Làm gì để bảo vệ trẻ nhỏ trước dịch cúm A/H1N1 - 09?

- Dịch cúm A/H1N1/2009 đã lây lan trong cộng đồng, có khả năng gia tăng số ca bệnh hơn khi thời tiết bước vào mùa đông. Hiện nay, các trường đang chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới. Trường học là môi trường đông người, thuận lợi cho virut lây lan nhanh chóng. Trẻ em là một trong những đối tượng có khả năng đề kháng kém với bệnh tật, đặc biệt là bệnhcúm A/H1N1, dễ có nguy cơ bị biến chứng nặng nếu phát hiện và điều trị trễ. Làm thế nào để bảo vệ trẻ trước tình hình này?

Ngày 11/8/2009, Trung tâm Truyền thông gáo dục sức khỏe TP phối hợp với Ban khoa giáo Đài truyền hình tổ chức thực hiện cuộc tọa đàm giữa phóng viên Đài truyền hình TP với BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp BV. Nhi đồng 1 hướng dẫn nhận biết các triệu trứng bệnh và một số biện pháp phòng ngừa khi chăm sóc trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp; nhằm làm giảm mức độ lây lan trong cộng đồng, góp phần hạn chế tử vong cho trẻ.

PV: Dấu hiệu của cúm A/H1N1 - 09 có gì khác với viêm đường hô hấp trên? Khi trẻ có biểu hiện cúm thì người nhà nên làm gì?

  • BS Tuấn: Dấu hiệu của cúm hay viêm đường hô hấp trên không có gì khác nhau. Bệnh cúm cũng là một dạng bệnh viêm đường hô hấp. Khi thời tiết thay đổi thì nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp thường xảy ra. Các triệu chứng của các bệnh viêm đường hô hấp thường có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau: ho, đau họng, chảy nước mũi, sốt; còn bệnh cúm thì biểu hiện sốt trên 380C, ho hoặc đau họng. Đối với cúm A/H1N1 - 09, các triệu chứng thường biểu hiện không rõ rệt: trẻ đột ngột, sốt cao (thường trên 380C), viêm long đường hô hấp, đau họng... Nhưng điều cần lưu ý là sự liên quan giữa biểu hiện bệnh với yếu tố dịch tễ: trẻ sống hoặc đến từ vùng có dịch cúm A (H1N1); tiếp xúc gần với nguồn bệnh, người bệnh nghi ngờ bị nhiễm hoặc đã xác định mắc cúm A (H1N1).

Khi trẻ có biểu hiện bệnh, người nhà cần phải bình tĩnh, không hoảng hốt; nên cho trẻ nghỉ ở nhà, nếu trẻ sốt cao, có thể cho trẻ uống thuốc paracetamol để hạ sốt (không dùng thuốc hạ sốt có chứa Aspirin), cho trẻ ở nơi riêng biệt trong nhà, hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với những người trong gia đình; cử riêng một người chăm sóc trẻ. Sau đó, đưa trẻ đến bệnh viện để khám hoặc liên hệ đường dây nóng của đơn vị cơ sở y tế gần nhất.

PV: Những dấu hiệu nào giúp nhận biết bệnh trở nặng? Trong trường hợp này trẻ sẽ được điều trị như thế nào?

  • BS Tuấn: Những dấu hiệu giúp nhận biết bệnh trở nặng: trẻ có dấu hiệu tím tái (môi tím, da xanh tái, biểu hiện của suy hô hấp); trẻ ngủ li bì, kêu hoài không dậy, hoặc trẻ vật vã, mệt, không uống nước được, nôn ói nhiều; trẻ khó thở, thở nhanh hơn bình thường. Trong trường hợp này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay, tại đây trẻ sẽ được hạ sốt; chăm sóc hô hấp; điều trị bằng thuốc kháng siêu vi; thở oxy để hỗ trợ thở khi có suy hô hấp. Trong suốt quá trình điều trị, thầy thuốc sẽ theo dõi tình trạng bệnh, thực hiện giám sát bệnh để phát hiện sớm nếu có biến chứng nặng.

PV: Việc mang khẩu trang và rửa tay được thực hiện như thế nào khi chăm sóc trẻ tại bệnh viện?

  • BS Tuấn: Mang khẩu trang và rửa tay là những điều quan trọng, cần làm trong khi chăm sóc bệnh nhân cúm và phải thực hiện đúng cách theo hướng dẫn của ngành y tế. Khi chăm sóc trẻ tại bệnh viện, người nhà có thể sử dụng khẩu trang y tế hoặc khẩu trang phẩu thuật, che kín cả mũi, miệng, không có khe hỡ, không đặt tay lên bề mặt bên ngoài khẩu trang. Lưu ý khi thay khẩu trang, dùng tay tháo dây đeo, cầm mặt trong của khẩu trang, vứt bỏ thùng rác và rửa tay ngay sau đó. Đối với việc rửa tay, chúng ta chỉ cần rửa tay bằng xà bông bình thường, nhưng phải rửa đúng cách mới đảm bảo có hiệu quả: rửa kỹ từ mặt trong bàn tay ra đến ngoài mu bàn tay, kẽ tay, móng tay, từng ngón tay, sau khi rửa xong cần phải lau tay bằng khăn sạch, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với những đồ vật trong phòng người bệnh hoặc khi tiếp xúc với bất kỳ vật dụng có bề mặt nào ở nơi có nguy cơ nhiễm bệnh./.

Phượng Linh(Medinet TP.HCM)