NGUỒN MÙI HÔI MIỆNG KHÔNG DO MIỆNG:

A.Thuốc (medications)

Những thuốc dùng có tác dụng làm khô miệng hoặc ảnh hưởng tới những tuyến nước bọt đều có thể gây hôi miệng.

Những thuốc giải dị ứng (anti-histamines), dùng chữa ngứa, chữa dị ứng mũi (Claritin, Benadryl, Chlor-Trimeton, Dimetapp) làm cho mũi và miệng khô.Các thuốc chữa bệnh tâm thần (anxiolytics, antidepressants, antipsychotics) và thuốc chữa cao huyết áp (diuretics) có thể ảnh hưởng ít nhiều tới những tuyến nước bọt.

Theo như nêu trên, 90% chứng bệnh hôi miệng phát xuất từ khoang miệng. 10% còn lại là do những bệnh trong cơ thể gây nên. Các bệnh hệ thống, làm thay đổi chuyển hóa bình thường của cơ thể, tạo ra những chất dễ bay hơi đến các hệ bài tiết hay phổi qua đường máu rồi được thoát ra theo mồ hôi, nước bọt, các dịch tiết hay khí thở... gây ra mùi hôi.

B. Nóng sốt và thiếu nước (fever/dehydration)

Nóng sốt cao và thiếu nước trong cơ thể làm giảm sự tiết nước bọt dẫn đến tình trạng hôi miệng. Cơ thể bị thiếu các sinh tố như sinh tố A, B12, sắt (Iron), kẽm (Zinc) sẽ làm miệng bị khô, nứt nẻ khiến cho những mảnh vụn thức ăn và vi trùng dễ bám vào những chổ nứt nẻ này.

C. Bệnh tiêu hóa (gastrointestinal disorders)

Nếu nói tổng quát thì những tình trạng dẫn tới sự suy yếu (weakening) hoặc ngăn cản (inhibition) việc đóng khép van thực quản-dạ dày như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease), hẹp môn vị (pyloric stenisis) đều dẫn tới nguồn hôi miệng. Ví dụ, người bị bệnh trào ngược dạ dày- thực quản (gastoesophageal reflux disease). Trong trường hợp này, thức ăn trong dạ dày dội ngược lên thực quản, vì van đóng giữa thực quản và dạ dày bị yếu, khiến có thể gây hôi miệng. Nếu van đóng bị yếu, thức ăn ợ lên và các mùi hôi chua trong bộ tiêu hóa dội ngược lên thực quản, rồi theo miệng thoát ra ngoài.

Gần đây, một giả thuyết khác được đưa ra cho chúng ta thấy sự liên hệ giữa bệnh hôi miệng và vi trùng Helicobacter pylori trong dạ dày- một tình trạng nhiễm trùng gây nên bệnh loét bao tử và ung thư dạ dày. Dựa trên giả thuyết này, người ta thấy khi dùng thuốc metronidazole thì đã làm tan biến mùi hôi trong miệng và cũng đưa tới sự thay đổi lượng vi trùng trong miệng.

D. Bệnh tiểu đường (diabetes)

Sự liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh nha chu đã được xác nhận rõ từ nhiều năm qua. Thường thường ở những người mắc bệnh tiểu đường, hệ thống mạch máu bị tắc nghẽn do xơ cứng nên việc lưu chuyển các chất dinh dưỡng, oxy và các hồng cầu đến những bộ phận quan trọng như tim, não, gan mật và thận cũng bị ảnh hưởng. Cũng vì hệ thống mạch máu bị hẹp, việc máu lưu thông đến những mô nha chu cũng bị giảm đi, khiến nướu và xương ổ răng bị hư hại nhanh hơn bình thường. Nhiều dữ kiện cho chúng ta thấy bệnh nha chu sẽ tiến triển nặng hơn nếu người đó bị mắc bệnh tiểu đường. Thêm nữa, theo kinh nghiệm quan sát, người bị bệnh tiểu đường thường hay có nhiều những áp xe xuất hiện chung quanh vùng nướu mà không có một lý do gì chính đáng. Khi nhận ra những dấu chứng này trong lúc khám răng, nha sĩ nên gửi người bệnh tới một bác sĩ y khoa để thử lượng đường trong máu.

E. Nhiễm trùng đường hô hấp (respiratory tract infections)

Ung thư phổi, lao phổi (tuberculosis), viêm phổi (pneumonia) hoặc viêm mù màng phổi (empyema) đều xuất hiện triệu chứng hôi miệng. Đây là điểm quan trọng cho BS trong phần chẩn đoán để nhận ra bệnh sớm và chữa trị kịp thời.

F. Bệnh liên quan tới tai, mũi, họng (ear, nose, throat disorders)

Các bệnh viêm mũi, nhiễm trùng các xoang quanh mũi hay bướu trong mũi hoặc ung thư cổ họng (pharyngeal cancer) đều có thể gây hôi miệng vì người bệnh có thể không thở được qua đường mũi mà phải thở bằng miệng.

G. Bệnh suy thận (renal failure)

H. Bệnh xơ gan (cirrhosis)

I. Nhiễm trùng nấm (fungal infection)

Nấm Cadida mọc trong miệng cũng gây hôi miệng. Nấm Cadida là một loại nấm gây bệnh hay mọc ở những chỗ ẩm ướt trong cơ thể. Trường hợp này thường thấy ở những người mắc những bệnh làm giảm sức kháng cự của cơ thể như bệnh AIDs, các bệnh ung thư, tiểu đường v.v... Những người bị nhiễm trùng nấm Candida thường thở ra mùi ngọt trái cây (sweet, fruit odor). Trong trường hợp này, những thuốc kháng trị nấm như chlortrimazole hoặc nystatin có thể dùng để giảm bệnh và chữa trị tình trạng hôi miệng.

K. Hôi miệng tưởng tượng (imaginary halitosis)

Trong trường hợp hiếm có này, người bệnh nhân có cảm tưởng mình bị hôi miệng trầm trọng đưa tới việc mọi người xa lánh. Sau khi được khám kỹ lưỡng mà vẫn không tìm ra nguyên nhân nào rõ rệt, bác sĩ sẽ bắt đầu nghĩ rằng bạn bị bệnh ảo tưởng hôi miệng. Trong vấn đề này thì người bệnh có thể được gửi tới những vị bác sĩ tâm thần (psychiatrist) để khám nghiệm.

III.CHẨN ĐOÁN:

Trước kia, để biết mình có hơi thở hôi hay không, thì chúng ta thử nghiệm bằng cách liếm trên cổ tay hoặc luồn sợi chỉ nha khoa qua răng rồi đem lên mũi ngửi để tự xét đoán. Cách này không được chính xác mấy ngoại trừ chính mình tự giác và chấp nhận rằng mình có bệnh. Cách khác là nhờ người ngoài, bạn bè hoặc những người trong gia đình "âm thầm mách bảo". Cách này tuy hơi kém tế nhị nhưng chỉ có những người thương yêu lo lắng và gần gũi chúng ta nhất mới bạo dạn "nhắc khéo" được.

Trong phần chi tiết nguồn gốc bệnh hôi miệng, phần nhiều lý do gây nên hơi thở hôi đều phát xuất từ trong miệng, chỉ có một phần rất nhỏ phát nguồn từ những căn bệnh trong cơ thể. Bởi thế, khám răng và khoang miệng rất quan trọng. Ung thư hầu họng, sâu răng, hoặc viêm nướu .. là những tình trạng chính đưa tới sự hôi miệng. Những tình trạng khác như răng khôn mọc lệch, kẽ răng thưa, thức ăn bám vướng, hoặc những vết trám xù xì không được đánh bóng cũng là những lý do trực tiếp đưa tới chứng hôi miệng. Riêng những người bệnh nhân phải đeo răng giả tháo lắp thì ta nên gỡ ra hàng ngày nhất là về ban đêm khi ta đi ngủ vì lý do như:

1. Khi ta ngủ thì số lượng nước bọt bị giảm thiếu đi nhiều.

2. Bên trong bộ răng giả là nơi ẩm ướt tạo nên môi trường lý tưởng cho vi trùng và nấm Candida trú ẩn và tăng trưởng.

3. Vòm miệng bị bít kín nên oxygen không được luân chuyển điều hòa.

4. Có thể bị nuốt nghẹn nếu bộ răng giả làm quá nhỏ.

Khổ hơn nữa nếu quý vị nào phải cần chất cồn/keo dán để giữ cho bộ răng mình không bị lung lay hoặc rớt ra thì càng nên tháo ra mỗi ngày.

Khi đi khám răng, chúng ta cũng nên hỏi người nha sĩ của mình xem có bệnh nha chu hay không vì vi trùng thường hay ần náu trong những túi nha chu chung quanh chân răng. Những chất mủ quyện chung với máu tiết ra từ những chân răng bệnh gây nên chứng hôi miệng kinh niên. Các nghiên cứu cho thấy sự quan hệ giữa bệnh viêm nướu , bệnh nha chu và tình trạng hôi miệng. Nếu nha sĩ cho chúng ta biết đang bị bệnh nha chu thì nên chữa trị ngay chứ đừng kéo dài vì căn bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và có thể đưa tới sự rụng răng hoặc nhiểm trùng lan qua những vùng khác. Nha sĩ có thể chữa trị bệnh nha chu cho bạn hoặc gửi tới những nha sĩ chuyên khoa về Nha chu (Periodontist) trong những trưởng hợp phức tạp

Về phần khô miệng, chúng ta hiểu bệnh khô miệng có thể do tuổi tác, do nhiều bệnh khác hoặc do dùng thuốc đưa tới sự giảm thiểu lượng và chất của nước bọt. Chúng ta cũng nên để ý hơn các dấu hiệu và triệu chứng khô miệng bao gồm sự giảm vị giác (decrease of taste sensation), khó nuốt (difficulty in swallowing), viêm niêm mạc miệng (inflamed oral mucosa), và sâu răng lan tỏa (rampant caries) đặc biệt chung quanh phần cổ răng (cervical tooth margins).

Trong phần chẩn bệnh, chúng ta cũng nên cho bác sĩ biết bệnh hôi miệng của mình bắt đầu từ lúc nào, thường trực (constant) hoặc bất thường lúc có lúc không (intermittent). Đồng thời, chúng ta cũng nên cho biết thói quen ăn uống của mình, có hút thuốc lá không, có dùng thuốc tây, ta chữa bệnh, và liệt kê các tật bệnh đã hoặc đang chữa trị. Cách tốt nhất là chúng ta nên ghi vào mảnh giấy và mang theo mỗi khi đi khám bệnh tất cả căn bệnh mình đang có và các loại thuốc đang dùng ở nhà, dose thuốc, cách thức dùng mỗi ngày. Đây cũng là thói quen tốt nên thực hiện và vô cùng hữu dụng khi gặp những trường hợp khẩn cấp.

Hiện tại trên thị trường có bán 2 loại máy dùng để chuẩn đoán mùi hôi là máy PerioTemp và máy Halimeter. Tuy không được chính xác 100%, máy PerioTemp được dùng để đo nhiệt độ trong hốc miệng. Nhiệt độ tăng là một biểu hiện tình trạng bị viêm. So với nhiệt độ bình thường trong cơ thể, khi nhiệt độ lên cao thì có nghĩa là sự tăng trưởng của vi trùng và sự phá hủy các mô và tế bào trong người cũng tăng . Máy Halimeter là dụng cụ đo lường chất khí sulfur khi ta thở ra. Ống máy thu hút hơi thở của chúng ta và đo lường chất hydrogen sulfide và chất methylmercaptan trong hơi khí. Khi số lượng đo 150 parts per million (ppm) hoặc cao hơn thì ta biết chắc chắn người đó mắc chứng hôi miệng và cần chữa trị.

IV.ĐIỀU TRỊ

Trong ngành Y, việc chữa trị cũng tùy thuộc vào nguyên nhân ta tìm ra. Sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng và tìm được nguyên nhân rồi, thì việc điều trị mới có hiệu quả. Có rất nhiều yếu tố gây ra hôi miệng. Theo như trình bày ở trên, 90% lý do hôi miệng phát nguồn từ khoang miệng, răng và lưỡi. Trong trường hợp này thì vệ sinh răng miệng là cách chữa chính. Chúng ta nên đánh răng ngay sau khi ăn, đồng thời làm sạch các kẽ răng bằng cách dùng chỉ nha khoa (dental floss) ít nhất ngày 2 lần: Chúng ta nên tập đánh hoặc nạo mặt lưỡi, vì lưỡi cũng là chỗ thức ăn hay bám vào nhiều. Chải răng, lưỡi thật kỹ trước khi đi ngủ ban đêm và vào buổi sáng thức dậy cũng làm chứng hôi miệng giảm đi. Ta cũng nên dành ít thời giờ đi khám răng ít nhất một năm 2 lần để cạo vôi răng. Đây cũng là điểm thuận tiện để ta biết có bị sâu răng hoặc bị viêm nướu, viêm nha chu . Nếu có túi nha chu, nha sĩ sẽ nạo chân răng (root planing) hoặc gửi ta đi tới những nha sĩ chuyên khoa về Nha chu để chữa trị. Nếu chúng ta không còn răng mà phải đeo răng giả tháo lắp, thì cách vệ sinh cũng cần phải áp dụng mỗi ngày. Theo như đã trình bày ở trên, bộ răng giả của chúng ta làm bằng chất nhựa tạo nên cơ hội thuận tiện cho thức ăn và vi trùng bám vào tạo nên mùi hôi. Vì thế, chúng ta không nên đeo bộ răng giả trong nhiều giờ nhất là khi đi ngủ. Chúng ta cũng nên chải rửa sạch trong ngoài và ngâm bộ răng giả trong nước hoặc chất sát trùng (Efferdent, Polident, etc.) mỗi đêm. Trong miệng thì chúng ta nên dùng bàn chải thật mềm hoặc khăn bông nhỏ để lau chà vòm nướu.

Hiện nay chưa xác định được là nước súc miệng nào tốt và hữu hiệu nhất vì chúng chỉ đơn thuần che dấu tạm thời mùi hôi miệng từ 30 phút tới 3 tiếng là cùng. Cho nên, bệnh nhân nên thử sản phẩm ít nhất 2, 3 tuần trước khi thử loại khác, cho đến khi tìm thấy loại nào có hiệu quả cao và vừa ý mình. Có nhiều loại nước súc miệng với các thành phần khác nhau: có tính sát khuẩn như cetylpyridium chloride, benzethonium chloride, chlorhexidine, triclosan; các chất oxyt hóa như chlorine dioxide. Điểm quan trọng là tất cả nước súc miệng đều chứa chất cồn (alcohol) có thể làm miệng bị khô, lở loét và đưa tới tình trạng nặng hơn. Những tác hại khác trong việc dùng thuốc nước như sự thay đổi màu răng, lưỡi nâu (i.e. Peridex stain) hoặc làm thay đổi vị giác (altered taste sensation).

Về chứng khô miệng, hiện tại có nhiều dược phẩm có thể dùng để kích thích tuyến nước bọt hoặc các chất thay thế nước bọt (salivary substitutes) giúp cho người bệnh được thoải mái. Điều tiên quyết là ta nên uống nhiều nước và hạn chế những thức uống có chất caffeine như cà phê, nước ngọt v.v... Nếu phải dùng thuốc để chữa trị những bệnh khác trong cơ thể (huyết áp cao, tâm thần, nghẹt mũi) trong thời gian lâu ngày, thì ta có thể dùng nước bọt nhân tạo (như Xero-Lube, Salivart) để tránh tình trạng miệng bị khô . Một phương thức phổ biến là đề nghị dùng thực vật giàu chất xơ , nhai kẹo dẻo không đường hoặc kẹo cao su (sugarless chewing gum). Đây là phương pháp tự nhiên kích thích tuyến nước bọt và làm tăng cử động lưỡi giúp loại bỏ mảng bám lưỡi, do đó làm giảm mùi hôi.

V.KẾT LUẬN

Trong nhiều trường hợp, hôi miệng là do sự kết hợp của nhiều bệnh lý và điều trị hiệu quả bằng cách kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Sau khi đọc bài trên, chúng ta biết xoang miệng,răng, mặt lưỡi ...là nguồn gốc chính đưa tới tình trạng hôi miệng. Vì thế, cần để ý thêm những nguồn gốc khác đưa tới tình trạng hôi miệng. Quan trọng hơn hết, nha sĩ còn có trách nhiệm hướng dẫn cho bệnh nhân của mình cách gìn giữ và bảo tồn răng. Nếu bệnh hôi miệng vẫn tiếp tục, bệnh nhân nên được gửi đi tới những bác sĩ chuyên khoa để tìm ra những nguyên nhân khác trong cơ thể.

(N-K-V-H)