Những điều cần biết khi chăm sóc răng miệng

Ông bà xưa có nói: "Cái răng, mái tóc là gốc con người", hiểu một cách nôm na thì hàm răng đẹp, mái tóc mượt mà là điều đẹp nhất của con người về mặt hình thức. Nếu gạn lọc thêm một ý nghĩa khác trong câu nói này thì hàm răng đẹp và mái tóc mượt chính là sự biểu hiện tốt của việc chăm sóc chu đáo và toàn diện về sức khỏe răng miệng và tóc.

Tổ Chức Sức khỏe Thế Giới định nghĩa sức khỏe như sau: "Sức khỏe là một trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là một tình trạng không có bệnh hay tàn tật". Do vậy, Chăm sóc sức khỏe răng miệng nói chung, khám và điều trị bệnh răng miệng nói riêng phải nhằm đạt 3 yêu cầu:

• Yêu cầu về chức năng

• Yêu cầu về thẩm mỹ

• Yêu cầu về dự phòng.

Bất kỳ một bệnh, tật hoặc tình trạng răng miệng nào khi được điều trị ngoài việc chữa trị cho lành bệnh còn phải phục hồi hay đảm bảo các chức năng như: ăn nhai, phát âm...

Việc điều trị cũng phải nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ, tức vẻ đẹp bên ngoài. Một người mất răng khi làm răng giả phải đảm bảo chức năng ăn nhai tốt đồng thời phải đẹp (ví dụ như dạng răng, màu răng... phải hài hòa).

Ngoài ra các can thiệp điều trị còn phải tính đến khả năng dự phòng để bệnh đừng xảy ra nữa. Chẳng hạn như trám (hàn) 1 răng cần phải nghĩ đến vật liệu trám có tính phòng ngừa sâu răng tái phát...

Cả ba yêu cầu trên phải hài hòa và bổ sung cho nhau, nhưng yêu cầu chức năng là quan trọng nhất. Không nên vì muốn chỉnh hình vị trí một răng đẹp, trám thẩm mỹ một răng đẹp mà quên đi khớp cắn hai hàm, tình trạng mô nha chu... mà làm mất chức năng của răng hoặc làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

1. Hệ răng có cấu tạo như thế nào?

a. Hệ răng sữa và hệ răng vĩnh viễn

Như chúng ta đều biết, trong đời sống con người từ khi sinh ra, trưởng thành rồi mất đi mỗi người chúng ta đều có hai hệ răng: Đó là hệ răng sữa và hệ răng vĩnh viễn. Mầm răng sữa hình thành trong bào thai, chiếc răng sữa đầu tiên mọc vào lúc bé 07 tháng tuổi. Toàn bộ 20 răng sữa sẽ mọc vào khoảng từ 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi. Mầm răng vĩnh viễn một số được hình thành trong bào thai, còn lại hình thành sau khi bé chào đời. Chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên mọc lúc trẻ khoảng 06-07 tuổi và hoàn tất 32 răng vĩnh viễn (tính cả răng khôn) vào lúc 18-22 tuổi.

b. Cấu tạo của răng

Răng có nhiều thành phần:

• Lớp men răng ở ngoài cùng, cứng nhất là lớp che chở và bảo vệ cho răng

• Lớp ngà răng ở phía trong lớp men, là lớp dày nhất chứa nhiều ống ngà mạng sợi "cảm giác", là nơi chứa các nhóm thần kinh cực nhỏ xuất phát từ tủy răng giữ nhiệm vụ dẫn truyền cảm giác cho răng

• Hốc tủy (xoang tủy) ở trong cùng, chứa mạch máu và dây thần kinh. Mạch máu để nuôi dưỡng, thần kinh tủy răng để cảm nhận cảm giác.

c. Cấu tạo của mô nha chu

Răng cắm vào xương (xương hàm trên và xương hàm dưới) qua phần xương ổ răng. Bao bọc và nâng đỡ cho răng có mô nha chu. Mô nha chu bao gồm:

• Lớp bên ngoài là mô mềm gọi là nướu (lợi) răng

• Lớp nối răng với xương ổ răng là dây chằng nha chu. Lớp này như một hệ thống đệm giúp răng giữ chắc trong xương và giúp răng không bị "lún" khi có tác động bởi một lực mạnh quá mức.

• Lớp trong cùng là mô cứng chính là xi-măng chân răng (còn gọi là men chân răng).

Bệnh nha chu là bệnh của các thành phần kể trên. Hậu quả sau cùng của bệnh nha chu là răng lung lay và "rụng" đi.

Việc chăm sóc sức khỏe răng miệng đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức và biết cách chăm sóc từ lúc thai nhi còn trong bụng mẹ cho đến lúc già.

2. Chăm sóc răng miệng cho bà mẹ mang thai như thế nào?

Trong thời kỳ mang thai do có sự xáo trộn cân bằng nội tiết tố (hormone), nướu dễ bị viêm và chảy máu. Cũng trong thời kỳ này bà mẹ dễ bị mệt mỏi, nôn mửa và có cảm giác khó chịu khiến cho bà mẹ chễnh mảng việc vệ sinh răng miệng. Điều này sẽ làm cho bệnh sâu răng và nha chu sẵn có tiến triển nặng thêm. Vì vậy, bà mẹ nên đi khám răng và điều trị tất cả các bệnh răng miệng nếu có.

Bà mẹ nên ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, đặc biệt là can-xi là chất rất cần cho người mẹ và thai nhi. Khi mang thai được 4 tháng thì răng và xương của thai nhi bắt đầu hấp thu can-xi. Khi mang thai được 7-9 tháng thì thai nhi cần nhiều can-xi và phốt-pho hơn. Các chất này có trong những thức ăn hàng ngày. Sữa và những sản phẩm của sữa là nguồn chứa can-xi tốt nhất.

Nhiều người cho rằng "Răng sẽ bị hư sau mỗi lần mang thai" hay "Sanh một đứa con mất một chiếc răng". Điều này không đúng, thai nhi không lấy can-xi từ răng của người mẹ. Nếu như người mẹ dinh dưỡng và giữ vệ sinh răng miệng tốt thì chắc chắn rằng răng và nướu sẽ khỏe mạnh.

Cần lưu ý là, khi trẻ mới sanh ra không có vi khuẩn gây sâu răng trong miệng. Khi răng mọc, vi khuẩn gây sâu răng có thể truyền qua trẻ chủ yếu là do người mẹ qua nếm thức ăn, nhai nhuyễn thức ăn trong miệng của mẹ rồi đút cho con. Do vậy các bà mẹ nên tránh làm những điều này vì có thể gây sâu răng cho trẻ.

3. Chăm sóc răng miệng cho trẻ em trước tuổi đi học như thế nào?

Bà mẹ phải giúp trẻ giữ gìn bộ răng sữa đầy đủ, góp phần cho răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí sau này. Cần phải làm sạch răng cho bé mỗi ngày bằng một miếng gạc hay một miếng vải sạch, ướt. Sau đó dùng bàn chải có lông mềm để chải tất cả các mặt răng cho bé, chỉ cần chải với nước sạch. Các thói quen xấu ở lứa tuổi này cần tránh là: mút núm vú giả, mút ngón tay, bú bình sữa lúc ngủ.

Khi trẻ được 2-3 tuổi nên cho trẻ đi khám răng sớm. Bác sĩ răng hàm mặt sẽ phát hiện những dấu chứng sớm của bệnh sâu răng và sẽ hướng dẫn những lời khuyên hữu ích. Việc khám răng sớm còn giúp bé làm quen với phòng khám răng, làm bé vui vẻ và tự tin trong các lần khám răng sau.

Việc sử dụng Fluor rất cần thiết để bảo vệ răng không bị sâu vì:

• Fluor làm cho men răng cứng chắc hơn

• Ức chế sự hoạt động của vi khuẩn

• Ngăn chặn sự thành lập của mảng bám.

Fluor được dùng dưới dạng toàn thân (Fluor hóa nước máy, viên fluor) hay dưới dạng tại chỗ (nước súc miệng có Fluor, kem đánh răng có Fluor, gel Fluor).

4. Chăm sóc răng miệng cho thanh thiếu niên như thế nào?

  • Trẻ em 9-10 tuổi có thể tự chải sạch răng. Nhà trường và cha mẹ sẽ dạy cho trẻ phương pháp chải răng đúng cách. Bệnh sâu răng và bệnh nha chu được phòng ngừa bằng cách chải răng mỗi ngày, ngay sau khi ăn. Hạn chế ăn quà vặt (nhất là thức ăn có nhiều chất ngọt, dễ bám dính lên mặt răng: kẹo mạch nha, chocolate, kẹo đậu phộng, thức uống ngọt...). Chú ý tránh các thói quen xấu có hại cho sự phát triển của hàm răng: ngồi học chống cằm, đưa lưỡi ra trước, cắn bút chì, thở bằng miệng, cắn móng tay, mút ngón tay cái... Khi đến tuổi dậy thì, trẻ em hay bị viêm nướu nên cần phải đặc biệt chú ý.

5. Chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi như thế nào?

  • Người cao tuổi có thể bị khô miệng, cảm thấy răng dài ra, mòn răng, thay đổi thói quen ăn uống, có thể có những vết loét ở niêm mạc miệng hay ở lưỡi. Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nha khoa để được tư vấn.

6. Chăm sóc răng miệng như thế nào để có hàm răng khỏe và đẹp?

  • Tóm lại, để có một hàm răng khỏe và đẹp chúng ta cần phải:

- Ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, hợp lý. Thức ăn bổ cho cơ thể cũng là thức ăn bổ cho răng và nướu. Hạn chế ăn quà vặt có nhiều chất đường, bột dính.

- Sử dụng các dạng Fluor để ngừa sâu răng

- Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần

- Chải răng ngay sau khi ăn là điều quan trọng nhất và phải thực hiện thành thói quen, suốt đời.

7. Cần lưu ý những gì khi đi khám và điều trị ở các cơ sở răng hàm mặt?

  • Khi đến khám và điều trị bệnh răng miệng tại cơ sở răng hàm mặt, người bệnh nên trình bày rõ yêu cầu của mình (lý do đến khám), trình bày rõ tiền sử bệnh (bệnh tật trước đây, thuốc dùng điều trị, nhổ, trám, chữa thế nào...) và hợp tác tốt với thầy thuốc trong quá trình điều trị. Khi bác sĩ khám và giải thích kế hoạch điều trị, người bệnh cần tuân thủ những chỉ định của thầy thuốc.

Một chỉ định không đúng hay một phương cách điều trị không đúng sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại, không những không chữa dứt bệnh mà còn tạo ra nhiều biến chứng trầm trọng khác. Có nhiều bệnh nhân khi đến điều trị tại các cơ sở nha khoa, nhất quyết yêu cầu bác sĩ điều trị theo ý muốn của mình. Những ý muốn ấy có khi không đúng (về góc độ chuyên môn), có khi trái chỉ định hay vượt quá điều kiện hiện có mà nếu thực hiện theo thì có thể dẫn đến những hậu quả trầm trọng về sau. Do vậy, tốt nhất là người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn và phương cách điều trị của bác sĩ.

Ngày nay với sự tiến bộ của y học, kỹ thuật và công nghệ, ngành Răng Hàm Mặt nói chung và nha khoa thẩm mỹ nói riêng đã có nhiều bước tiến đáng kể. Thật ra, những can thiệp nào trên vùng răng hàm mặt đều phải đảm bảo tính thẩm mỹ chẳng hạn như trám răng, làm răng giả cố định, làm răng hàm giả tháo lắp, chỉnh hình răng mặt, phẫu thuật hàm mặt, tạo hình hàm mặt, phẫu thuật laser, làm Implant...

• Phẫu thuật bằng Laser: ứng dụng để cắt thắng, cắt bỏ sang thương lành tính, làm láng bóng da, tẩy trắng răng.

• Phẫu thuật thẩm mỹ vùng mặt: nâng mũi, tạo hình cằm, tạo hình mũi, sửa chữa khiếm khuyết da mặt...

• Trám răng thẩm mỹ: bằng các vật liệu mới với đèn halogen.

• Phục hình răng các loại

• Tẩy trắng răng tại chỗ hay tại nhà

• Chỉnh hình răng mặt nhằm điều chỉnh những chỗ bất hài hòa giữa răng và hàm chẳng hạn như răng "hô", răng "móm", răng sai lạc vị trí, răng mọc chen chúc... Ngày nay, điều trị chỉnh hình răng mặt thường dùng các kỹ thuật sau đây: nhổ răng tuần tự, hàm chỉnh hình tháo lắp, hàm chỉnh hình cố định, phẫu thuật chỉnh hình. Điều trị chỉnh hình răng mặt về nguyên tắc không hạn chế tuổi, 7 tuổi đến 15 tuổi là độ tuổi thuận lợi nhất cho điều trị chỉnh hình răng mặt.

Khi điều trị chỉnh hình răng mặt thường cần thời gian dài từ vài tháng đến vài năm, người bệnh phải kiên trì và hợp tác tốt với bác sĩ. Các răng phải được giữ sạch sẽ để tránh bị sâu răng và viêm nướu.

Can thiệp quá sớm hay quá muộn đều đưa đến kết quả không hoàn mỹ. Để điều trị chỉnh hình răng mặt đúng cần phải khám kỹ lưỡng trên lâm sàng kết hợp phim X quang (toàn cảnh, khớp, sọ-mặt...). Ở trẻ còn quá nhỏ có nhiều trường hợp người nhà cảm thấy răng trẻ không đẹp nhưng thật ra trẻ còn bé, chưa hoàn tất việc phát triển răng hàm và sọ mặt nên chưa cần phải can thiệp điều trị.

Trong quá trình đi khám và điều trị ở các cơ sở răng hàm mặt, người bệnh cần lưu tâm đến tình trạng vệ sinh vô trùng để phòng ngừa lây nhiễm chéo. Người bệnh nên đến các cơ sở răng hàm mặt của nhà nước hay tư nhân có giấy phép hành nghề, có uy tín, người làm có trình độ và bằng cấp nhất định... Hiện nay, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương, bệnh viện Răng Hàm Mặt TP. Hồ Chí Minh, khoa Răng Hàm Mặt Đại Học Y Dược TPHCM là những địa chỉ rất đáng tin cậy.

Tóm lại, để cho việc điều trị các bệnh răng miệng thành công, người bệnh cần nhớ là:

• Đến địa chỉ tin cậy và có giấy phép

• Nêu rõ yêu cầu của mình

• Tường thuật chi tiết tiền sử bệnh

• Lưu ý đến việc bảo đảm sự hài hòa giữa chức năng, thẩm mỹ và dự phòng trong đó yêu cầu chức năng là quan trọng nhất

• Hợp tác và tuân thủ qui trình kỹ thuật chuyên môn của thầy thuốc

• Lưu ý đến tình trạng vệ sinh vô trùng ở cơ sở.

TS. BS. Ngô Đồng Khanh

Phó Giám đốc BV. Răng Hàm Mặt Trung ương