Viêm nướu răng ở trẻ em


  • viem-nuou-rang-a1Viêm nướu răng là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em và gây ra nhiều âu lo cho các bậc phụ huynh. Không lo lắng sao được khi đứa con bé bỏng của mình bỏ ăn uống vì đau miệng, còn đối với những bé lớn hơn đã biết chải răng thì mỗi lần bé đánh răng lại thấy răng bé chảy máu. Để giúp quý vị cha mẹ hiểu rõ hơn về bệnh lý này,
  •  chúng tôi đã thực hiện cuộc trao đổi ngắn với Bác sĩ Nguyễn Văn Đẫu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Nhi Đồng 1.

Hỏi: Viêm nướu răng là gì?

  • Trả lời: Nướu răng là hệ thống phần mềm bao quanh chân răng bao gồm: gai nướu và viền nướu. Bệnh viêm nướu là khi có tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở hệ thống phần mềm này và không ảnh hưởng đến hệ thống nha chu như xương ổ răng, dây chằng nha chu và cement gốc răng.

Khi bị viêm , nướu sẽ sưng đau, mềm bở, chuyển từ màu hồng nhạt sang đỏ ửng hay xanh xám. Bề mặt nướu trở nên trơn láng, mất lấm tấm da cam. Nướu dễ chảy máu khi chải răng hay thăm khám, nặng hơn có thể gây chảy máu tự phát.

Hỏi: Nguyên nhân nào gây viêm nướu răng?

  • Trả lời: Nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm nướu răng là do vệ sinh răng miệng kém dẫn đến tình trạng tích tụ chất bẩn và vi khuẩn quanh răng nhất là ở khe nướu. Trẻ đang giai đoạn mọc răng, nướu răng trở nên dễ bị tổn thương và nhạy cảm hơn bình thường nên cũng dễ bị viêm nướu hơn. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như tình trạng dinh dưỡng kém, trẻ đang sốt vì mắc các bệnh lý toàn thân, đang dùng thuốc chống động kinh.

Hỏi: Phương pháp điều trị viêm nướu răng?

  • Trả lời: Khi bị viêm nướu răng, quý cha mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị mà nên cho bé đi khám bác sĩ. Việc tự ý điều trị thường không trị được tận gốc bệnh mà khiến bệnh âm ỉ kéo dài, việc điều trị sau này sẽ khó khăn hơn và có thể dẫn đến viêm nha chu. Tùy vào tình hình bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng điều trị tại chỗ bằng các loại dung dịch sát khuẩn vùng miệng hay có thể phối hợp thêm thuốc kháng sinh uống, vitamin PP và vitamin C.

Hỏi: Cách phòng bệnh viêm nướu răng?

  • Trả lời: Đối với trẻ dưới 3 tuổi, sau khi cho bé ăn hay bú sữa, phụ huynh nên dùng gạc quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước chín để nguội, chà răng và nướu của bé. Động tác này phải thực hiện thật nhẹ nhàng để tránh gây thương tổn niêm mạc miệng và tránh làm bé buồn nôn. Khi trẻ được 3 tuổi, cần hướng dẫn bé cách đánh răng đúng cách, tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng sau khi ăn. Nên cho trẻ đi khám để lấy vôi răng định kì mỗi 3 tháng một lần. Trám răng sâu và chỉnh hình răng nếu có sai lệch và điều trị các bệnh lý nguyên nhân nếu có.

BS Dư Minh Trí