81% trẻ em từ 4 - 8 tuổi bị sâu răng sữa


tre-em-sau-rang-suaĐây là kết quả điều tra được Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - Trường Đại học Y Hà Nội công bố ngày 5/4 thực hiện trên nhóm trẻ em 4 - 8 tuổi ở 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Bình, Bình Thuận và Tiền Giang tháng 3/2010.

  • Theo TS. Trương Mạnh Dũng, Viện trưởng Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - Đại học Y Hà Nội, hiện nay tỷ lệ sâu răng sữa, mất răng sữa ở trẻ nhỏ rất cao và đang là một hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ về cách chăm sóc sức khoẻ con cái. Bởi nếu răng sữa mất sớm, trẻ sẽ kém phát triển khả năng nhai, phát âm không chuẩn, hàm răng bị xô lệch ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thể chất.
  •  Ngoài ra, khi sâu răng ảnh hưởng đến khả năng nhai của trẻ sẽ ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hoá như dạ dày. Nguy hiểm hơn, những chiếc răng sâu chính là các ổ nhiễm khuẩn, là nguyên nhân gián tiếp gây nên các bệnh hô hấp, khớp, tim mạch hay viêm xoang.

Cuộc điều tra mới được Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, hầu hết các trẻ cũng như các phụ huynh của trẻ khi được hỏi cho biết: chỉ có 4,7% trẻ sâu răng được đi hàn, chữa răng và chỉ 0,2% trẻ sâu răng vĩnh viễn được hàn răng. 65% số phụ huynh của trẻ cho biết, đã từng đưa con đi khám, chữa răng nhưng chỉ trong trường hợp răng của trẻ bị lung lay hoặc răng đã hỏng không thể phục hồi được. 81% trẻ em từ 4 - 8 tuổi bị sâu răng sữa; 16,3% bị sâu răng vĩnh viễn; 25,3% bị mất răng sữa và 90,4% trẻ có cặn bám trên răng. Khi đó, các bậc phụ huynh đưa con đến các cơ sở nha khoa chỉ để nhổ răng. Trong khi đó, TS. Dũng cho rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh là điều tối quan trọng đối với mỗi gia đình.

Cách phòng bệnh răng miệng tốt nhất cho trẻ chính là chải răng cho trẻ mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Bởi kem đánh răng chứa chất flour sẽ giảm được 50% lượng vi khuẩn bám trên răng, miệng, do đó sẽ giảm được 50% tỷ lệ sâu răng ở trẻ. Theo TS. Dũng, trẻ phải được đánh răng buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ với mỗi lần chải ít nhất là 3 phút. Bởi chải răng sau khi ăn mới làm sạch được các kẽ răng, hạn chế những thức ăn và cặn bám lại trên răng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, có đến trên 90% trẻ được khám có cặn bám trên răng do không được vệ sinh răng sạch sẽ sau khi ăn. Chải răng buổi tối rất quan trọng vì thức ăn trong miệng qua đêm, nếu không được làm sạch sẽ bị phân huỷ và bị vi khuẩn tấn công răng miệng. Đối với trẻ nhỏ, khi chiếc răng đầu tiên nhú lên phải được chải bằng khăn gạc mềm. Đến khi trẻ được 2 tuổi phải được chải bằng kem chải răng có fluor theo thứ tự răng trước - răng trong; hàm trên - hàm dưới và mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai để bảo đảm không còn thức ăn thừa bám trong các kẽ răng.

Các bác sĩ nha khoa khuyến cáo, bên cạnh việc vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách, từ 6 tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn. Trong số các răng vĩnh viễn này, nếu răng số 6 không được giữ gìn tốt sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các dây thần kinh, do đó ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung học tập và sức khỏe sau này của trẻ

Mai Trang-SKĐs