Tìm hiểu về nước tương


nuoc-tuongNước tương là một dạng thực phẩm giàu chất dinh dưỡng do chứa nhiều axit amin, được cơ thể hấp thu trực tiếp và là một gia vị rất được nhiều người ưa chuộng, thường được dùng trong bữa ăn hàng ngày. Trung bình một người lớn có thể dùng từ 50.– 150 mlnước tương trong một ngày

Nước tương có đặc điểm chất lượng khác nhau, có độ đạm từ 80N đến 400N, có màu sắc, độ nhớt khác nhau, người ta còn gọi là "xì dầu", "hắc xì dầu", được các nhà sản xuất pha chế theo nhiều mùi vị khác nhau theo sở thích của người tiêu dùng.

Phân biệt nước tương với tàu vị yểu :

Nước tương thường được phân biệt với tàu vị yểu qua phương pháp chế biến .

-Nước tương thường được chế biến bằng phương pháp ủ mốc lên men:đem ủ đậu nành với mốc giống trong 2 – 3 ngày sau đó cho lên men trong 6 – 8 tháng rồi ép lấy nước.Tuy quy trình chế biến rất đơn giản nhưng khá tốn công và dễ hư hỏng nếu có lẫn men, mốc lạ trong thời gian ủ..

- Tàu vị yểu (cũng được gọi là nước tương, nước chấm...) được sản xuất theo phương pháp hóa giải hóa học: thủy phân chất protein có trong khô dầu nành, khô dầu đậu phọng bằng axit chlohydric HCL (gọi là phương pháp thủy phân đạm thực vật bằng axít) sau đó trung hòa bằng xút NaOH hay soda Na2CO3 rồi dùng phương pháp lọc thô ,lắng,lọc tinh để lọc lấy chất nuớc.Phương pháp sản xuất này không tốn nhiều thời gian nhưng có nhiều nguy cơ không đảm bảo chất lượng vệ sinh an tòan thực phẩm như: tồn dư axít HCl, chất xút NaoH, chất bảo quản (Na, Ben)hoặc các kim lọai nặng như Hg, Pb, As... do chất hỗ trợ kỹ thuật gây ra, hoặc do phụ gia không tinh khiết, hoặc do thiết bị dụng cụ thải ra do bị ăn mòn bởi các axit, xút. Tuy quy trình chế biến ngắn nhưng không phải cơ sở sản xuất nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện thủy phân, vì thế hiện nay số cơ sở áp dụng phương pháp này không nhiều, phần lớn các nhà sản xuất chỉ mua nguyên liệu đã được thủy giải về pha chế tiếp.

Nước tương, tàu vị yểu có đặc điểm rất dễ bị mốc do điều kiện bảo quản thành phẩm chưa tốt, nguyên liệu đầu vào chưa được chú trọng từ nguồn gốc đến khâu bảo quản.Ngòai ra nhiều cơ sở sản xuất sử dụng chất Natri Benzoat để bảo quản chống mốc vượt quá liều lượng qui định cho phép của Bộ y tế.

Từ năm 2001 đến nay các nhà khoa học phát hiện trong nước tương có 2 chất có nguy cơ gây bệnh ung thư do có tác dụng gây nhiễm độc gien đó là 3-MCPD (3-monochloropropane-1,2-diol) và 1,3- DCP (1,3 dichloropropanol). Hai chất này được sinh ra từ quá trình thủy giải protein có chất béo với axít HCL. Theo Thạc sĩ Chu Quốc Lập – Phó cục trưởng cục VSATTP " với liều lượng 10mg/kg/ngày hoặc cao hơn chất 3-MCPD có thể gây nhiễm độc gien". Vì vậy ngày 25/3/2005 Bộ Y Tế đã ra qui định giới hạn cho phép trong sản phẩm nước chấm của 3-MCPD là 1mg/kg.

Nước tương, tàu vị yểu là thực phẩm thiết yếu của đại đa số dân chúng, vì vậy không thể tồn tại các sản phẩm tồn dư quá nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như 3-MCPD, 1,3- DCP, axit vô cơ, xút, chất chống mốc, đường hóa học, kim loại nặng... Các cơ sở sản xuất phải đầu tư về công nghệ chế biến, hoặc chuyển đối qua phương pháp lên men tự nhiên an toàn hơn, hoặc có chế độ kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào, giám sát, tính toán chính xác liều lượng sử dụng để không tồn dư chất hỗ trợ kỹ thuật (là chất không được có trong sản phẩm như: HCL, NaoH ) để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng .

THS Đào Mỹ Thanh

Trưởng khoa VSATTP-Trung Tâm Y tế Dự Phòng TP HCM