Chuyện cái răng

Việc chữa răng tưởng chừng bình thường lại trở thành vấn đề đẩy người đi làm răng hoặc thầy thuốc vào những tình huống bất ngờ.

Đang ăn cơm, đột nhiên anh Nguyễn Xuân Hòa, 36 tuổi, công nhân xây dựng, cảm thấy đau điếng ở chiếc răng hàm bị sâu. Dù đã súc miệng nhưng cơn đau càng dữ dội khiến anh phải nằm vật ra giường, hai bên thái dương bắt đầu giật giật, phía hàm bên trái nóng bừng đến tận mang tai. Đến khi đau quá không chịu nổi, anh đến phòng nha gần nhà để nhổ bỏ răng sâu. Sau khi thăm khám, nha sĩ cho biết anh bị viêm tủy cấp.

Bệnh lâu ngày không chữa

Với một số người, việc đến phòng nha là quyết định cực kỳ khó khăn vì... xấu hổ hoặc ỷ răng chưa đến nỗi nào. Đến khi quá đau, họ mới chịu đến nha sĩ. Như trường hợp của anh Hòa, khi khám, nha sĩ phát hiện ngoài chiếc răng bị sâu, anh đã mất đến ba chiếc răng hàm. Chỗ ba chiếc răng hàm bị mất còn nhấp nhô một phần chân răng đã bị vôi hóa.

Khi nha sĩ hỏi: "Anh bị đau răng lâu chưa?", anh Hòa gãi đầu: "Mấy lần trước bị đau răng, tôi thường dùng thuốc giảm đau. Dần dần chiếc răng sâu tự bể. Nhưng sau đó tôi phát hiện chiếc khác bị sâu và đau. Nghĩ răng tự bể nên khỏi cần đến bác sĩ nhổ, nhưng lần này đau quá phải đi khám".

Hãy chăm sóc răng miệng đúng cách để có hàm răng chắc khỏe và đẹp

Nha sĩ kê toa thuốc giảm đau cho anh Hòa và hẹn ngày đến lấy tủy răng. Nghe vậy, anh giãy nảy: "Tôi không lấy tủy đâu. Nghe nói lấy tủy rất nguy hiểm".

Nha sĩ giải thích: "Răng của anh đã bị sâu đến tận tủy nên phải lấy tủy, sau đó trám lại và vì răng vỡ lớn nên sẽ bọc mão để không bị vỡ nữa. Đây là giải pháp để giữ chiếc răng hàm dưới còn lại và khớp nhai của anh. Trong nhiều trường hợp, mất răng hàm sẽ ảnh hưởng đến khớp cắn và nhai, không tốt cho hệ tiêu hóa".

Theo TS-BS Nguyễn Thị Hồng, giảng viên khoa Răng Hàm Mặt, đại học Y dược TP.HCM, trường hợp của anh Hòa ban đầu chỉ sâu lớp men răng, sau đó chỗ sâu lớn dần, ảnh hưởng đến tủy nhưng do không chữa làm vỡ thân răng, dẫn đến mất răng và lây lan sang răng khác. Nhiều người gặp trường hợp tương tự, chỉ đến khi đau chịu không nổi, họ mới tìm đến nha sĩ. Lúc này, việc bảo tồn răng sâu nhiều khi rất khó.

Thực tế, trong một số trường hợp đau răng do viêm tủy mạn tính, bệnh nhân chỉ đau khi có kích thích như thức ăn lọt vào răng sâu, uống nước nóng hoặc viêm tủy cấp tính gây đau dữ dội, liên tục, nhất là vào ban đêm. Người bệnh thường dùng thuốc giảm đau và quên mất chiếc răng sâu. Trong khi đó tủy chết dần và khi tủy chết hẳn, cảm giác đau không còn nữa. Theo nha sĩ, khi răng đã tổn thương tủy, họ cần lấy tủy để tránh các biến chứng.

Ngược lại với những người sợ lấy tủy, có người nằng nặc đòi lấy tủy vì: "Em nghe nói lấy tủy xong sẽ giữ được răng thêm thời gian dài".

Trường hợp sâu răng nông, chưa đến lớp tủy, không cần lấy tủy. Lý do là sau khi lấy tủy, răng sẽ đổi màu, giòn và dễ vỡ. Ngoài ra, việc lấy tủy cần phải được nha sĩ thực hiện khám lâm sàng và tiến hành chụp phim kiểm tra.

TS-BS Hồng cho biết, khu điều trị của khoa cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến điều trị răng sau khi đi lấy tủy ở các phòng nha và bị sót tủy. Về nhà, bệnh nhân bị đau hay có dấu hiệu nhiễm trùng. Khi đến bệnh viện, họ phải được điều trị nội nha để lấy sạch tủy và tiến hành trám răng. Do đó lời khuyên cho những người bị sâu răng, phải tiến hành lấy tủy là cần đến các cơ sở nha khoa có uy tín để điều trị.

Những nguy cơ từ răng giả

Với những người trồng răng giả, sau một thời gian sử dụng thấy mọi thứ đều trơn tru nên không đi khám định kỳ. Nhiều trường hợp, răng giả có thể gây rắc rối lớn nếu không phát hiện sớm. Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu, chủ cửa hàng tạp hóa ở Q. Bình Thạnh, TP. HCM là một ví dụ. Tuần trước, chị phải đến bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. HCM vì khối u to bằng hòn bi trước miệng.

Chị Châu tâm sự: "Cách đây bốn năm, tôi đi xem thầy. Thầy nói tôi có bốn chiếc răng cửa mọc chìa ra ngoài gây hở mồm nên tiền ra hết, phải đi làm răng lại. Sau đó, tôi nhổ phăng bốn chiếc răng và trồng lại răng giả cho hàm có trật tự".

Sau nhiều năm sử dụng, chị thấy răng giả vẫn bình thường. Thế nhưng cách đây bốn tháng, chị thấy hàm trên hơi cộm cộm và đau khi ăn. Nghĩ là do sưng nướu, chị mua thuốc uống nhưng không hết. Khi đến nha sĩ khám và tháo răng giả ra, chị mới biết mình có một khối u.

Tại bệnh viện Răng Hàm Mặt, chị được bác sĩ chẩn đoán có u nướu do nhiễm trùng răng giả. Theo bác sĩ Hứa Thị Xuân Hòa, Phó giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt, TP.HCM, những người trồng răng giả rất dễ bị u nướu. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn do sâu răng, chấn thương khớp cắn. Trường hợp của chị Châu, do khối u nhỏ và phát hiện sớm nên bác sĩ sẽ cắt bỏ.

Theo bác sĩ Hòa, những trường hợp trồng răng giả, sau một thời gian sử dụng, răng bị lỏng lẻo, không còn bám chặt xương hàm. Khi ăn hoặc nhau, răng làm chấn thương các vùng mô mềm như nướu, niêm mạc môi, má... tạo điều kiện cho khối u phát triển. Do vậy, đối với những người dùng răng giả, nếu có dấu hiệu đau, sưng hoặc loét, cần đến bác sĩ khám và có hướng xử lý kịp thời.

Bệnh do thầy thuốc

Bên cạnh đó, nhiều người rất hăng hái trong việc chăm sóc răng miệng nhưng lại rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Như chị Nguyễn Huỳnh Ngọc Trân, 26 tuổi, nhân viên tiếp tân, nhà ở Q.Bình Tân, TP.HCM, vừa trải qua bảy ngày đau nhức vì tẩy trắng răng.

Chị kể: "Do tính chất công việc nên tôi luôn muốn mình có nụ cười đẹp. Tôi đến trung tâm nha khoa trên đường đi làm để yêu cầu lấy vôi răng và tẩy trắng răng kỹ thuật cao trong vòng một giờ. Nhưng sau một tuần đặt thuốc, hàm răng tê buốt nhưng chẳng trắng hơn được bao nhiêu mà mất 2,5 triệu đồng"

Theo các nha sĩ, để răng bớt vàng, nhiều phòng khám nha khoa áp dụng các phương pháp như tẩy bằng thuốc, tia laser, đèn Plasma, đèn LED, đèn Zoom có kết quả cao mà không làm hư răng, không gây độc cho cơ thể.

Tuy nhiên, việc tẩy trắng răng trong vòng một giờ có kết quả khác nhau tùy màu răng mỗi người, tùy theo mức độ và nguyên nhân. Việc tê buốt hàm sau khi lấy vôi răng và tẩy trắng có thể do lộ phần chân răng sau khi lấy sạch vôi đã bám ở nơi đó, hoặc có thể do nha sĩ can thiệp mạnh đến răng, nướu, làm tổn thương khoảng sinh học giữa răng và mô bám. Nha sĩ nên tư vấn cho bệnh nhân biết về khả năng có thể bị đau sau khi lấy vôi, tẩy trắng răng và cho thuốc giảm đau nếu cần thiết.

Trước khi quyết định làm gì cho răng, bạn cần suy xét và lựa chọn phòng nha có uy tín. Các vấn đề liên quan đến điều trị nội nha phải do chính nha sĩ thực hiện, tránh để các phụ tá nha khoa yếu tay nghề thực hiện. Thực tế, nhiều cơ sở nha khoa do thiếu nha sĩ đã để các phụ tá thực hiện việc nhổ răng, tẩy trắng, lấy tủy... Trong khi những công việc này đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm lâu năm.

Nếu răng bạn vẫn chắc khỏe, không nên nhổ để trồng răng giả với hy vọng thay đổi tướng số hoặc lạm dụng việc tẩy trắng răng.

Bạn cũng nên đi khám răng định kỳ 2 lần/năm để tránh rơi vào tình thế chỉ còn cách bỏ răng chứ không thể bảo tồn.

Mách bạn

Bạn cần lưu ý một số điều sau để sớm phát hiện bất thường và đảm bảo quá trình trị răng đúng hướng.

Đối với lấy tủy răng: Không có hiện tượng sưng đau, có mủ hay cảm giác khó chịu vùng chóp răng sau khi lấy tủy và trám bít ống tủy. Nếu chữa tủy chưa đạt yêu cầu và gây sưng đau, có mủ, bạn nên đến khoa răng hàm mặt bệnh viện để khám kỹ.

Trường hợp trồng răng giả hoặc phục hình răng, khi gặp những dấu hiệu như sưng hoặc chảy máu vùng nướu răng, trụt nướu, khó chịu khi ăn, nhai, có cảm giác răng bị lung lay, bạn nên đến nơi đã làm răng để thăm khám tìm nguyên nhân. Nha sĩ sẽ có giải pháp giúp bạn cải thiện tình hình.

(Theo TTGĐ)