Các yếu tố phụ gây nha chu viêm:


- Di truyền trong gia đình:

  • Có những người bẩm sinh đã bị suy nha chu, nướu và mô nâng đỡ răng rất yếu nên dễ bị bệnh nha chu. Các nhà khoa học đã tìm ra gene gây suy nha chu ở những người trẻ tuổi, mô nướu và dây chằng của những người nầy không có sức đề kháng với vi khuẫn gây bệnh nha chu. Ở những người bị suy nha chu, răng không có vôi nhiều, cạo vôi răng không thấy đá răng nhiều, nhưng nướu lúc nào cũng bị viêm.

- Bệnh nha chu nặng và trầm trọng hơn ở những bệnh nhân tiểu đường, ung thư máu, viêm gan siêu vi, và bệnh aids


  • Những trường hợp như vậy bệnh nhân phải chăm sóc rất kỹ hàm răng của mình, phải được cắt nướu, nạo túi nha chu và làm láng gốc răng gọi là Deep cleaning (Curettage and root planning)

- Ngược lại với thể trạng suy nha chu là có những bệnh nhân có mô nha chu rất khoẻ, vệ sinh răng miệng rất cẩu thả, vôi răng đóng rất nhiều nhưng tiêu xương ít và răng vẫn chắc, đó là những trường hợp hiếm, do cơ thể bệnh nhân có sức đề kháng mạnh với độc tố vi khuẩn gây bệnh nha chu

- Rối loạn kích thích tố ở bệnh nhân là phụ nữ, có chu kỳ kinh nguyệt không đều, thời kỳ mang thai sản phụ rất dễ bị viêm nướu, bị phì đại nướu răng, và bệnh nha chu sẽ trầm trọng hơn.

- Điều trị nha chu ở giai đoạn nướu viêm rất dễ dàng vì chỉ cần cạo vôi răng, ít tốn kém nhất và trong 6 tháng một lần. Nếu để bệnh nha chu nặng hơn việc điều trị rất tốn kém vì phẫu thuật nha chu rất phức tạp, nhất là ở giai đoạn tiêu xương ổ, phẩu thuật ghép xương ở bệnh nhân nha chu thường ít có kết quả và hay thất bại.

- So với các bệnh khác về răng miệng, bệnh nha chu được xem là một bệnh nan y nếu để quá nặng, vì bệnh nha chu khi đã tiêu xương ổ thì không hồi phục được, phẫu thuật nha chu rất đắt tiền và phải làm phẫu thuật nhiều lần. Trong khi trám răng tái tạo được chỗ bị sâu, mão và cầu răng tái tạo sức nhai, chình hình răng có thể kéo răng lại cho ngay hàng thẳng lối thì việc chữa trị bệnh nha chu phải kéo dài mà kết quá nếu tốt là chỉ chận đứng được bệnh chứ khó mà hồi phục lại như cũ. Ví dụ nếu răng bị lung lay ở mức độ nào thì ráng giữ không cho lung lay thêm là tốt rồi.

  • Bệnh nhân mắc bệnh nha chu là do ý thức vệ sinh răng miệng kém, lười chải răng hoặc chải răng không đúng phương pháp. Những người răng tốt ít sâu răng thường rất chễnh mãng trong việc chải răng vì cho là răng của mình tốt, ít sâu, nên không cần chải răng cũng không sâu răng nhưng họ lại không biết bệnh nha chu sẽ làm răng lung lay hàng loạt còn hơn cả sâu răng.

Ở nông thôn thỉnh thoảng cũng thấy một số gia đình nhiều người xài chung 1 bàn chải răng. Hoặc có nhiều nông dân không bao giờ chải răng, ăn xong chỉ súc miệng vài cái thì làm sao răng sạch được, bệnh nha chu sẽ phá hủy nhanh chóng hàm răng.

Những người còn thói quen ăn trầu, chất vôi sẽ đóng ở chân răng độ nồng của vôi ăn trầu sẽ hại nướu răng, là nguy cơ của ung thư niêm mạc miệng (Carcinoma) Cho nên những bà cụ ăn trầu sẽ bị rụng răng sớm hơn người bình thường không ăn trầu, dù cho ăn trầu có làm răng ít bị sâu hơn, nhưng bị bệnh nha chu phá hủy nhanh hơn.

Bs.Trần Ngọc Đỉnh