NGUỒN HÔI MIỆNG DO MIỆNG:
A. Bệnh nướu răng - bệnh nha chu (gum diseases)
Bệnh răng và bệnh viêm nướu mãn tính (Chronic gingivitis) có lẽ là những nguyên nhân gây hôi miệng nhiều nhất, vì tạo điều kiện thuận lợi cho các vi trùng phát triển tối đa. Khi nướu răng đã bị nhiễm trùng, tình trạng sẽ lây tới những túi dưới nướu (pockets). Những hốc rỗng này là nơi chứa đựng nhiều loại vi trùng kỵ khí luôn xung đột với những kháng thể do cơ thể tạo ra. Đồng thời, những loại vi trùng G- gây ra bệnh nha chu cũng sản xuất ra những lượng chất sulfur đưa tới tình trạng hôi miệng kinh niên (chronic bad breath) nếu tình trạng bệnh bị kéo dài.
B. Bệnh viêm miệng (stomatitis)
Các tình trạng làm viêm xoang miệng hay lưỡi (vì bệnh , do dùng thuốc, hay do cơ thể thiếu các sinh tố) cũng có thể gây hôi miệng vì khi miệng, môi, lưỡi bị lở nứt thì thức ăn và vi trùng sẽ bám víu vào những chỗ nứt nẻ này.
C. Sâu răng (dental caries)
Thông thường, sâu răng ít khi nào đưa tới tình trạng hôi miệng. Ngoại trừ khi răng bị vỡ khoảng lớn làm cho thức ăn bị dắt vào và bị ứ đọng lâu ngày,răng bị tủy thối. Những tình trạng khác như miếng trám xù xì (faulty, overhanging restorations) hoặc mão răng bị hở (leaking crowns) cũng có thể làm cho thức ăn bám dính và ứ đọng lại.
D. Thuốc lá (smoking)
Hút thuốc lá loại nào cũng làm hôi miệng và dễ phát hiện nhất. Chất nicotine trong thuốc lá bám trên mặt răng và lưỡi lâu ngày sẽ làm cho răng, lưỡi thâm nâu (nicotine stain) và bề mặt răng trở nên nhám, tạo nên cơ hội thuận tiện cho hàng trăm loại vi trùng bám vào chân răng và mặt lưỡi (bacterial attachment) và làm chúng bị hư hại. Hơn nữa, những tình trạng nguy cơ khác có thể xảy đến những người nghiện thuốc lá như là bệnh nha chu đưa tới sự rụng răng, ung thư miệng, họng, phổi, v.v...
E. Hơi thở buổi sáng (morning breath)
Trong lúc ta ngủ ban đêm, nước bọt gần như ngừng chảy. Không có nhiều nước bọt ban đêm, các vi trùng trong miệng sinh sôi nảy nở, tạo ra mùi hôi. Mùi hôi này phát xuất từ những vi trùng kỵ khí (anaerobic bacteria) ẩn núp trong những kẽ hở trong lưỡi và răng đã sản xuất ra chất hydrogen sulfide.
F. Khô miệng (dry mouth)
Miệng bị khô do bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể làm nó thêm hôi vì số lượng nước bọt bị giảm đi. Nghiên cứu cho thấy chứng khô miệng làm tăng thêm sự sản xuất những chất sulfur trong miệng. Những nguyên nhân đưa tới chứng giảm nước bọt như là dùng thuốc,trị bệnh bằng tia phóng xạ (radiation therapy) chung quanh vùng hàm mặt, Sjogrens Syndrome, hoặc thở bằng miệng. Sự giảm xuất nước bọt cũng có thể xảy ra trong những người già vì những tuyến nước bọt bị teo đi.
G. Do răng giả (mouth appliances)
Những bộ răng giả ( cố định hoặc tháo lắp ) là nơi các vụn thức ăn bám vào khi ta ăn uống. Nếu lâu ngày chúng ta không chà rửa, những mảnh vụn thức ăn sẽ hư thối và tạo nên mùi hôi . Nếu có thể, ta nên tháo gỡ và chùi rửa bộ răng giả hoặc dùng chỉ nha khoa luồn dưới cầu răng ,tăm nước ít nhất ngày một lần vào buổi tối, để phòng tránh sự ứ đọng thức ăn trong miệng.
H. Nhịn đói (hunger)
Người bỏ bữa ăn vì lười ăn hoặc ăn kiêng cữ hay bị hôi miệng. Khi ăn, những tác động nhai làm nước miếng được tiết ra nhiều, rửa và tiêu diệt bớt vi trùng trong miệng, khiến miệng bớt bị hôi.
I. Thức ăn (foods)
Một số các chất biến dưỡng từ thức ăn được hấp thụ vào máu, rồi thải ra ngoài cơ thể qua đường thở. Hành, tỏi, rượu,... gây hôi miệng qua cơ chế này. Người Việt Nam chúng ta có nhiều món rất ngon, như là mắm tôm, mắm ruốc, khô mực, khô cá v.v... nhưng những món này lưu trữ trong hơi thở rất lâu nên khi ta ợ lên thì rất hôi.
J. Tuổi tác (aging)
Mùi của hơi thở thay đổi theo tuổi tác. Ta hay bảo hơi thở của trẻ em thơm như mùi sữa. Lớn lên, từ tuổi vị thành niên (adolescence) đến tuổi trung niên (middle age), hơi thở đã kém thơm tho. Càng lớn tuổi, hơi thở càng... có mùi, dù ta giữ gìn răng miệng đúng cách. Vì càng lớn tuổi, các tuyến nước bọt trong miệng bị teo nhỏ lại thì số lượng và chất lượng nước bọt cũng bị giảm đi đưa tới bệnh hôi miệng.
(N-KV-H)