cha mẹ không nên nói dối trẻ về lý do đi khám bệnh, nhưng nên giải thích cho trẻ biết chuyên viên tâm lý giúp cho trẻ sống hạnh phúc hơn chứ không phê phán, chỉ trích trẻ.

BS Phạm Ngọc Thanh-BVNĐ1