TỔNG QUAN VỀCHỨNG HÔI MIỆNG (BAD BREATH)
Hội đồng Nha Khoa Hoa Kỳ (American Dental Association) phỏng đoán 50-65% người lớn (trong 85 triệu người Mỹ) bị chứng bệnh hôi miệng. Hằng năm, người Mỹ chi tiêu khoảng 1 tỷ dollars mỗi năm để mua sắm thuốc súc miệng, kẹo the hoặc chewinggum để giữ cho thơm miệng. Những chất này chỉ công hiệu trong thời gian rất ngắn ngủi.
Thuốc nước súc miệng (mouthwashes) chỉ có công dụng trong khoảng 1 tới 3 giờ đồng hồ. Chúng ta cũng nên biết phần lớn thuốc súc miệng đều có chất alcohol và có thể kích thích những mô trong miệng (Irritation of oral tissues) làm cho bệnh hôi miệng trở nên nặng hơn.
Hôi miệng, tiếng Anh thường gọi là bad breath hoặc danh từ chuyên khoa gọi là Halitosis. Chữ Halitosis xuất gốc từ tiếng Latinh – halitus là "hơi thở" và osis là "tình trạng". Hơi thở hôi là một vấn đề quen thuộc đối với các BS ngành nha và bệnh nhân. Có người tự giác, đến than với bác sĩ rằng mình bị hôi miệng. Thường hơn, người bị hôi miệng không biết miệng mình bị hôi. Tình trạng này có thể xảy ra trong mọi người ở mọi lứa tuổi và có thể nặng ở một số người, đến mức độ bị mọi người xa lánh. Bài viết này sẽ trình bày và dẫn giải những lý do đưa tới chứng hôi miệng và cách thức điều trị tình trạng này.
Các mùi gây khó chịu có thể do nhiều nguồn khác nhau trong cơ thể. Chứng bệnh nặng mùi có thể phát khởi từ xoang miệng (oral cavity), hốc mũi (nasal passages), đường khí quản (upper respiratory tract), hoặc phần trên của đường tiêu hóa (upper digestive tract). Người Việt Nam thường nghĩ rằng tình trạng hôi miệng xảy ra vì mình bị bệnh đau bao tử hoặc bệnh phổi. Những nghiên cứu cho thấy 85% căn bệnh hôi miệng đều phát xuất từ xoang miệng. 10% còn lại phát xuất từ đường hô hấp, đường tiêu hóa, hoặc những bệnh như bệnh viêm gan (cirrhosis), bệnh tiểu đường (diabetes), hoặc bệnh thận (kidney failure).
Có hai nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng: do miệng, và không do miệng. Nói chung, với đa số người bị hôi miệng, nguyên nhân gây hôi nằm ngay trong miệng. Lý do chính gây ra bệnh hôi miệng là sự phân hủy của vi trùng (bacterial putrefaction) và việc hình thành những hợp chất sulfur. Trong xoang miệng, chúng ta có hơn 300 loại vi trùng sống cùng với nhau trong những cấu tạo phức tạp chung quanh mô nha chu, lưỡi và cuống họng. Phần đông những vi trùng gây chứng bệnh hôi miệng đều thuộc loại "vi trùng kỵ khí, G-". Những vi trùng này chuyển hóa những chất axit amino tiết ra từ thực phẩm và những chất peptide của nước bọt thành những chất khí khác (gas by-products). Nghiên cứu cho thấy hydrogen sulfide (H2S), methyl mercaptan (CH3SH), dimethylsulfide (CH3SCH3), hoặc dimethyl disulfide là những chất sulfur dễ bay hơi có mùi hôi, là chủ yếu trong chứng hơi thở hôi. Những khí chất nêu trên còn được gọi chung trong sách vở là "hợp chất khí sulfur" (volatile sulfur compounds, VSCs).
Khi nói tới xoang miệng, chúng ta cũng nên biết tầm quan trọng của nước bọt. Nước bọt có rất nhiều công dụng, chẳng hạn như có tính chất kháng vi khuẩn (antibacterial), kháng siêu vi trùng (antivirus), kháng nấm (antifungal), dung hòa (buffering capacity), và tẩy sạch khoang miệng (mechanical cleansing of the oral cavity). Tóm lại, nước bọt được coi như là một loại xà bông rất tốt trong miệng, có tính chất sát trùng. Đồng thời, nước bọt còn có công dụng hòa tan (solvent) hoặc tận diệt những chất bay hơi nặng mùi (malodorous volative compounds). Nếu những chất nặng mùi này được hòa tan trong nước bọt thì sự cảm nhận mùi hôi cũng được giảm đi. Nhưng nếu lượng nước bọt bị ngưng tiết hoặc giảm thiếu, thì lượng chất sulfur sẽ tăng lên và sẽ dễ dàng cảm nhận hơn. Phần nhiều chúng ta nuốt hoặc hít hơi vào trước khi phát âm. Bởi vì thế, chúng ta rất dễ dàng nhận ra những người bị bệnh hôi miệng khi họ đang "thao thao bất tuyệt".