Đối phó với chứng hôi miệng
Các chuyên gia y tế đánh giá chứng hôi miệng khiến cho một nửa người trưởng thành trên thế giới cảm thấy khổ sở, đặc biệt là đối với những ai làm công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Để tìm ra chứng hôi miệng, cần phân biệt hôi miệng do nguyên nhân nào, bệnh đến từ miệng hay do các bệnh từ các bộ phận khác trong cơ thể. Về mặt hoá học, mùi hôi ở miệng là do các hợp chất lưu huỳnh sulfur gây ra.
Các hợp chất này phần lớn là do vi trùng trong miệng sinh ra trong quá trình phân huỷ thức ăn. Hành tỏi và một vài thực phẩm khác khi ăn cũng có thể gây mùi hôi. Những thực phẩm này sau khi được tiêu hoá ở dạ dày và ruột, được hấp thụ vào máu, đưa lên phổi và bốc ra theo hơi thở. Rượu cũng có cơ chế bốc hơi theo kiểu này nên người ta dễ dàng đo được nồng độ rượu.
Hôi miệng cũng có thể có nguyên nhân từ các bệnh về răng miệng. Nếu bạn không đánh răng mỗi ngày, những thức ăn dính trong miệng sẽ hấp thu vi trùng gây ra mùi hôi. Một lớp vi trùng sẽ đóng màng chân răng, nếu không được vệ sinh sẽ gây sưng chân nướu và sâu răng, tạo ra chứng hôi miệng. Những bộ răng giả đeo không vừa cũng có thể tạo ra những túi vi trùng gây ra chứng hôi miệng.
Chứng khô miệng cũng có thể khiến hơi thở bị hôi. Bình thường, tuyến nước bọt giúp cho miệng được giữ sạch và ướt. Miệng khô sẽ làm cho những tế bào chết dính trên lưỡi, nướu răng và trong má, những tế bào này sau khi bị hư hại sẽ gây ra mùi hôi. Khi chúng ta ngủ, miệng khô nên sáng dậy miệng cũng không được thơm tho cho lắm. Nếu bạn ngủ há miệng sẽ khiến cho miệng khô và hôi nhiều hơn.
Một số bệnh như nhiễm trùng phổi kinh niên hay sưng nhọt trong phổi cũng gây ra mùi hôi khó chịu. Bệnh suy thận khiến hơi thở có mùi như nước tiểu, bệnh suy gan lại có mùi như cá tanh, bệnh dạ dày cũng gây ra mùi hôi. Bệnh viêm xoang cũng gây ra mùi hôi vì nước mũi chảy xuống đằng sau họng. Những mụn trong miệng cũng thường đi kèm theo mùi hôi khi chúng ta thở.
Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây chứng hôi miệng, vì hút thuốc làm miệng khô, thở hôi. Bên cạnh đó, thuốc lá cũng có tính hôi riêng của nó, người hút cũng dễ bị viêm nướu dẫn đến hôi miệng. Vệ sinh răng miệng thường xuyên, khoa học là cách chống hôi miệng hiệu quả.
Cách bảo vệ hơi thở tốt nhất là bạn nên thực hiện tốt việc vệ sinh răng miệng. Trước hết, bạn phải làm sạch lưỡi bằng bàn chải hay dụng cụ để cạo lưỡi chuyên biệt. Đây là công việc rất quan trọng trong điều trị hôi miệng và cần thực hiện trước khi chải răng, bởi vì cạo lưỡi sau khi đánh răng dễ bị phản xạ nôn.
Việc chải răng cũng cần phải chú ý, bạn phải chọn loại bàn chải thích hợp, khi chải nên chú ý chải sạch các khe nướu. Bạn nên dùng chỉ nha khoa để vệ sinh các kẽ chân răng.
Nếu các biện pháp này không mang lại hiệu quả cao, bạn có thể dùng các dung dịch súc miệng đặc trị hôi miệng, chúng có khả năng diệt khuẩn các loại vi khuẩn kỵ khí hoặc có khả năng phân huỷ các hợp chất lưu huỳnh có mùi hôi. Tuy nhiên, không phải dung dịch súc miệng nào cũng tốt trong điều trị hôi miệng. Phần lớn các dung dịch súc miệng trên thị trường đều có thành phần cồn, sẽ gây khô miệng và làm cho tình trạng hôi miệng trở nên trầm trọng hơn. Nên súc miệng buổi tối thì hiệu quả hơn vì vi trùng sinh mùi hoạt động về ban đêm nhiều hơn. Kẹo cao su hoặc thuốc xịt thơm miệng chỉ có tác dụng tạm thời.
Bạn nên uống nhiều nước để tăng lưu lượng nước bọt trong miệng. Nên bỏ thuốc lá, không nên uống nhiều rượu. Bạn nên đi khám định kỳ 6 tháng hoặc một năm một lần để kiểm tra răng và làm sạch răng. Khi đó, nếu vẫn còn hôi miệng thì hãy xem các thức ăn đã dùng, các loại thuốc đã sử dụng, hoặc các bệnh mắc phải để tìm cách khắc phục.
(Theo Gia đình & Xã hội)