Cảnh giác với cúm A/H1N1 nhưng không lơ là bỏ quên Sốt xuất huyết - Tay chân miệng

Thành phố HCM đang ra sức chống chọi với dịch bệnh. Bên cạnh việc nổ lực ngăn chận bùng phát đại dịch cúm, thành phố còn phải tích cực phòng chống hai bệnh nguy hiểm không kém là bệnh sốt xuất huyết (SXH),Tay chân miệng (TCM) .

Do đang là mùa mưa nên bệnh sốt xuất huyết hiện đang gia tăng theo chu kỳ. Theo báo cáo giám sát của Viện Pasteur thành phố HCM, trong tháng 7/2009, số ca bị bệnh sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue tại các tỉnh phía Nam là 8.002 ca, số ca nặng ở độ III, IV chiếm 12% tổng số ca bệnh, có 4 trường hợp tử vong. Trong tuần lễ từ 17- 23/8/2009, số bệnh nhân mắc bệnh sốt Dengue và SXH Dengue tại 20 tỉnh/thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng, thành phố HCM vẫn là địa phương có số ca bệnh cao nhất, 396 ca. Thống kê của bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy trong tháng 8/2009 bệnh SXH tăng cả về số lượt khám, số bệnh nhân nhập viện lẫn số trường hợp nặng; bệnh TCM vẫn còn ở mức cao , còn nhiều trường hợp bệnh nhân nặng nhập viện.

Trước tình hình trên, mỗi người dân chúng ta, nhất là các bậc phụ huynh phải hết sức cảnh giác đối với bệnh cúm A/H1N1 nhưng không được vì quá bận tâm lo lắng về bệnh cúm mà lơ là, mất chú ý với SXH và TCM. Một điều cần lưu ý là cả ba bệnh cúm A/H1N1, SXH,TCM đều có khởi đầu với triệu chứng sốt cao. Vì vậy cần phân biệt rõ từng bệnh để đưa bệnh nhân đi khám bệnh kịp thời, điều trị đúng cách .

Khi nào thì nên nghĩ đến SXH và cần phải làm gì để phát hiện bệnh sớm?

Khi người bệnh, đặc biệt là trẻ em bị sốt cao liên tục từ ngày thứ ba trở đi mà chưa phát hiện được nguyên nhân gây sốt thì nên nghĩ đến bệnh SXH, nên đưa người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế để được thử máu ( xem máu có cô đặc và tiểu cầu có giảm không), được theo dõi và hướng dẫn cách chăm sóc.

Cần chú ý gì khi chăm sóc bệnh nhân SXH ? Lúc nào thì nên đưa bệnh nhân nhập viện?

Các trường hợp SXH nhẹ, thường được thầy thuốc cho điều trị tại nhà ngoài trừ nhóm những người có nguy cơ cao dễ bị bệnh nặng ( trẻ dưới 1 tuổi, trẻ dư cân, béo phì, trẻ em và người lớn có các bệnh mạn tính kèm theo...) . Khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà nên tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc và chú ý theo dõi bệnh nhân chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu bệnh trở nặng như: li bì hoặc vật vã, đau bụng vùng gan,kèm nôn ói nhiều, chảy máu mũi , máu răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen. Cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay khi thấy bệnh nhân có một trong các dấu hiệu trên đây .

Khi nào nên nghĩ đến bệnh TCM ? Cần lưu ý gì trong chăm sóc bệnh?

Bệnh TCM là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là trẻ sốt cao 1-2 ngày, đau họng, đau miệng; xuất hiện loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; nốt hồng ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và ở mông. Cần đưa trẻ đến khám tại khoa nhi các cơ sở y tế để được tầm soát bệnh TCM .

Bênh TCM khi chưa có biến chứng được chỉ định điều trị tại nhà. Khi chăm sóc trẻ bị TCM , phụ huynh cần chú ý phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng: sốt cao; nôn ói nhiều; giật mình, hốt hoảng, chới với, khó ngủ; run hoặc yếu tay chân dẫn đến đi đứng loạng choạng. Khi trẻ có một trong các biểu hiện trên cần đưa trẻ nhập viện ngay.

Thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường xung quanh, loại bỏ các ổ nước đọng, tích cực diệt lăng quăng, diệt muỗi, tránh để muỗi đốt là cách phòng bệnh SXH hiệu quả nhất.

Thường xuyên rửa tay nhiều lần trong ngày với xà phòng dưới vòi nước chảy, che miệng khi ho, hắt hơi, lau chùi các bề mặt, vật dụng, thoáng gió nhà cửa để phòng tránh bệnh TCM.

BS Vĩnh Thu Trang