LÀM GÌ KHI SỐT CAO CO GIẬT ?


sot-co-co-giatCâu hỏi : Con tôi mỗi lần bệnh là sốt cao, nếu không hạ sốt kịp thời sẽ co giật. Xin hỏi nên làm gì khi trẻ co giật ? Cách đề phòng ?

Trẻ dưới 4 tuổi có hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh, các phản ứng thường lan tỏa. Do đó, khi sốt cao dễ bị co giật. Tuy nhiên, có một số trẻ có cơ địa dễ bị co giật hơn các trẻ khác. Do đó một em bé có tiền sử sốt cao co giật cần được đặc biệt chú ý về sau (Cho tới sau 4 tuổi) khi cháu có triệu chứng sốt.

Ngoài ra, sốt cao + co giật lại có thể là triệu chứng các bệnh trầm trọng mà thường gặp nhất là viêm màng não, viêm não.

Dù nguyên nhân gì, trước một trường hợp sốt cao (Từ 39 độ trở lên, nếu lấy ở hậu môn), phải hạ nhiệt ngay bằng cách TẮM MÁT, hoặc LAU MÁT cho cháu với nước ấm có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt 2 độ. Nếu có co giật thì phải dùng ngay nguồn nước máy, sau đó chuyển sang nước ấm có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của bé 2 độ.

Cách lau mát: lau liên tục, xả vắt nước thường xuyên, lau ưu tiên ở các vị trí: trán, cổ, nách, bẹn (Nơi có các mạch máu lớn chạy qua).

Trẻ co giật cần được đặt ngay một cây đè lưỡi hoặc cán muỗng có quấn vải vào miệng để ngăn ngừa cháu cắn lưỡi. Cởi quần áo ra cho thoáng. Nếu có kèm xuất tiết nhiều đàm rãi nước mũi cần móc hoặc hút sạch. Khi tạm ổn, di chuyển cháu ngay đến cơ sở y tế. Trên xe phải mang theo các dụng cụ cần thiết: cây đè lưỡi, nước...

Lưu ý là thuốc hạ sốt dù là loại toạ dược (nhét hậu môn) cũng chỉ có tác dụng sau một giờ: lau mát là biện pháp cấp cứu hàng đầu tại gia đình.

Trả lời bởi : BS NGUYỄN CÔNG VIÊN-BVNĐ2