Cha mẹ - con cái: Hãy để mặc cho bản chất con người
"Làm thế nào để rối loạn này biến mất" thường là câu hỏi được các phụ huynh lo lắng đặt ra, mà phần lớn chỉ thấy triệu chứng như một nguyên nhân gây trở ngại cần loại bỏ vì nó gây phiền hà cho người xung quanh, nghĩa là gia đình hoặc trường học.
Thế nhưng, sự tăng trưởng của một đứa trẻ không thể diễn ra mà không có khó khăn. Khi lớn lên, trẻ có thể đi qua những giai đoạn khó khăn, mà cha ẹm trải qua như những "cơn khủng hoảng".
Tuy nhiên, những giai đoạn khó khăn này lành mạnh và cần thiết cho sự phát triển của trẻ, vì trẻ cần có kinh nghiệm để lớn lên.
Tôi sẽ cố gắng trình bày một cách vắn tắt, cha mẹ là gì? Con cái là gì? Và mối quan hệ giữa hai bên, dưới một cái nhìn khác...
Giúp một trẻ lớn lên không phải là một việc dễ dàng đối với các bậc cha mẹ, vì thường nếu một rối loạn xuất hiện ở trẻ, cha mẹ nghi ngờ khả năng làm mẹ hoặc cha của mình. Do đó họ có thể cảm thấy mặc cảm tội lỗi: "Tôi đã làm dúng hay sai?", "Vậy tôi phải làm gì?" Là những câu hỏi biểu lộ sự lo lắng và không an toàn của người lớn, trong vai trò làm cha mẹ.
Chúng ta thử lấy ví dụ về một bà mẹ chăm sóc con trong những tháng đầu của cuộc sống. Bà muốn là một "bà mẹ hoàn hảo" để cho bé được "hoàn hảo". Thế nhưng áp lực và đòi hỏi mà bà mẹ tự ép buộc mình lại gây cho bà mẹ những căng thẳng và lo lắng mà đứa bé có thể cảm nhận được, qua cách bà mẹ nuôi nấng, bồng bế, ru ngủ đứa bé... Việc cảm nhận sự căng thẳng này sẽ kéo theo một cảm giác không an toàn mà đứa bé sẽ biểu hiện trên chính bản thân nó bằng những căng thẳng. Căng thẳng trong cơ thể, kích động, khóc, la hét. Những dấu hiệu này sẽ làm cho bà mẹ hoảng sợ vì không biết cách nào để làm yên con bà và điều này sẽ làm gia tăng hơn nữa sự lo lắng của bà mẹ, cũng như làm tăng sự căng thẳng nơi đứa bé và cứ thế tiếp tục.
Không có một con người nào có thể khẳng định là "hoàn hảo", và một bà mẹ cũng không thể là một bà mẹ "hoàn hảo". Nhưng bà mẹ biết cách mang lại những chăm sóc cần thiết đáp ứng những nhu cầu của trẻ sơ sinh. Đó là điều mà ông Donald Winnicott (bác sĩ nhi khoa và nhà phân tâm học người Anh) gọi là một bà mẹ "đủ tốt". Có nghĩa là bà mẹ có thể lo sợ cho con bà thiếu ngủ, thiếu ăn, không sạch... nhưng điều cần thiết là bà mẹ tin tưởng vào khả năng làm mẹ của mình, nghĩa là khả năng chú ý và lắng nghe con của bà diễn tả, hoàn toàn tin vào bản chất của con bà biết cách biểu hiện những nhu cầu bằng những phương tiện riêng của nó.
Những "cơn khủng hoảng" hoặc những rối loạn của trẻ thường biểu hiện sự chênh lệch giữa nhịp độ, nhu cầu riêng của trẻ và những gì mà cha mẹ đòi hỏi, áp đặt lên trẻ. Cha mẹ thường lo lắng. Vì sợ trẻ đau khổ hoặc thiếu thốn, nên cha mẹ suy nghĩ thay cho trẻ, nếu trẻ đói, khát, buồn ngủ, bằng cách dùng nhịp điệu của một người lớn áp dụng cho trẻ. Như bà Francoise Dolto (bác sĩ nhi khoa và nhà phân tâm học người Pháp) đã nói về cái nhìn của cha mẹ, "trẻ không đói, trẻ phải làm như đã đói. Nếu trẻ không ngủ, trẻ phải làm như trẻ đã ngủ (...). Một trẻ ở một lứa tuổi nào đó phải làm, nói, nghĩ, cảm giác như thế này hoặc thế nọ. Một số việc không "liên quan" đến trẻ, còn một số việc khác làm trẻ quan tâm"(1).
Khi bé lớn lên và được vài tuổi, cha mẹ bắt đầu đòi hỏi trẻ phải có những ứng xử mà trẻ thường không thể có, với sự trưởng thành tâm sinh lý của trẻ. Cha mẹ yêu cầu trẻ phải là người lớn thu nhỏ: "Con hãy ngồi yên, con đừng sờ cái này, cái kia, con sẽ làm vỡ tất cả...". Trong khi trẻ đang phát hiện thế giới bằng cách khám phá môi trường xung quanh (bằng cách sờ mó tất cả, bỏ vào miệng tất cả, bằng cách bò hoặc đi khắp nơi), các bậc cha mẹ lại yêu cầu trẻ phải là và phản ứng như trẻ đã trải qua tất cả, như trẻ đã có kinh nghiệm.
Và trước những đòi hỏi của cha mẹ, mà trẻ chưa thể đáp ứng, trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng và do đó, phương tiện duy nhất để biểu hiện sự khó ở của trẻ là bày tỏ qua các rối loạn, sẽ làm "phiền" người xung quanh.
Khi tìm hiểu những nhu cầu của một trẻ đang phát triển, cha mẹ mới có thể nhìn xem những sự việc một cách yên lòng. Lúc đó, họ sẽ có thể để cho con họ phát triển đến một cách ứng xử lành mạnh.
Một đứa trẻ bước vào năm đầu tiên của trường mẫu giáo. Từ lúc nhập học, trẻ không chịu ăn sáng. Chuyện gì xảy ra? Cha mẹ sẽ ép trẻ ăn mà không tìm hiểu tại sao trẻ không muốn ăn. Hoặc là sự ngoan cường của cha mẹ đôi khi dẫn đến sự củng cố triệu chứng mà họ đang tìm cách làm giảm bớt, và đứa trẻ bắt đầu sử dụng cử chỉ (như là không chịu ăn) để phát động phản ứng của cha mẹ được tiên đoán.
Cha mẹ sẽ buộc trẻ ăn, vì nghĩ rằng nếu trẻ không ăn thì trẻ sẽ mệt và kông thể theo học ở trường. Có lẽ đó chính là điều cơ bản trẻ hy vọng. Không đến trường. tại sao? Có lẽ trẻ sợ rằng một ngày nào đó cha mẹ sẽ quên và sẽ không đến rước trẻ nữa? Trẻ có sợ bị bỏ rơi không? Có lẽ do một điều bậy trẻ đã làm cách đây vài tháng và trẻ vẫn còn nhớ về hình phạt? Và trẻ nghĩ rằng do việc làm bậy đó mà cha mẹ không còn yêu trẻ nữa. Không còn muốn trẻ ở nhà nữa, và đó là lý do trẻ được gửi đến trường...
Do đó điều quan trọng là thảo luận với trẻ, hiểu những gì diễn ra ở trẻ và sau đó giải thích với trẻ rằng ở tuổi của trẻ, các trẻ em đều đến trường. Nói với trẻ rằng trong khi trẻ ở trường, thì cha mẹ làm việc nhưng vẫn tiếp tục yêu thương và nghĩ đến trẻ.
"Chăm chỉ lắng nghe, giúp đỡ trẻ hiểu những nguyên nhân của triệu chứng nào đó đem lại hiệu quả trong đa số các trường hợp" (2) ông Terry Brazelton (bác sĩ Mỹ) đã nói như vậy.
Cuối cùng, trẻ mong đợi gì ở cha mẹ? Trẻ cần được trấn an. Điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ chính là trẻ tự biết được yêu thương, cảm thấy được an toàn, cảm thấy được chấp nhận một cách vô điều kiện, dù trẻ có làm gì, thậm chí khi trẻ làm điều bậy. Điều mà trẻ lo lắng nhất là mất đi tình yêu thương của cha mẹ và bị cha mẹ bỏ rơi. Mặt khác, cha mẹ biết điều đó và đùa cợt khi đe dọa tình cảm. "Nếu con không ăn, ba mẹ sẽ không thương con nữa" hoặc "Nếu con không ngủ, ba mẹ sẽ bỏ con ngoài đường, hoặc đưa con cho bà hàng xóm".
Không có gì bạo lực và gây chấn thương cho trẻ hơn là khi cho trẻ nghe những lời đó vì sẽ củng cố cảm giác bất an cho trẻ và do đó vì sẽ củng cố cảm giác bất an cho trẻ và do đó gia tăng triệu chứng mà cha mẹ mong muốn làm biến mất. do rối loạn là phương tiện để trẻ diễn tả và xoa dịu sự căng thẳng của trẻ.
Như thế, thái độ mà cha mẹ cần có là để cho trẻ được tự do biểu hiện bản thân, cho trẻ cho đúng vị trí của nó. Không bao giờ được ép buộc, cũng không được ngăn trở sự phát triển của trẻ. Trẻ được sinh ra với một sự trang bị cần thiết để lớn lên và trẻ cần có thời gian để trưởng thành về tâm sinh lý. Như thế, sự đạt được ngôn ngữ, về sự sạch sẽ, tập viết... được thực hiện dần dần. Trẻ không thể học một cách thích hợp nếu trẻ học quá sớm so với tuổi phát triển của trẻ. Điều chủ yếu là để trẻ tiến triển, trẻ có kinh nghiệm bản thân, dưới cái nhìn khoan dung nhưng không sổ sàng của người thân, trong niềm tin vào tiến trình trưởng thành của trẻ.
Để kết luận, tôi muốn dựa trên tư tưởng của bác sĩ Francoise Dolto, về vấn đề giáo dục trẻ em: "Người ta không đối xử với trẻ như đối xử với một con búp bê hoặc một con thú nuôi. Thậm chí dễ thương với một đứa trẻ chưa đủ. Cần phải tôn trọng trẻ hoàn toàn. Phải tôn trọng cả những cái nhìn của trẻ. Chúng ta không làm trước mặt một đứa trẻ những gì mà chúng ta không làm trước mặt một vị thượng khách. Giáo dục trẻ em chính là đối xử với trẻ như là mọt con người (...) chính là giúp trẻ cảm thấy mình là một con người có đầy đủ quyền giữa những con người khác" (3).
Tài liệu tham khảo
1. F. DOLTO. Les crises de l'enfance, dans Les étapes majeures de l'enfance, p 312 - 313, Folio no 315, Gallimard 1994, Paris.
2. T.B. BRAZELTON. Ecoutez votre enfant, p.18, PBP no 74, Payot et Rivages 2001, Paris.
3. F. DOLTO. La premièere education est ineffable, dans Les étapes majeures de l'enfance, p.74, Folio no 315, Gallimard 1994, Paris.
Tâm lý gia Phan Thị Xuân Thảo
BS. Phạm Ngọc Thanh
Đơn vị tâm lý, BV. Nhi Đồng 1