Sử dụng nón bảo hiểm an toàn và đúng cách
TP.HCM hiện nay với dân số hơn 8 triệu người là nơi hàng ngày thường xảy ra nhiều chấn thương sọ não (CTSN), thường gặp nhất là do tai nạn giao thông (TNGT). Tình hình tiếp nhận và điều trị CTSN tại BV 115 trước và sau thời điểm áp dụng luật đội mũ bảo hiểm toàn dân sẽ giúp phản ánh phần nào hiện trạng CTSN tại TP, qua đó sẽ giúp hiểu hơn về vai trò và tác dụng của mũ bảo hiểm trong việc phòng tránh CTSN do TNGT.
Chấn thương sọ não là bệnh lý gì?
- CTSN được định nghĩa là một lực đập vào hộp sọ, gây tổn thương nặng hay nhẹ ở da đầu, hộp sọ và não bộ.
CTSN "kín": thường do đầu va chạm với các vật không sắc nhọn, tuy có khi da đầu bị rách, xương sọ vỡ nhưng không có thông thương trực tiếp giữa dịch não tuỷ và nhu mô não với môi trường bên ngoài như trong các vết thương sọ não (VTSN).
Các biến chứng thường gặp khi bị CTSN?
- Máu tụ trong sọ: máu tụ ngoài màng cứng, máu tụ dưới màng cứng.
- Dập não
- Phù não
"Số trường hợp CTSN tiếp nhận tại khoa cấp cứu BV 115 từ tháng 1/2006 đến hết tháng 6/2007:
Tổng số nạn nhân: 25.564
Số CTSN do TNGT: 21.529 (84,22%)
Các nguyên nhân khác: tai nạn lao động, té, ẩu đả ...
Số trường hợp CTSN phải nằm viện theo dõi và điều trị:
3.791 bệnh nhân (14,83%) trong đó 3.261 người lớn, 121 trẻ em, 409 bệnh nhân có các thương tổn khác kèm theo ở cột sống, tứ chi, bụng, ngực, phần mềm v.v...
CTSN thường gặp ở phái nam, tuổi từ 20 - 40"
Một số đặc điểm của mũ bảo hiểm hiện nay như thế nào?
Mũ bảo hiểm có cơ chế bảo vệ như thế nào?
- Mũ bảo hiểm giúp cho người bị nạn giảm được nguy cơ chấn thương nặng vùng đầu và sọ não bằng cơ chế giảm sự tác động mạnh hoặc va đập vào đầu.
- Giảm tác động: mũ bảo hiểm giúp giảm sự giảm tốc đột ngột của đầu -> giảm sự di chuyển mạnh của não bộ, phần mềm lót bên trong mũ giúp cho đầu va chạm chậm và nhẹ hơn -> não bộ bên trong không va đập mạnh vào hộp sọ.
- Sự phân bố lực va đập trên toàn phần cứng của mũ bảo hiểm làm giảm lực tập trung tại một điểm nhất định của hộp sọ, ngăn cản sự va đập trực tiếp của hộp sọ vào vật cản do đóng vai trò như là một vật chắn giữa đầu và vật cản.
Cần lưu ý gì về mũ bảo hiểm?
Cần lựa mũ bảo hiểm vừa với đầu, khi đội không che chắn tầm nhìn, không làm người đội khó chịu.
Khi đội mũ cần siết chặt dây đai qua cằm để khi bị té, mũ không văng ra khỏi đầu.
Nên chăm sóc mũ theo hướng dẫn của nhà sản xuất: chỉ lau bằng xà phòng nhẹ, lau sạch mặt kính với xà phòng nhẹ hoặc nước sạch, dùng khăn mềm để không làm trầy xước mặt kính.
Mũ bảo hiểm phải chắc, tốt. Tránh làm rớt mũ vì chức năng của mũ sẽ giảm.
Tóm lại
- Tai nạn xe máy chiếm một tỉ lệ lớn trong số các TNGT đường bộ. Nguy cơ bị chấn thương và tử vong do tai nạn xe máy cao hơn nhiều so với tai nạn xe 4 bánh.
- Chấn thương ở vùng đầu và cổ là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong, thương tích trầm trọng và tàn tật. Sử dụng mũ bảo hiểm đúng qui cách có thể làm giảm nguy cơ và mức độ trầm trọng của chấn thương vùng đầu.
- Tuy vậy, mũ bảo hiểm không được thiết kế để bảo vệ các phần khác của cơ thể, do đó cần phải tuân theo một số hướng dẫn sau:
- Mặc quần áo hợp lý giúp giảm được các hình thức chấn thương khác (ví dụ: áo khoác và quần dài với chất liệu đặc biệt che phủ hoàn toàn tay và chân, giày cứng, găng tay có đường viền phù hợp để bảo vệ tay khi có tay nạn xảy ra).
- Tuân thủ đúng luật giao thông đường bộ, tuân thủ tốc độ qui định, không lái xe trong lúc say rượu sẽ giúp tránh được tai nạn và các thương tật.
BS Lê Điền Nhi
Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV Nhân dân 115-(Medinet TP.HCM)