Sự lan truyền ung thư và khả năng trị liệu mới

Sử dụng tế bào gốc trong điều trị nhiều căn bệnh hiểm nghèo đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của giới y khoa cũng như những kẻ "ngoại đạo". Nhưng mặt khác, bằng chứng minh cụ thể, các nhà khoa học đã giải thích vì sao tế bào gốc có thể gây ra và tạo thành những ung thư mới.

So sánh hai chuỗi sinh lý sinh thái của tế bào gốc dưới tình trạng "hốc tế bào gốc" bình thường và "hốc tế bào gốc" biến đổi

Nghiên cứu của BS-TS Steven Goldman (trưởng khoa tế bào, gen trị liệu của ĐH Rochester, New York, Mỹ) cho thấy có những u bướu (tumour) xuất hiện tại những con chuột được tiêm chích tế bào gốc phôi để chữa các bệnh về tủy não (neurological diseases).

Có thể biến đổi thành tế bào gốc ung thư

Việc nghiên cứu tìm hiểu về ung bướu tại một số bệnh nhân sau trị liệu bằng tế bào gốc đang được giới khoa học nghiên cứu rốt ráo để có thể hiểu rõ nguyên nhân sinh ra các ung bướu. Báo cáo cho biết các tế bào gốc đã phát triển nguyên trạng (không phân liệt thành các tế bào khác) và tạo thành những khối ung bướu.

Các nhà khoa học cho rằng tế bào gốc bình thường (normal stem cells) có thể biến đổi thành tế bào gốc ung thư (cancer stem cells), các tế bào sinh ra ung bướu, các mô ung thư gây ra bởi mật độ của tế bào gốc được gọi là "hốc tế bào gốc", khoảng không gian mà tế bào gốc sinh sống tại đó.

Sự rối loạn của "hốc tế bào gốc" sẽ tạo ra các tín hiệu sinh học và dẫn đến rối loạn sinh thái của tế bào gốc. Do đó sẽ gây ra sự đột biến bản chất của tế bào gốc trở thành bất bình thường; do các tín hiệu "nảy sinh - xúc tiến" trở nên lấn át và tạo thành tình trạng tế bào gốc phát triển vô trật tự, dẫn đến tế bào gốc ung thư. Tế bào gốc ung thư áp chế guồng máy sinh học của các tế bào để lây lan, xâm nhập vào những tế bào khác và phát triển thành bệnh ung thư.

Dùng tế bào gốc phôi làm thuốc

Gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng về nguyên tắc người ta có khả năng tạo ra tế bào gốc giống như tế bào gốc phôi (embryonic - like stem cell) từ tế bào gốc da hoặc sử dụng ngay tế bào gốc trưởng thành (tế bào gốc từ máu hoặc màng nhầy của cuống nhau, tế bào gốc từ máu hoặc các bộ phận khác), không phải phá hủy phôi người. Do vậy nghiên cứu tế bào gốc là đề tài hấp dẫn của các nhà khoa học.

Vừa qua ngày 23-1-2009, lần đầu tiên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép Công ty Generon sử dụng tế bào gốc phôi trong việc chữa trị thử nghiệm "thuốc" GRNOPC1 cho bệnh tổn thương nặng cột sống trong thử nghiệm chữa lâm sàng đợt 1. Và ngày 28-5-2009 vừa qua từ Đại học New South Wales, báo cáo nhóm của GS Nick Di Girolamo đã sử dụng tế bào gốc để đem lại ánh sáng (phần nào) cho ba bệnh nhân bị hư hại nặng giác mạc mắt (Corneas).

Các bệnh như ung thư, đái tháo đường type 1, Parkinson, Huntington, bệnh tim, tổn thương cơ bắp và các chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh, não... đã bắt đầu được chữa thử nghiệm tại một số cơ sở nghiên cứu y học. Tế bào gốc cuống nhau được dùng để kết hợp với hóa trị (hoặc xạ trị) trong chữa trị ung thư như ung thư máu trắng (leukemia) và ung thư hạch (lymphoma).

Và những hứa hẹn...

Sự tập hợp các kiến thức trong phòng nghiên cứu về các tính chất của tế bào gốc cùng với các thử nghiệm dùng tế bào gốc để thử trị bệnh trên chuột cho phép các nhà nghiên cứu y học có những áp dụng từ phòng nghiên cứu ra chữa trị giới hạn ban đầu tại các bệnh viện.

Từ đó tạo ra hướng mới là ngành tế bào gốc trị liệu với nhiều hứa hẹn về những khả năng trị liệu mới cho những bệnh khó chữa hiện nay như ghép tủy chữa trị bệnh leukemia, các bệnh về suy thoái và tổn thương tế bào thần kinh như Parkinson, chấn thương cột sống, chấn thương sọ não và các bệnh liên quan đến suy thoái các tế bào cơ.

TS NGUYỄN TRỌNG BÌNH (Hoa Kỳ)-tuoi tre