Trám răng thẩm mỹ như thế nào?


  • Trám răng thẩm mỹ (Cosmetic filling, esthetic restoration, atraumatic restoration): là cách trám nhóm răng cửa cho đẹp vì màu sắc của chất trám thẫm mỹ rất giống màu men và ngà răng.
  • Kỹ thuật trám răng thẩm mỹ làm giảm thiệt hại cho ngà răng vì không phải đào lỗ xoang sâu rộng ra như phương pháp trám răng cũ phải làm ngàm hình đuôi én, làm ngà răng bị mất chất nhiều.

  • Chất trám thẩm mỹ bám dính vào men và ngà răng do kỹ thuật dán, do đó không cần đào xoang theo cổ điển là đáy xoang phải lớn hơn miệng xoang . Chất trám cũ không có độ bám dính vào ngà răng nên phải làm ngàm (retension) để miếng trám không bị sút. Ngàm trong kỹ thuật trám răng cũ cũng giống như trong nghề mộc phải tạo ngàm hình đuôi én để miếng trám không bị sút ra.

Chất trám răng cũ ngày trước là xi măng silicate và composite trùng hợp hoá học. Khi trộn 2 phần của chất trám với nhau: Một bột + một nước , hoặc chất trám + catalyst thì vật liệu trám sẽ cứng bằng phản ứng hoá học trong vòng 3-5 phút. Khuyết điểm của vật liệu trám răng cũ là khi trộn 2 phần không chính xác là bằng nhau, ảnh hưởng đến độ cứng của chất trám, chất trám dễ bị đổi màu.

  • Chất trám thẩm mỹ mới là composite quang trùng hợp (light cured composite), được làm cứng bằng ánh sáng đèn hallogen hoặc LED (Light emitted diode) có bước sóng màu xanh tím. Thời gian quang trùng hợp từ 20-40 giây. Kỹ thuật trám bây giờ chính là kỹ thuật dán vì chất trám bám dính vào ngà và men răng bằng một lớp keo mà ta gọi là kỹ thuật bonding. Nhưng muốn cho men và ngà răng có độ bám dính cao, người ta phải làm cho men bị rỗ mặt bằng phương pháp etching với dung dịch axit nhẹ (Phosphoric acid từ 25%-34%). Sau khi đã làm rỗ mặt men và ngà răng, BS mới dùng chất keo (adhesive, bond) bonding để dán và làm cầu nối giữa men răng với chất trám.

Hiện nay với kỹ thuật mới tiến bộ hơn các giai đoạn etching và bonding được làm đơn giản bằng một loại keo dán mới vừa etching vừa bonding nhanh và tiện lợi hơn (chất dán 3 trong 1: có nghĩa là vừa etching men, etching ngà và bonding cùng một lúc).

Trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu composite và nhiều nhà sản xuất. Các BS phải chọn cho mình loại composite thích hợp,nhưng không thể dùng một loại cho tất cả các răng được, mà phải tuỳ trường hợp để có sự chọn lựa đúng. BS phải có kinh nghiệm trong chọn lựa chất trám, phải có tay nghề vững. Vì không phải trám răng và không thể trám với một chất trám duy nhất. Đã nói là trám thẩm mỹ thì miếng trám phải đẹp và giống màu răng thật. Nếu không sử dụng đúng cách,thao tác không đúng kỹ thuật, thì sau khi trám màu sắc sẽ không đạt, hình dáng răng không như răng thật. Tất cả còn tùy thuộc vào tay nghề của BS vì với một loại composite của một hảng sản xuất thì chưa đủ, chất trám khi sử dụng sẽ lòi ra ưu điểm nầy, nhưng có khuyết điểm ở chỗ khác.

  • Chất trám thẩm mỹ nhờ đặc điểm về màu sắc đẹp tương ứng với ngà răng, thích hợp trong trám răng thẩm mỹ nhưng ngoài việc sử dụng để trám các răng sâu, composite còn được dùng trong các trường hợp sau:

+ Trám đắp mặt răng đổi màu

+ Trám các răng bị hở kẻ

+ Trám các cổ răng bị mòn do chải răng không đúng cách

+ Cố định các răng lung lay

+ Gắn các móc của khí cụ chỉnh hình răng trẻ em

+ Tạo cùi răng trong các mão răng và cầu răng

  • Tuy chất trám composite quang trùng hợp là chất trám thẩm mỹ vì có màu sắc đẹp, giống màu răng và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong ngành nha khoa, nhưng vẫn còn một số nhược điểm như:

- Màu sắc của chất trám chỉ giữ được một thời gian khoảng 2-5 năm, sau đó màu composite sẽ bị đổi thành sậm hơn, nâu hơn, đục hơn men răng.

- Composite có tính co rút nên với thời gian xoang trám bị co lại, nước có thể ngấm vào bên dưới ngà răng, miếng trám có thể bị sút

- Độ mài mòn và chịu lực kém hơn chất trám amalgam bạc, do đó không bền bằng amalgam.

Bs.Trần Ngọc Đỉnh