Điều trị nấm miệng candida ở trẻ em

dieu-tri-nam-mieng1.  Chọn thuốc nào là tốt cho điều trị nấm miệng ở trẻ nhũ nhi khỏe mạnh ?

- Đối với trẻ khỏe mạnh thì rơ miệng tại chỗ bằng thuốc kháng nấm

- Loại bỏ các yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển gây bệnh, và tăng cường vệ sinh răng miệng

- Nystatin dạng uống được nghiền nát hay dạng bột hòa nước để rơ miệng tại chỗ là chọn lựa an toàn cho bé. Tuy nhiên hoạt chất này có vị hơi khó chịu cho bé khi rơ miệng

 

- Miconazole dạng  gel  dùng rơ miệng tại chỗ thì hiệu quả hơn so với nystatin rơ miệng cho trẻ bị nấm miệng  Candida và mùi vị được các trẻ chấp nhận tốt hơn

- Fluconazole không được chấp thuận dùng cho trẻ có hệ miễn dịch bình thường, mặc dù có  hiệu quả

- Thuốc Tím Gentian có thể hiệu quả nhưng có thể gây loét niêm mạc và làm bẩn da, áo quần

- Tuyệt đối không dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi nhỏ hơn 1 tuổi vì trong mật ong có thể chứa bào tử vi khuẩn clostradium botulinum, có thể  chuyển dạng thành vi khuẩn sống có độc lực gây bệnh nguy hiểm cho trẻ

2.  Rơ miệng thế nào cho hiệu quả và dễ chịu cho bé ?

Vì  rơ miệng có thể kích thích gây nôn ói cho trẻ, nên thời điểm rơ miệng tốt nhất là lúc bụng bé đói hay trống thức ăn, và nên theo các trình tự sau:

- Vệ sinh tay bà mẹ thật sạch sẽ

- Lấy miếng gạc rơ miệng quấn quanh ngón tay (ngón chọn để rơ miệng phải có kích cỡ  phù hợp độ rộng của miệng bé ) và nhúng trong nước chín, nguội để làm mềm miếng gạc rơ miệng nhằm tránh ma sát làm đau bé khi rơ miệng

- Dùng miếng gạc thấm thuốc chống nấm Nystatin hay Miconazole với lượng  vừa đủ

- Nếu nấm miệng nhiều nơi, thì nên rơ theo thứ tự : hai bên má, vùng khẩu cái trên miệng và lưỡi rơ sau cùng, từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn ói cho trẻ

3.   Khi nào thì cần dùng thuốc uống điều trị toàn thân ?

Đa số nấm miệng ở trẻ em chỉ cần dùng thuốc rơ miệng tại chỗ là có thể điều trị thành công nấm miệng Candida, chỉ một số hiếm trường hợp phải dùng thuốc uống tác dụng toàn thân, đó là:

Không đáp ứng thuốc kháng nấm bôi tại chỗ

Trẻ suy giảm miễn dịch

4. Nguyên nhân nấm miệng kéo dài hoặc tái phát sau điều trị ở trẻ ?

- Mặc dù một số trẻ bị nấm miệng được điều trị đúng thuốc, đủ thời gian nhưng sau đó hay bị tái phát, hay kéo dài là do bị tái nhiễm từ các dụng cụ sinh hoạt có nhiễm  nấm Candida chưa được làm sạch hoặc thay thế như các núm vú giả, bàn chải, và đồ chơi  bị nhiễm.

-  Trẻ còn bú mẹ bị tái nhiễm: có thể do núm vú mẹ mang nấm Candida  ( núm vú mẹ đau, rát, bỏng, ngứa hay hồng ban...), và khi đó nên  bôi thuốc chống nấm lên núm vú của mẹ

- Trẻ nhỏ dưới  6 tháng tuổi:  thường do vật dụng có mang nấm Candida hay núm vú mẹ nhiễm nấm.

- Trẻ trên 6 tháng tuổi: thường do dùng kháng sinh kéo dài, hay bị suy giảm miễn dịch

5. Phòng ngừa nấm miệng tái phát như thế nào  ?

- Giữ núm vú giả, đồ chơi, dụng cụ cho ăn sạch sẽ

- Xúc miệng sau khi hít corticoid trong điều trị phòng ngừa suyễn

- Thường xuyên uống nước để tránh khô miệng.

- Giữ và vệ sinh sạch dụng cụ chỉnh nha, răng giả với các cháu có sử dụng

- Sử dụng kháng sinh, corticoid  đúng chỉ định của Bác sỹ

- Với các bé có tiểu đường thì phải kiểm soát tốt đường huyết

ThS. BS Nguyễn Đình Huấn-BVNĐ 1