RĂNG SỨ CHO HÀM GIẢ THÁO LẮP
Quá trình sản xuất răng sứ cho hàm giả hầu như sử dụng loại sứ nung ở nhiệt độ trung bình và nhiệt độ cao. Vật liệu nguyên chất để tạo nên răng sứ cho hàm giả tháo lắp thường bao gồm chủ yếu là trường thạch, 15% thạch anh (quartz), 4% sét trắng (Kaolin, clay) để làm tăng khả năng ép khuôn. Khối chất mềm dẻo được tạo thành từ hỗn hợp này cùng với những chất màu được thêm vào được đưa vào khuôn kim loại và nung trong chân không nhằm làm giảm sự lổ rỗ. Răng sứ cho hàm giả thường kết hợp hai hay nhiều loại sứ có độ trong mờ khác nhau cho mỗi răng theo một số mẫu. Trong quá trình nung, răng sứ được tráng men bởi thuỷ tinh được tạo ra từ trường thạch. Các răng sứ được thiết kế sao cho có thể lưu vào nền hàm bằng sự lưu cơ học. Các răng trước được tạo ra có một pin kim loại đính kèm ở mặt trong, pin này sẽ được phủ xung quanh bởi nhựa của nền hàm trong quá trình ép nhựa. Các răng sau thì có lỗ hổng ở mặt nướu để nhựa của nền hàm chảy vào tạo lưu.
Các răng giả cho hàm tháo lắp thường được sản xuất theo chuẩn về mặt giải phẫu và màu sắc. Nhà sản xuất thường có một bảng so màu đi kèm có đủ loại màu răng và độ trong mờ, nha sĩ sẽ dựa vào những răng thật tự nhiên còn lại của bệnh nhân để có thể chọn lựa màu sắc răng giả cho phù hợp. Cả răng giả bằng nhựa và răng giả bằng sứ đều có thể dùng cho hàm giả tháo lắp bán phần và toàn phần. Răng giả bằng sứ thường được cho là có độ thẩm mỹ cao hơn răng giả bằng nhựa. Bên cạnh đó, răng sứ thường có độ kháng mòn cao hơn, dù rằng người ta đang cố gắng phát triển các hợp chất polymer nhằm làm tăng khả năng kháng mòn của răng nhựa. Tuy thế, răng giả bằng nhựa vẫn được sử dụng rộng rãi dù có những đặc tính khác biệt và thua kém hơn so với răng sứ. Răng sứ còn có một ưu điểm nổi bật là loại duy nhất trong các loại răng giả cho phép thay thế toàn bộ nền hàm giả, nghĩa là có thể được dùng lại trong trường hợp cần ép nhựa lại nền hàm giả.
Răng nhựa thường được dùng trong trường hợp các răng đối diện là răng thật, bệnh nhân có tình trạng sống hàm và mô nâng đỡ kém nhằm làm giảm sự mài mòn và chấn thương. Răng sứ thường cứng hơn và không hấp thụ lực nhai tốt như răng nhựa, điều này có thể dẫn đến sự tiêu xương bên dưới nền hàm giả do lực được truyền xuống mô nâng đỡ bên dưới.
BS.Huỳnh Thị Mỹ Trang
benhvienthammy.com.vn
Nguồn tài liệu cho bài viết:
1. Robert G. Craig, William J. O’Brien, john M. Powers, Dental Porcelain, Dental Materials Properties & Manipulation 6th edition, Mosby (1995), trang 265-277
2. V.G Sukumaran and Narasimha Bharadwaj, Ceramic in Dental Application, Trends in Biomaterials and Artificial Organs (2006)
William J. O’Brien, Dental Porcelain, Dental Materials and Their Selection 3rd edition, Quintessence Publishing Co Inc (2002), trang 210-223