Nguy cơ bị điếc do nghe nhạc bằng máy mp3
Do những tiện ích của máy nghe nhạc MP3 như chất lượng âm thanh được cải tiến, kích thước máy nhỏ, gọn dễ mang theo bên người nên giới trẻ ngày nay đang có xu hướng ngày càng sử dụng loại máy này để nghe nhạc nhiều hơn. Điều này khiến các chuyên gia thính lực rất lo ngại do loại dụng cụ này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác người nghe.
Âm nhạc và tiếng ồn là những nguyên nhân gây giảm thính lực do làm tổn thương các tế bào lông chuyển của cơ quan ốc tai, một bộ phận của tai trong có chức năng dẫn truyền sóng âm đến não bộ. Các tế bào này có thể phục hồi sau những tổn thương tạm thời. (Ví dụ sau khi nghe một buổi hòa nhạc Rock bạn bị nghe kém trong một hai hôm, sau đó nghe lại bình thường điều này có nghĩa là các tế bào lông chuyển bị tổn thương tạm thời và đã hồi phục). Nhưng những tiếng ồn lớn (tiếng súng nổ) hoặc vừa tác động lên tai liên tục trong một thời gian dài sẽ làm cho các tế bào lông chuyển bị tổn thương vĩnh viễn khiến thính lực của bạn bị giảm và không hồi phục được. Thực nghiệm cho thấy việc tiếp xúc kéo dài với các loại âm thanh có cường độ trên 90 đề-xi-ben sẽ gây giảm thính lực. Đa số các máy nghe nhạc MP3 hiện nay đều phát ra những sóng âm có cường độ lớn hơn 120 đề-xi-ben! Nguy hiểm hơn, người sử dụng loại dụng cụ này chỉ nhận biết được mình bị giảm thính lực sau một thời gian dài (trên 1 năm) sử dụng máy, khi mà tổn thương các tế bào lông chuyển không thể hồi phục được.
Để khắc phục tác hại giảm thính lực của các loại máy nghe nhạc MP3, bạn nên:
- Dùng loại tai nghe lọc được tiếng ồn, trùm lên vành tai.
- Tránh sử dụng loại tai nghe nhét trong ống tai ngoài.
- Không mở máy quá to khi đang đi trên đường.
- Điều chỉnh âm lượng của máy không vượt quá 80 đề-xi-ben (nghĩa là bạn vẫn nghe được tiếng nói chuyện của những người xung quanh trong khi đang nghe máy, hoặc có thể vừa nói chuyện vừa nghe máy mà không phải hét to).
Bằng những biện pháp đơn giản trên đây bạn sẽ bảo vệ được thính lực của mình và sẽ tiếp tục thưởng thức âm nhạc được trong nhiều năm.
Hoài Minh
(theo MayoClinic.com)