Bệnh nghiến răng và những tác hại của nó


Mặt nhai của răng rất dễ mòn do lực nghiến.
Stress là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng nghiến răng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể có các nguyên nhân khác như: các cản trở vướng cộm ở khớp cắn, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, suy dinh dưỡng, rượu và thuốc lá, yếu tố di truyền.

Khoảng 5- 20% dân số có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nghiến răng, nhưng chỉ 5-10% nhận biết được điều này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, nghiến răng là sự nghiến hoặc siết chặt các răng một cách quá mức, thường diễn ra khi ngủ (không có ý thức). Do lực sử dụng trong động tác này lớn gấp nhiều lần lực phát sinh khi nhai nên tật nghiến răng không chỉ tạo ra âm thanh khó chịu cho người xung quanh mà còn gây mòn răng. Răng sẽ bị mất hết lớp men, lộ ra lớp ngà vàng hơn, bị ê buốt, nứt gãy các múi răng, lung lay hoặc rụng. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm hư hỏng các phục hồi nha khoa như làm gãy, sứt miếng hàn, gãy các hàm giả tháo lắp hoặc cố định. Việc răng bị mòn sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt, làm bệnh nhân trông già hơn.

Do các cơ hàm bị co thắt trong suốt thời gian nghiến, người bệnh có thể bị mỏi, đau các cơ, đau đầu, cổ. Các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại, làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông (do phì đại cơ cắn ở cả hai bên), rối loạn khớp thái dương-hàm. Các dấu hiệu đầu tiên thường thấy là khó chịu hoặc đau ở khớp, há miệng khó, có tiếng kêu lụp cụp khi há miệng hoặc khi đang nhai. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bệnh nghiến răng trên cơ và khớp thái dương- hàm thường không được bệnh nhân phát hiện một cách dễ dàng.

Một trong những phương pháp đối phó với bệnh nghiến răng là mang máng nhai. Dụng cụ này có tác dụng ngăn chặn sự phá hại răng, làm giảm tình trạng đau cơ và khớp thái dương - hàm. Cũng có thể áp dụng kỹ thuật mài để điều chỉnh, loại bỏ các vướng cộm khớp cắn. Ngoài ra, bệnh nhân cần thay đổi cách sống, tập yoga... để làm giảm stress, đồng thời loại bỏ thói quen hút thuốc, uống rượu.

Người Lao Động