Những bệnh mắc phải ở hồ bơi


ho-boiVệ sinh: Tại TP. HCM chỉ có 8/50 hổ bơi đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Các loại vi khuẩn gây bệnh viêm kết mạc mắt, chốc lở ngoài da, ngứa tai... có thể tìm và thâm nhập vào những vết cào xước rất nhỏ do nhổ, cạo râu.

Mùa hè đến, thời tiết oi bức, lượng nguời đến với các hồ bơi ngày càng đông. Thế nhưng nước ở hồ bơi rất dễ bị ô nhiễm bởi nhiều tác nhân, các loại kem chống năng , kem tạo màu da, mồ hôi, rong rêu, nấm mốc...

Theo số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng TP. HCM, thì trong tổng số 50 hồ bơi ở toàn TP. HCM chỉ có 8 hồ bơi đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh (Kỳ Đồng – Q3, CLB Phú Thọ - Q11, CLB Bơi lội Tân Bình, Yết Kiêu – Q1, Cung Văn hóa Lao động – Q1, Quân khu 7 - Quận Phú Nhuận, CLB Quận 10).

Cẩn thận với đôi mắt:

  • Mắt là cơ quan nhạy cảm và dễ tiếp xúc với nước ở hồ bơi nên dễ bị ảnh hưởng nhất. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại hóa chất để làm sạch nước cũng có thể gây hại cho mắt, và những chất sát trùng thường kích thích mắt, gây dị ứng, làm đỏ mắt...

Một loại vi khuẩn nguy hiểm thường xuất hiện trong nước hồ bơi là Chlamydia trachomatis gây nên bệnh viêm kết mạc. Triệu chứng của bệnh này là mắt bị cộm như có vật lạ ở trong mắt, nước mắt chảy nhiều, bệnh nhân cảm thấy bị nhức mắt dữ dội khi nhìn ra ánh sáng, có nhiều ghèn làm cho hai mí dễ dính lại với nhau. Khi gặp triệu chứng này, cần phải rửa mắt bằng nước muối sinh lý sau đó nhỏ thuốc nhỏ mắt chó chứa kháng sinh. Nếu mắt cứ tiếp tục bị đau dai dẳng, cần nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa, nếu không dễ dẫn đến biến chứng gây rối loạn thị giác.

Ngoài ra, khi đi bơi, do mắt tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời nên thường bị đỏ và đau rát cũng có thể dẫn đến viêm hay loét kết mạc.

Việm tai ngoài: bệnh thường gặp khi đi bơi

Do có kích cỡ và kết cấu hình dạng giống như một cái "máng" chứa nước nên tai là một môi trường nuôi cấy "tuyệt hảo" cho các loại vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi nảy nở và thường gặp nhất là viêm tai ngoài.

Khi tai bị ngứa, tuyệt đối không được ngoái tai bằng bất cứ một loại dụng cụ nào khác vì có thể hình thành những vết xước, càng tạo điều kiện cho những loại vi khuẩn khác sinh sôi nảy nở. Giải pháp tạm thời trong trường hợp này là nhỏ vào tai một giọt cồn rửa để tiêu diệt các nấm bám vào đó. Nếu không được chăm sóc, chữa trị đến nơi đến chốn, có thể gây thủng tai trong và cũng có thể gây xáo trộn thính giác kéo dài.

Bệnh chốc lở lan tỏa có thể nhiễm vào máu

Những bệnh về da cũng rất thường gặp khi đi bơi, lang ben và nấm chân là những bệnh dễ lây truyền. Các loại vi khuẩn gây chốc lở (impetigo) xâm nhập vào những chỗ xước, trầy da gây những vết lở loét có vỏ cứng rất đau và cảm thấy xót trên mặt, chân, đùi và cánh tay.

Bệnh chốc lở lan tỏa (rampant impetigo) có thể nhiễm vào máu (hệ tuần hoàn) và gây nên những bệnh thuộc về thận. Điều đáng nói là, những loại khuẩn kể trên có thể tìm và xâm nhập vào các chỗ cào xước rất nhỏ do nhổ, cạo râu...

Vài biện pháp phòng ngừa

  • Việc trước tiên cần phải làm là chú ý lựa chọn những hồ nước sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Quan sát những lớp màng lầy nhầy giống như dầu mỡ quanh các bức tường trong hồ bơi để đánh giá mức độ vệ sinh của hồ.

Để bảo vệ mắt, khi đi bơi cần cần trang bị những loại kính bơi ngăn không cho nước tiếp xúc với mắt. Nên chọn những chọn kính bơi sậm màu có khả năng lọc được tia tử ngoại. Cẩn thận hơn, sau khi bơi nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý.

Nếu có điều kiện, khi bơi nên mang "chân vịt" để đề phòng nấm kẽ chân. Tình trạng thiếu vệ sinh vùng quanh hồ tắm và phòng thay quần áo sẽ dẫn đến sự xuất hiện các mụn nhỏ, rắn ở trên da lòng bàn chân. Chúng không nguy hiểm nhưng khi đứng, áp lực đè lên lòng bàn chân sẽ ấn các mụn nhỏ vào da tạo cảm giác khó chịu. Tốt nhất khi vào khu vực này đừng bao giờ đi chân không.

Khi có những xây xát nhẹ (đứt tay, trầy da, vết thương do cạo râu...) cũng không nên đi bơi. Sau mỗi lần bơi lội, cần phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước từ vòi sen để tẩy sạch hết những chất hữu cơ đã bám dính vào cơ thể và dùng khăn cá nhân thật sạch lau khô cơ thể trước khi mặc quần áo. Hạn chế tối đa việc thuê quần áo bơi để sử dụng.

DS. Nguyễn Bá Huy Cường(Trích NLĐ ngày 14/3/2001)