Thuốc tê lidocain: Xin chớ xem thường...
Lidocain là thuốc tê rất thông dụng trong các ca tiểu phẫu gây tê tại chỗ dùng trong các khoa răng hàm mặt, tai mũi họng, ngoại sản... Tuy thông dụng nhưng chớ xem thường, vì những đột biến do thuốc gây ra khiến việc cấp cứu lâm vào tình trạng trở tay không kịp...
Lidocain là thuốc gì?
Đây là thuốc gây tê còn có các tên biệt dược khác là xylocain, lignocain, thường dùng dưới dạng thuốc tiêm gây tê phối hợp với chất co mạch để giảm hấp thu thuốc. Tác dụng gây tê xuất hiện nhanh và kéo dài hơn so với thuốc gây tê cổ điển là procain. Thuốc còn có tác dụng chống loạn nhịp tim.
-Khi dùng gây tê tại chỗ, thuốc có thể tạo ra tác dụng phụ như viêm tắc tĩnh mạch và nhất là gây sốc phản vệ.
-Khi dùng làm thuốc chống loạn nhịp thì có thể bị phản ứng toàn thân như: buồn ngủ, lú lẫn, chậm nhịp tim, hạ huyết áp.
-Còn nếu quá liều thì gây trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim hoặc ngưng tim, ngưng hô hấp dẫn đến tử vong.
Vì vậy, lidocain là thuốc độc bảng B, do bác sĩ chỉ định điều trị.
Do tạo ra tác dụng nhanh nên lidocain được chế tạo dưới nhiều dạng thuốc để dễ sử dụng như thuốc tiêm chích, dung dịch phun sương (spray), thuốc mỡ (cream), thuốc lỏng uống, thuốc dán (patch)...
Tai nạn với lidocain
Tai nạn nguy hiểm nhất khi sử dụng lidocain là sốc phản vệ dễ dẫn đến tử vong. Sau đây là một trường hợp điển hình:
Một cô gái tử vong khi chỉ còn mấy ngày nữa là đến sinh nhật thứ lần 19. Cô gái xấu số đó sinh năm 1986, đang học năm đầu tiên tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Khi thấy những dấu hiệu bất thường trong cơ thể mình, cô đến Phòng khám Đa khoa Việt Bắc, tại số 373 Lương Ngọc Quyến, Theo kết luận giám định pháp y của Viện khoa học hình sự, thì nguyên nhân dẫn đến tử vong là do sốc thuốc lidocain - một loại thuốc giảm đau.
Sở Y tế Thái Nguyên đánh giá: bác sĩ thực hiện chưa đầy đủ theo các bước như quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế quy định như: không cho bệnh nhân ký cam kết tự nguyện khi phá thai, không cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau trước nửa giờ. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Thái Nguyên thì những sai sót đó không có liên quan đến việc sốc do thuốc.
Cũng theo Sở Y tế Thái Nguyên thì trong quá trình cấp cứu cho bệnh nhân, việc dùng các loại thuốc theo diễn biến tình trạng của bệnh nhân này là phù hợp, tuy nhiên nhận định này chỉ dựa trên bản tường trình của bác sĩ trực tiếp thực hiện và phòng khám!
DS. TRƯƠNG TẤT THỌ