Làm gì khi cúm A/H1N1 lây lan trong cộng đồng?

Một số thông tin cần thiết để người dân tự bảo vệ mình khi cúm A/H1N1 bắt đầu lây lan trong cộng đồng.

Người dân không quá hoang mang, lo lắng mà nên thực hiện các biện pháp phòng vệ của cơ quan y tế. Đó là hướng dẫn của ông Nguyễn Huy Nga, cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế, trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

* Chúng ta sẽ ứng phó như thế nào trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện tại các công sở, trường học, thưa ông?

- Hôm 21-7, chúng tôi đã có thông báo khẩn gửi các tỉnh thành, yêu cầu các địa phương thực hiện theo hướng dẫn: cách ly với người về từ vùng dịch, có tiếp xúc với bệnh nhân A/H1N1, có sốt và viêm long đường hô hấp ít nhất 7 ngày; hướng dẫn cách ly ít nhất 7 ngày tại đơn vị, gia đình với người có tiếp xúc với bệnh nhân.

Trường hợp xảy ra dịch A/H1N1 tại các cơ quan, công sở, có thể tạm đóng cửa các khu vực này và tổ chức cách ly, điều trị tại chỗ những trường hợp bệnh nhẹ, đưa trường hợp bệnh nặng đến cơ sở y tế. VN đã có đủ thuốc Tamiflu và khu cách ly. Khi dịch lây lan ở phạm vi như hiện nay, VN cũng sẽ thực hiện như các nước là tổ chức điều trị bệnh nhân là chính. Chúng tôi cũng khuyến cáo các địa phương tổ chức tuyên truyền về biện pháp phòng vệ cá nhân như đeo khẩu trang trên các phương tiện vận tải công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy, đặc biệt là trên các chuyến bay từ vùng có dịch.

* Việc thực hiện các biện pháp phòng vệ để tránh lây lan sẽ được tiến hành ra sao?

- Theo quan điểm của tôi, người dân trong nhóm dễ gặp biến chứng như trẻ em suy dinh dưỡng, người già, người mắc các bệnh mãn tính như béo phì, tim mạch, tiểu đường...cần chú ý đặc biệt tới sức khỏe, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh để hạn chế biến chứng nặng. Những người còn lại không nên quá lo lắng. Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo hạn chế đi lại.

Về biện pháp phòng vệ, chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo là rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, làm sạch bề mặt vật dụng, đồ dùng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế, virus A/H1N1 2009 có khả năng bám dính các bề mặt như mặt bàn ghế, bàn phím máy tính, nút bấm thang máy... hơn nhiều chủng virus khác. Khi ho, khạc, hắt hơi nên dùng khăn giấy (hoặc tay áo). Không vận chuyển người bệnh, người nghi bị bệnh cúm A/H1N1 bằng các phương tiện vận tải công cộng, đặc biệt là máy bay, vì khả năng lây lan ra cộng đồng rất cao.

LAN ANH -Tuổi trẻ