Viêm nướu do virus herpes
Virus herpes gây ra một trong những bệnh nhiễm virus phổ biến nhất. Hiện tượng sơ nhiễm thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn 6 tuổi do cơ thể chưa tiếp xúc với virus herpes simplex type 1 (HSV1) và do đó không có kháng thể trung hòa. Người ta tin rằng 99% tất cả các sơ nhiễm là type cận lâm sàng.
Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra ở những người lớn chưa từng bị sơ nhiễm.
- Trong một số trẻ mầm non, sơ nhiễm có thể đặc trưng bởi một hoặc hai vết loét nhẹ ở màng nhầy miệng, tổn thương này ít ảnh hưởng đến trẻ hoặc không gây ra sự chú ý của cha mẹ. Ở một số trẻ khác, sơ nhiễm có thể được biểu hiện bởi các triệu chứng cấp tính (viêm nướu miệng cấp tính do virus herpes). Các triệu chứng sớm của bệnh cấp tính có thể xảy ra ở trẻ em có tình trạng miệng sạch sẽ và các mô răng miệng khỏe mạnh. Trong thực tế, những đứa trẻ này dường như nhạy cảm với tình trạng vệ sinh răng miệng kém. Các triệu chứng của căn bệnh này xuất hiện đột ngột, bao gồm: nướu đỏ rực, mệt mỏi, khó chịu, nhức đầu, và đau khi ăn thức ăn và các chất lỏng có tính acid. Một đặc trưng khác trong bệnh nhiễm virus cấp tính là sự hiện diện của các túi chứa đầy chất lỏng màu trắng hoặc vàng trong miệng. Một vài ngày sau, các túi này vỡ ra và tạo thành vết loét gây đau đớn có đường kính từ 1-3 mm, được bao phủ bởi một lớp màng màu xám hoặc trắng và có vùng rìa viêm. Các vết loét có thể xuất hiện trên bất kỳ vùng nào của màng nhầy miệng, bao gồm cả niêm mạc miệng, lưỡi, môi, vòm khẩu cái cứng và mềm, và vùng hạnh nhân. Tổn thương loét lớn đôi khi được quan sát thấy trên vòm miệng hoặc các mô nướu hoặc ở vùng nếp gấp niêm mạc má. Điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán phân biệt. Một tiêu chí để chẩn đoán là các kháng thể kháng HSV-1 trong huyết thanh tăng gấp bốn lần. Nuôi cấy tế bào vùng tổn thương cho kết quả dương tính với HSV-1
Điều trị viêm nướu miệng cấp tính do virus herpes ở trẻ em là liệu trình kéo dài 10-14 ngày, bao gồm thuốc kháng virus đặc trị đồng thời làm giảm các triệu chứng cấp tính, do đó lượng nước uống và dinh dưỡng cần được đảm bảo. Ngoài ra, có thể áp dụng một số loại thuốc gây tê tại chỗ nhẹ như Dyclonine hydrochloride (Dyclone) trước bữa ăn để làm giảm đau tạm thời và cho trẻ ăn thức ăn mềm. Loại thuốc tê tại chỗ khác như lidocaine (xylocain) có thể được kê toa cho trẻ: ngậm 1 muỗng cà phê thuốc gây tê trong khoảng 2-3 phút sau đó nhổ bỏ. Schaaf đề nghị một hỗn hợp gồm các phần bằng nhau của diphenhydraminne(Benadryl) và Kaopectate có thể thay thế cho thuốc tê. Hỗn hợp này có thể do dược sĩ hoặc phụ huynh pha trộn. Diphenhydramine có tính giảm đau và kháng viêm nhẹ, trong khi Kaopectate sẽ bao phủ tổn thương. Uống bổ sung vitamin trong quá trình điều trị bệnh cũng được chỉ định vì nước trái cây thường kích thích vùng loét.
- Dù các phương pháp điều trị trên có thể có ích nhưng chỉ làm giảm nhẹ bệnh. Nguyên tắc chính là sử dụng đúng liều thuốc kháng virus đặc hiệu kết hợp với thuốc giảm đau (acetaminophen, ibuprofen) trong quá trình điều trị bệnh. Các loại thuốc kháng virus hiện có gồm acyclorir, famciclovir, và valacyclovir. Các loại thuốc này ức chế sự nhân lên của virus trong các tế bào nhiễm virus. Acyclovir (Zovirax), nên uống 1000mg chia thành năm lần mỗi ngày trong 10 ngày. Acyclovir có 2 dạng viên nang hoặc dạng huyền phù. Acyclovir liệu pháp đã điều trị thành công ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Famciclovir (Famvir) và Valacyclovir (Valtrex) là các thuốc kháng virus mới có thể hiệu quả hơn, nhưng việc sử dụng chúng trên trẻ em chưa được nghiên cứu. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo thuốc điều trị bệnh herpes simplex tái phát dạng mụn rộp môi (lạnh đau, sốt, mụn rộp) ở trẻ từ 12 tuổi trở lên là valacyclovir 2g liều khởi đầu và 2g sau 12 giờ. Ở người lớn, FDA khuyến cáo điều trị herpes simplex bằng Famciclovir 1500g liều duy nhất khi có dấu hiệu đầu tiên của tổn thương, tuy nhiên, liều điều trị này chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Ngoài ra, trẻ nên được nghỉ ngơi tại giường và cách ly với các trẻ khác trong gia đình. Hale và các đồng nghiệp đã báo cáo một ổ nhiễm herpes simplex ở một nhóm 13 trẻ em ở cùng tầng trong một trại trẻ mồ côi. Những đứa trẻ này trong độ tuổi từ 11 đến 35 tháng. 3 trẻ trong số đó chỉ có triệu chứng sốt nhẹ thoáng qua và những tổn thương nhỏ ở miệng là những dấu hiệu duy nhất của nhiễm trùng. Những đứa trẻ còn lại có triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.
Sau đợt sơ nhiễm đầu tiên trong suốt thời thơ ấu, virus herpes simplex bị bất hoạt và cư trú ở hạch thần kinh cảm giác. Virus thường tái xuất hiện sau đó với triệu chứng đau lạnh quen thuộc hoặc các mụn rộp bỏng rát, vị trí thường ở bên ngoài môi. Vì vậy, bệnh thường được gọi là mụn rộp môi tái phát (RHL). Tuy nhiên, khoảng 5% tái phát trong miệng. Với các đợt tái phát tiếp theo, các vết loét phát triển lớn hơn ở cùng một vị trí. Kleinman và các đồng nghiệp đã công bố kết quả một cuộc khảo sát quốc gia ở 39.206 học sinh từ 5 đến 17 tuổi, có 33% trẻ em bị RHL.
Sự tái phát bệnh thường liên quan đến stress và sự giảm đề kháng mô với các chấn thương. Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời có thể dẫn tới sự xuất hiện thường xuyên của các tổn thương dạng herpes trên môi. Sử dụng kem chống nắng có thể ngăn ngừa sự tái phát này. Các tổn thương trên môi cũng có thể xuất hiện sau khi điều trị nha khoa do sự kích thích của vật liệu bằng cao su.
- Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho những trường hợp tái phát là sử dụng các loại thuốc kháng virus đặc trị đã được đề cập trong phần điều trị sơ nhiễm herpes (acyclovir, famciclovir, và valacyclovir). Thuốc này cần được sử dụng ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của đợt tái phát. Liều lượng giống liều điều trị sơ nhiễm, nhưng kéo dài trong 5 ngày thay vì 10 ngày như đợt điều trị sơ nhiễm. Tổng liều điều trị là 4g valacyclovir/ngày, 2g đầu tiên khi xuất hiện các tiền chứng và 2g sau 12 giờ. Phác đồ được dùng điều trị cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc kháng virus tại chỗ như Penciclovir dạng kem (Denavir) cho tổn thương quanh miệng, không sử dụng cho những tổn thương trong miệng. Penciclovir và các thuốc kháng virus khác không nên sử dụng đồng thời. Penciclovir có thể được dùng mỗi 2 giờ khi thức trong 4 ngày, và được sử dụng ở trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Acyclovir 5% dạng kem thoa tại chỗ được sử dụng năm lần mỗi ngày trong 4 ngày ở trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Các biện pháp khác điều trị nhiễm herpes simplex gồm các axit amin lysine. Điều trị răng miệng dựa trên hiệu ứng kháng lysine của một amino acid là arginine. Griffith và các cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu ban đầu, trong đó 250 bệnh nhân đã uống lysine hàng ngày với liều 1000mg và được khuyên nên tránh ăn các thực phẩm giàu arginine, chẳng hạn như sô cô la và các loại đậu. Liệu pháp lysine được tiếp tục cho đến khi bệnh nhân đã hết tổn thương trong 6 tháng. L-lysine monohydrochlor có sẵn trên thị trường dưới dạng viên nang hoặc viên nén có chứa 100 hoặc 312 mg L-lysine. Các bệnh nhân cho biết cơn đau biến mất ở hầu hết các trường hợp. Tổn thương mới không xuất hiện, và phần lớn tổn thương cải thiện nhanh chóng. Tần số xuất hiện tổn thương cũng giảm. Griffith và các đồng nghiệp kết luận rằng thực phẩm không phù hợp có thể làm cho sự tiêu thụ lysine không giống nhau đối với một số người. Ăn nhiều ngũ cốc, hạt, các loại đậu, và sô cô la sẽ làm tỷ lệ arginine / lysine cao và dẫn đến phát triển các tổn thương dạng herpes. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận khi arginine được thêm vào các môi trường thí nghiệm để làm tăng nhanh virus herpes. Tránh những thực phẩm này cùng với việc lựa chọn các loại thực phẩm nhiều lysine như các sản phẩm từ sữa và men sẽ ngăn ngừa nhiễm virus herpes. Các tác giả này định đề rằng điều này có thể giải thích tỷ lệ thấp của bệnh herpes ở trẻ sơ sinh trước khi chúng được cai sữa. Dự phòng lysine rõ ràng là hữu ích trong việc quản lý các trường hợp được lựa chọn của RHL nếu nồng độ lysine huyết thanh được duy trì đầy đủ.
Brooks và cộng sự đã báo cáo rằng các nha sĩ thường xuyên tiếp xúc với HSV-1. Họ đánh giá nguy cơ lây nhiễm virus bằng cách đánh giá tiền sử bệnh, so sánh tiền sử bệnh của cá nhân với kết quả của một test cố định bổ thể hoặc test chuẩn độ kháng thể, hoặc cả hai. Nhóm nghiên cứu gồm 525 sinh viên nha khoa, 94 giảng viên nha khoa, và 23 nhân viên. Mặc dù hầu như tất cả những người có tiền sử nhiễm virus herpes đều có kháng thể kháng HSV-1, chỉ có 57% người không nhiễm virus herpes có độ chuẩn kháng thể trung hòa 1:10 hoặc cao hơn. Phát hiện này cho thấy việc thực hành nha khoa có nguy cơ nhiễm virus herpes. Do đó, nha sĩ và các trợ thủ nha khoa chưa từng có tổn thương herpes có thể được lợi từ xét nghiệm huyết thanh. Xem xét các nguy cơ nghề nghiệp do nhiễm HSV-1 qua tay hoặc mắt rất quan trọng trong việc thiết lập hàng rào bảo vệ hiệu quả cho các chuyên gia y tế.
Sơ nhiễm herpes được quan sát trên mặt lưng ngón tay cái của một bệnh nhi. Đứa trẻ có tật mút tay, và nhiễm trùng cấp tính hiện diện trong miệng. Mặt lưng của ngón tay cái đặt trên răng cửa dưới bị kích thích, và sự lây nhiễm virus diễn ra. Tình trạng miệng và tổn thương trên ngón tay cái giảm xuống trong 2 tuần.
Bác sĩ Lê Như Thúy Quỳnh
Thông tin cung cấp bởi:
Nha khoa thẩm mỹ AVA
Công ty TNHH Nha Khoa Thẩm Mỹ AVA
Địa chỉ duy nhất: 31 Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM
Hotline: (08) 6288.7777 - 22.297.297
BS. Phạm Việt Hùng : 09.1615.7777
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Website: http://benhvienthammy.com.vn