Lạ lùng dòng họ có những cháu trai không mọc răng


be-khong-moc-rang-0"Có phải vì con biếng ăn mà bố mẹ nhổ răng của con không? Từ nay, con sẽ không biếng ăn nữa!", cháu Nguyễn Trọng Nhân đã 6 tuổi nhưng không hề có cái răng nào, luôn khát khao có một hàm răng như bao bạn nhỏ.

Nhiều con trai trong dòng họ mắc bệnh không răng

Cháu trai Nguyễn Trọng Nhân đến nay đã 6 tuổi nhưng không hề có cái răng nào. Người anh họ của bé Nhân là Nguyễn Khắc Thống năm nay 9 tuổi cũng bị mắc căn bệnh này.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (30 tuổi, ở khu phố 2, xã Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM) – mẹ cháu Nhân cho hay, cả hai đứa trẻ đều giống ông ngoại - ông Nguyễn Văn Lợi (57 tuổi, hiện đang đi phụ theo các công trình xây dựng, khi thì Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang...). 57 năm qua, ông sống trong mặc cảm, tủi phận của một người mắc căn bệnh hiếm hoi: không răng.

Đến nay, ông Lợi đã có 5 đứa cháu nội - ngoại. 3 đứa cháu gái thì khỏe mạnh bình thường nhưng hai cháu trai Nhân – Thống thì lại mắc căn bệnh quái ác này.

Được biết, đây là căn bệnh di truyền từ đời này qua đời khác của dòng họ ông Lợi. Hễ là con gái thì không sao nhưng con trai trong dòng họ thì nhiều người mắc phải căn bệnh này. Chú ruột chị Hằng cùng người anh họ (con cô ruột) cũng không có răng.

"Em gái út Nguyễn Thị Lệ Huyền mới sinh cháu trai được gần 1 tháng. Cả gia đình tôi chờ mong cháu lớn từng ngày mà cứ như ngồi trên chảo lửa", chị Hằng nói.

"Mỗi dịp hiếm hoi bố tôi về nhà, việc đầu tiên, ông sẽ gọi Thống - Nhân ra để âu yếm. Lần nào cũng vậy, khi thấy hai đứa cháu lon ton, hớn hở ra đón là ông lại mắng vốn: "Giống ai lại giống ngoại làm chi?", rồi bố tôi lại giàn giụa nước mắt"- chị Hằng chia sẻ.

Vì nghĩ là căn bệnh di truyền nên cả hai chị em chị Hoa, Hằng đều chưa hề đưa hai con đi khám ở bệnh viện.
Lạ lùng dòng họ có những cháu trai không mọc răng

 

be-khong-rang-1

Em Nguyễn Trọng Nhân.

"Vì con biếng ăn nên bố mẹ nhổ răng của con?"

Chăm sóc một đứa trẻ bình thường vốn đã cực nhọc, chăm một đứa trẻ không có răng lại là cả một chặng đường dài vất vả.

Hồi mới sinh ra cho đến 2 tuổi, hai cháu được chăm sóc bình thường. Từ 2-3 tuổi đến nay, tất cả mọi thức ăn như tôm, cua, thịt, rau... đều phải được xé nhuyễn, nấu nhừ; cơm nấu nhão thì các cháu mới ăn được.

Hồi đầu, các cháu cũng cử động hai hàm va vào nhau như là động tác nhai rồi nuốt. Nhưng chỉ sau vài ngày, lợi sẽ bị tưa, rát, cháu lại phải nuốt lửng mọi thứ thức ăn.

Nỗi đau của hai chị nhân lên gấp bội mỗi khi chứng kiến cảnh con mình bị mọi người trêu chọc, gièm pha. "Nhiều người gặp là bắt cháu nhe miệng ra xem rồi cười, Trọng Nhân cũng cười theo. Đến bây giờ, đã thành thói quen, mỗi khi có người lạ, bé lại nhe miệng ra dù người ta chưa biết bệnh tình của bé thế nào", chị Hằng cho hay.

Anh Nguyễn Văn Nhựt, bố Nhân kể: Một lần thấy con nhà hàng xóm thay răng, bé Nhân hỏi bố tại sao con không có răng? "Thế có phải vì con biếng ăn mà bố mẹ nhổ răng của con không? Từ nay, con sẽ không biếng ăn nữa!" - bé nói rồi lập tức chạy đi lấy bát, đũa đòi bố lấy cơm: "Tôi đã chảy nước mắt cả đêm vì thương con".
Lạ lùng dòng họ có những cháu trai không mọc răng

 

be-khong-rang-2

 

Em Nguyễn Khắc Thống.

Không dám về quê chồng vì con không răng

Thống - Nhân đặc biệt rất thích ngồi nhìn cả nhà ăn cơm, nghe tiếng nhai của mọi người. Đi ngoài đường hay xem ti vi, thấy cảnh người ta ăn mía, gặm xương..., hai đứa có thể nhìn cả ngày không chán.

Đã 9 tuổi, là học sinh lớp 3 nên Nguyễn Khắc Thống không còn vô tư như Nhân. Chị Hoa, mẹ Khắc Thống kể: từ năm lớp 2, bé Thống bắt đầu có những biểu hiện buồn bã, hay nhút nhát, rụt rè.

Đi học, bé Thống rất khá Toán nhưng môn tập đọc thì kém vì mỗi lần đọc lại phải để lộ hàm ra. Thống cũng rất ít khi hát, ít tham gia các phong trào của lớp, đặc biệt, em rất ngại ngùng mỗi khi thầy cô giáo bắt lên bảng, nhìn xuống lớp phát biểu. Khách đến nhà chơi, bao giờ Thống cũng chỉ núp sau cánh cửa.

Với chị Hoa, về quê nội là nỗi ngại ngùng lớn. 14 năm lấy chồng, chị chỉ mới về quê chồng ở Quảng Ngãi hai lần: lần thứ nhất là ngày cưới, lần thứ hai cách đây 2 năm.

Hai chị kể: "Đã nhiều lần nghe câu hỏi: "Bao giờ răng con mọc?" nhưng lần nào nghe con hỏi lại, hai chị cũng đau nhói như lần đầu. "Lúc đó, chúng tôi chỉ biết ôm con khóc".

Theo BS Hứa Thị Xuân Hòa, Phó Giám đốc BV Răng hàm mặt TP HCM, trường hợp hai em Trọng Nhân và Khắc Thống rất hiếm gặp ở Việt Nam và cả trên thế giới.

Theo kết quả chụp phim của bệnh viện, cả hai em đều không có hai hệ răng: răng sữa và răng vĩnh viễn.

Cũng theo BS Hòa, các em còn nhỏ nên việc lấy dấu răng khá khó khăn. Hơn nữa, việc đeo răng giả có thể gây cho các em một số khó khăn trong sinh hoạt vì từ trước đến nay, các em chưa đeo răng bao giờ.

Theo Khoa học & Đời sống