Đau răng do loạn fluor
90% dân số VN có vấn đề về răng miệng. Một trong những nguyên nhân khiến men răng hỏng có liên quan nhiều đến chất fluor có trong nguồn nước dùng hằng ngày chưa đạt tiêu chuẩn.
1.Fluor nơi quá thấp, nơi quá cao
- Theo TS Trần Văn Trường, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt, nồng độ fluor trung bình trong nước của ta quá thấp, chỉ bằng ½ tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là nguyên nhân làm cho men răng của người Việt không tốt. Fluor là chất đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó giúp làm cứng men răng, làm cho răng chắc khỏe hơn.
- Fluor là chất được một số quốc gia bổ sung vào nước sinh hoạt nhằm chống sâu răng. Vào thập niên 40 ở Mỹ đã có những cuộc điều tra và đã kết luận, fluor là chất chống được sâu răng ở liều lượng nhất định. Nếu nồng độ fluor trong nước vượt quá 1,5mg/l sẽ dẫn tới bệnh đốm và giòn răng. Ở nồng độ 1mg/l chống sâu răng là tốt nhất. Nồng độ này giảm cũng dẫn tới gia tăng bệnh răng miệng. Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận: Nếu bổ sung nồng độ fluor vào nước uống cao hơn 0,6mg/l sẽ làm hạn chế những bệnh về răng ở trẻ em và khoảng tối ưu phải có 1mg/l. Ở nghiên cứu khác còn cho thấy nó có thể làm giảm quá trình xơ cứng động mạch của người già, bổ sung canxi cho trẻ nhỏ. Vì lí do đó, trên thế giới có trên 250 triệu người dùng nước sinh hoạt được bổ sung chất fluor. Ở Mỹ trên một nửa dân số dùng nước sinh hoạt cũng được bổ sung chất này.
- Còn theo PGS.TS Lê Văn Cát, nếu thiếu fluor trong nước, vẫn phải bổ sung nhưng phải có giám sát chặt chẽ. Khi tỷ lệ sâu răng của chúng ta cao gần nhất thế giới, tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn lên tới 90% thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc, đưa ra phân bố vùng thừa và thiếu fluor để khuyến cáo cho nhân dân.
- PGS.TS Lê Văn Cát, Viện hóa học Công nghệ Việt Nam cho biết: fluor trong nước uống là hợp chất fluor vô cơ xâm nhập vào cơ thể giúp làm cứng men răng. Từ nhiều năm nay, tận dụng những ưu điểm của fluor mà người ta đã dùng nó để chế ra kem đánh răng với hàm lượng nhỏ hơn 1,5 mg để bảo vệ răng.
Nguồn: Theo báo KH & ĐS