Phát hiện biến thể của virus cúm A/H1N1 kháng Tamiflu


Một quan chức y tế Nhật Bản ngày 8-10 cho biết họ vừa phát hiện một biến thể gene của virus cúm A/H1N1 có khả năng kháng thuốc Tamiflu ở một thiếu nữ chưa từng sử dụng loại thuốc này.

Thiếu nữ trên bị sốt hôm 22-8, được phát hiện mang virus kháng thuốc khi đến điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Sapporo, miền bắc Nhật Bản. Các bác sĩ sau đó đã cho cô dùng thuốc Relenza của hãng GlaxoSmithkline và hiện đã bình phục.

Đây có thể là trường hợp lây nhiễm virus cúm A/H1N1 có khả năng kháng thuốc Tamiflu đầu tiên giữa người với người, tuy nhiên quan chức Takeshi Enami thuộc Bộ Y tế Nhật Bản nói vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng để khẳng định điều này.

"Chúng tôi không phủ nhận đây có thể là trường hợp lây nhiễm giữa người với người, nhưng chúng tôi cũng chưa thể đưa ra kết luận", Enami nói. Ông cũng cho biết hiện Nhật Bản đã có 8 bệnh nhân cúm A/H1N1 kháng thuốc Tamiflu.

Cuối tháng 9 vừa qua, Tổ chức y tế thế giới (WHO) khẳng định hiện tượng virus cúm kháng thuốc hiếm khi xảy ra và không có bằng chứng cho thấy virus cúm kháng thuốc lây lan, tuy nhiên điều này vẫn có thể xảy ra.

TƯỜNG VY (Theo Reuters)

Việt Nam: 8.808 ca dương tính cúm A/H1N1 được điều trị khỏi

Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết: ngày 8-10, Việt Nam ghi nhận thêm 82 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, nâng tổng số ca dương tính với dịch bệnh này ở nước ta lên 9.789 ca.

Dịch cúm A/H1N1 đã xuất hiện ở 59 tỉnh, thành phố ở nước ta, chỉ có 4 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Cạn, Điện Biên và Lai Châu đến thời điểm này chưa ghi nhận ca dương tính nào.

Số bệnh nhân cúm A/H1N1 được điều trị khỏi và ra viện là 8.808, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Đến 17 giờ ngày 8-10, cả nước có 20 ca tử vong do dịch bệnh cúm A/H1N1, phần lớn là người có nguy cơ cao như phụ nữ đang mang thai, người có tiền sử bệnh mãn tính...

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước có 5 địa phương có nhiều hơn 300 người mắc cúm A/H1N1 là Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Lâm Ðồng và Tây Ninh. Có 13 tỉnh, thành phố ghi nhận từ 100 - 300 ca dương tính và 41 tỉnh có số trường hợp dương tính dưới 100 người. Trong vòng 15 ngày qua có 9 tỉnh, thành phố không ghi nhận số ca dương tính mới...

Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia Nguyễn Văn Kính cho biết tuần qua số người tới viện khám phát hiện cúm vẫn rất đông, mỗi ngày có 600-700 lượt người tới khám. Tuy nhiên, việc điều trị cúm A/H1N1 tại viện đã được giảm tải đáng kể do có sự phối hợp, phân tuyến điều trị với thành phố Hà Nội. Các trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 chẩn đoán nhẹ sẽ được chuyển về các bệnh viện tuyến sau điều trị. Viện chỉ điều trị các trường hợp nặng. Hiện nay viện đang điều trị cho 4 trường hợp cúm A/H1N1 nặng, phải thở máy...

Gia Lai: trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1

Ngày 8-10, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do cúm A/H1N1. Đó là bệnh nhân Đinh Văn Tân (14 tuổi, trú ở làng Bla, xã Đăk Song, huyện Kông Chro), học sinh lớp 9 Trường THCS Cao Bá Quát của huyện này.

Trước đó ngày 5-10, Tân vào Bệnh viện đa khoa Kông Chro trong tình trạng sức khỏe yếu, có triệu chứng suy hô hấp, ho ra máu, mệt, khó thở, viêm phổi nặng và có bệnh lý về suy thận mạn với nhiều triệu chứng về thận như phù chân, tay, nước tiểu có đạm trong nước. Trước đó cách 7 ngày bệnh nhân sốt, ho, mệt nhưng không nhập viện.

Sau đó bệnh nhân này được chuyển ngay trong ngày (7-10) lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai khi bệnh có dấu hiệu nặng thêm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Đến rạng sáng 9-10 bệnh nhân đã tử vong.

Gia Lai hiện có 110 ca dương tính với cúm A/H1N1. Hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai đang điều trị 22 bệnh nhân bị nghi ngờ cúm A/H1N1.

TP Quy Nhơn: dịch cúm quay lại một số trường học

Sau một thời gian tạm lắng, ngày 8-10 tại Trường trung học cơ sở Lê Lợi, TP Quy Nhơn (một ổ dịch cũ) đã có 8 học sinh có các biểu hiện nghi nhiễm cúm A/H1N1. Nhà trường đã báo cáo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định và đưa số học sinh này nhập viện, cách ly theo dõi và điều trị tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngành y tế cũng đã tiến hành việc tiêu độc, khử trùng tại nhà trường và cấp phát hơn 1.000 khẩu trang cho học sinh cùng cán bộ, giáo viên và công nhân viên của trường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết vào chiều tối 7-10 tại 2 trường tiểu học và trung học cơ sở của xã bán đảo Nhơn Lý, TP Quy Nhơn đã có 13 học sinh có các biểu hiện nghi nhiễm cúm A được đưa vào khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhập viện, cách ly theo dõi, điều trị.

Như vậy, tính từ khi xảy ra dịch cúm A/H1N1 đến nay, tỉnh Bình Định đã có hơn 2.500 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1 được cách ly điều trị tại các bệnh viện và hiện vẫn còn 290 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đang được cách ly điều trị. Tuy nhiên, hầu hết số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 ở Bình Định đều không có ca nào bị nặng và chưa có tử vong.

Hà Tĩnh: bệnh cúm mùa tăng nhanh trong học sinh

Chiều 8-10, ông Nguyễn Chí Thanh - trưởng phòng dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh - cho biết chỉ chưa đầy một tháng qua tại Hà Tĩnh có gần 2.853 ca mắc bệnh cúm mùa, trong đó học sinh chiếm trên 60%.

Theo ông Thanh, do bùng phát bệnh cúm mùa mà nhiều trường học tại TP Hà Tĩnh cũng như nhiều trường ở các huyện miền núi Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang... đã cho rất nhiều học sinh nghỉ học.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh đã thành lập đoàn đi kiểm tra tại tất cả 12 huyện thị trên địa bàn nhằm ngăn chặn và dập dịch cúm, đồng thời phối hợp với các trường học, các trạm y tế xã, phường tiến hành điều tra dịch tễ, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cúm và tổ chức tuyên truyền về dịch bệnh đối với phụ huynh, học sinh và khuyến cáo các em nhiễm cúm mùa nên nghỉ học để điều trị hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

VĂN ĐỊNH

XUÂN NGUYÊN - THẢO MY - TTXVN-tuoitre