Bảo vệ sức khỏe tim mạch và bệnh răng miệng

tim-mach-rang-miengTừ nhiều năm qua các BS tim mạch nhận thấy là chỉ 50 % các trường hợp đau tim, heart attack, có thể giải thích được bởi những nguyên nhân như cao huyết áp, cholesterol lên cao, hút thuốc lá, mập phì, bệnh tiểu đường, thiếu tập thể dục.

Muốn giải quyết tận gốc vấn đề bệnh tim mạch, nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Mỹ thì Y học đang cố gắng tìm tòi thêm những nguyên nhân còn lại và gần đây hiện tượng viêm, inflammation, được chú ý khá nhiều và có thể đo lường được xét nghiệm đo CRP tức C reactive protein, khá chính xác.
Mỗi khi trong cơ thể có hiện tượng viêm do nhiễm trùng thì sẽ tạo nên nhiều độc tố, toxins, làm cho các thành mạch máu (arterial walls) của các động mạch bị xơ cứng rồi dẫn đến những chứng bệnh tim mạch hay tai biến mạch máu não. Hiện tượng viêm có nhiều nguồn gốc, nói chung là tất cả những trường hợp nhiễm trùng như viêm phổi, viêm thận, viêm khớp và gần đây hiện tượng viêm nướu răng, chân răng (periodontitis) được chú ý tới đúng mức hơn.
Trước đây giới Bác sĩ ít khi quan tâm tới liên hệ giữa các chứng bệnh răng miệng và bệnh tim mạch vì cho rằng thuộc phạm vi và trách nhiệm của ngành Nha Khoa và của người bệnh nhân!
Gần đây có một báo cáo đăng trên tờ báo International Journal of Cardiology so sánh hai nhóm người. Một bên vừa bị một cơn đau tim và một bên chưa hề bị một cơn đau tim và cả hai được làm một cuộc khảo sát toàn diện về sức khỏe tim mạch và răng miệng của hai bên. Kết quả cho thấy rằng những người bị một cơn đau tim thì tình trạng bệnh răng miệng nặng hơn phía không bị bệnh tim.
Hiển nhiên là giữa hai căn bệnh răng miệng và tim mạch có một liên hệ rõ rệt nhưng cơ chế ra sao thì vẫn còn chưa rõ. Tại sao hiện tượng viêm nướu răng lại gây ra bệnh tim mạch và một khi chứng minh được thì khi đó có thể làm giảm tỷ lệ tử vong tim mạch bằng cách chữa trị kỹ lưỡng hơn các chứng bệnh răng miệng!
Sức khỏe răng miệng và bệnh tim mạch..
Bệnh sưng nuớu răng có nhiều trình độ nặng nhẹ khác nhau. Nhẹ thì nướu răng chỉ bị sưng đỏ, hay chảy máu khi đánh răng, hôi miệng. Nặng hơn thì chân răng bị nhiễm độc ăn vào xương và răng phải nhổ. Nguyên nhân chính yếu là hiện tượng các tảng vôi (plaques) đóng vào chân răng rồi làm cho các vi khuẩn sinh sản gây nhiễm độc, tiết ra những độc chất toxins gây tác hại lên các mạch máu trong cơ thể trong đó có những mạch máu nuôi dưỡng quả tim hay não bộ.
Một khảo cứu của Đại Học Minnesota cho thấy là nếu đem chích những độc chất của một loại vi khuẩn trong chân răng cho một con chuột bạch thì có thể gây ra một cơn đau tim hay một cơn tai biến mạch máu não.
Một khảo cứu khác đã chứng minh được hiện tượng viêm nướu răng làm cho các thành mạch máu bị dày, cứng và dẫn đến chứng bệnh sơ cứng động mạch vành (coronary artery disease) hay tai biến mạch máu não (CVA) là hai nguyên nhân tử vong chính ở Mỹ.
Ngay cả những người còn trẻ chưa hề bị đau tim nhưng nếu bị bệnh răng miệng thì cũng có hiện tượng sơ cứng động mạch có thể chứng minh bằng siêu âm (ultrasound).
Một điều đang quan tâm là những độc chất toxins do hiện tượng viêm gây ra có ảnh hưởng toàn diện lên khắp cơ thể và có thể gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính khác như tai biến mạch máu não, tiểu đường, viêm khớp, Alzheimer, hư thận, một vài chứng ung thư. Phụ nữ mang thai mà có bệnh răng miệng cũng dễ bị sinh non hay hư thai. Gần như tất cả những người bị bệnh tiểu đường đều bị bệnh răng miệng và việc chữa trị bệnh không thể đạt kết quả tốt nếu không giải quyết vấn để bệnh răng miệng, nhưng nhiều hãng bảo hiểm Y tế không đài thọ việc chữa trị bệnh răng miệng !
Một báo cáo trong tờ New England Journal of Medicine năm 2007 cho thấy là những người có bệnh sưng nướu răng hay nha chu (periodontitis) mà được chữa trị thật đầy đủ trong vòng 6 tháng thì các thành mạch máu (arterial walls) lành mạnh hơn, mềm hơn chưa kể việc răng miệng tốt tươi.
Chứng bệnh nha chu, gum disease, có thể chữa lành dễ dàng, không tốn kém nếu được làm thật sớm như cạo chân răng thường xuyên và nhất là dùng chỉ đánh răng, dental floss, thường xuyên sau mỗi bữa ăn. Dùng quen dental floss một thời gian thì sẽ trở thành một thói quen gần như không thể không có được sau khi ăn! Nếu để bệnh trở nên nặng, ăn vào chân răng thì việc điều trị rất tốn kém và đôi khi phải nhổ hết cả hàm răng!
Hiện nay theo thống kê của hội American Academy of Periodontology thì trên 30 % người dân Mỹ có bệnh nha chu và tỷ lệ ở người Á đông thì còn cao hơn rất nhiều có khi tới 90 % ở những người hút thuốc lá. Trong khi chờ đợi có thêm những bằng chứng chính xác hơn nữa liên lệ giữa sức khỏe tim mạch và răng miệng thì việc chăm sóc vệ sinh của nướu răng là một việc làm tốt hòng tránh căn bệnh số một ở Mỹ là một cơn đau tim chưa kể tránh được tật hôi miệng!

BS Vũ văn Dzi, MD., Chuyên khoa Nội Thương